1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thông điệp của bức họa phía sau các chính trị gia nổi tiếng

(Dân trí) - Các chính trị gia luôn gửi gắm rất nhiều thông điệp qua lời nói, cử chỉ của họ. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu thâm ý sâu xa của những điều họ thực sự muốn nói đến,hãy nhìn vào những bức tranh được treo phía sau họ trong những buổi họp báo hay hội nghị. Đó được coi là cách truyền tải thông điệp tinh tế, nhẹ nhàng mà lại rất hiệu quả.


(Ảnh: BBC)

(Ảnh: BBC)

Trong một bức ảnh được chụp đầu năm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande đứng trước hai bức tranh chân dung do họa sĩ người Hà Lan Rembrandt vẽ năm 1634 cho đám cưới của thương nhân người Amsterdam Maerten Soolmans và Oopjen Coppit. Hai bức tranh này đã từng thuộc sở hữu tư nhân trong hơn 130 năm và sau đó được Bảo tàng Louvre ở Paris và Rijksmuseum ở Amsterdam mua đồng sở hữu. Điều này đã khiến ông Hollande trở thành một “nhà vô địch” của văn hóa cộng đồng trong việc lưu trữ nghệ thuật của giới thượng lưu.


(Ảnh: BBC)

(Ảnh: BBC)

Một ví dụ khác cho thấy hình ảnh có giá trị hơn triệu lời nói là bức ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel chụp vào tháng 1/2016. Trong ảnh, phía sau bà Merkel là một bức tranh vẽ hai bé gái mặc váy hoa đang vui đùa trên đồng cỏ. Bức tranh này được vẽ năm 1943 bởi Nelly Toll (khi đó 8 tuổi), một người Do Thái sống tại Ba Lan.

Bức ảnh chụp bà Merkel bắt tay tác giả bức tranh, giờ đây đã 80 tuổi, là một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng và hùng hồn nhất mà Thủ tướng Đức muốn gửi gắm trong bối cảnh làn sóng bài Do Thái sục sôi ở nước này. Hình ảnh Thủ tướng Merkel và bà Nelly Toll bắt tay, cười nói vui vẻ tình cờ giống với sự hân hoan của hai bé gái trong tranh vẽ phía sau họ.

Những người bạn mới?

Trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba hồi tháng 3 vừa qua, bức tranh treo trong căn phòng nơi diễn ra cuộc họp giữa ông Obama và một nhóm chính trị gia Cuba đã thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông.


(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Bức tranh mang tên “Người bạn mới của tôi” của họa sĩ đương đại Michel Mirabal được treo phía sau các chính trị gia trong cuộc họp. Người ta nhìn thấy trong bức trong những dấu in bàn tay chồng lấn màu đỏ, trắng, xanh - ba màu quốc kì của Cuba và Mỹ.

Bức tranh rõ ràng gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ về mối quan hệ giữa Washington và La Habana. Ba màu sắc đỏ, trắng, xanh nổi bật lấn át hoàn toàn những dải màu xám đen, ngụ ý nói tới tương lai tươi sáng trong quan hệ hai nước, đẩy lùi quá khứ hơn 50 năm kình địch. Những dấu in bàn tay lồng ghép vào nhau với màu quốc kì hai nước là một cách thể hiện tinh tế rằng Mỹ và Cuba có mối quan hệ về cơ bản không thể tách rời.

“Nói nhẹ nhàng với một cây gậy lớn”


(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Barack Obama được coi là “bậc thầy” trong việc chuẩn bị, sắp xếp cho các sự kiện của mình. Ông đã nhiều lần khẳng định cam kết của mình về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo, phía Đông Cuba, nơi chuyên giam giữ các đối tượng tình nghi khủng bố.

Trong buổi họp báo ngày 25/2 vừa qua, ông Obama một lần nữa tái khẳng định cam kết của mình trong vấn đề này, nhấn mạnh đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm tới. Bức ảnh chụp trong buổi họp báo cho thấy bức tranh được treo phía sau Tổng thống là chân dung bậc tiền bối của ông Obama - cố Tổng thống Theodore Roosevelt - không phải là một sự ngẫu nhiên.

Năm 1898, Theodore Roosevelt đã dẫn đầu đội kị binh huyền thoại chiến thắng quân Tây Ban Nha, giúp thiết lập quyền kiểm soát của Mỹ trên vịnh Guantanamo. Bằng việc treo bức tranh này trong buổi họp báo về vấn đề liên quan tới nhà tù Guantanamo, ông Obama đã đặt mình trong mối tương quan với các vị tiền bối, người được biết tới với phương châm “nói chuyện nhẹ nhàng với cây gậy lớn”, thể hiện quyết tâm của ông trong việc đóng cửa nhà tù Guantanamo.

Nhật Minh

Theo BBC