1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

THAAD - sức mạnh và những mối lo

Trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn chưa thoát ra khỏi vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye, việc quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cần phải được triển khai tại Hàn Quốc càng sớm càng tốt để đối phó với các mối đe dọa, đã cho thấy quyết tâm của Hàn Quốc, cho dù vấp phải sự lo ngại của nhiều nước trong khu vực.

Được triển khai trong sự phản đối

Hạ tuần tháng 12-2016, ngay sau khi được trao quyền Tổng thống, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Hàn Quốc bằng tuyên bố tại phiên họp của Quốc hội rằng, vì lý do an ninh, Hàn Quốc phải triển khai THAAD.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định việc THAAD sẽ được triển khai tại khu vực Seongju nhằm góp phần bảo đảm an toàn tốt hơn cho người dân trên hai phần ba lãnh thổ Hàn Quốc; tăng cường năng lực bảo vệ những cơ sở chủ chốt của nhà nước như Nhà máy Điện hạt nhân và Nhà máy Lọc dầu cũng như các lực lượng đồng minh Hàn - Mỹ.

Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), tướng Vincent Brook đầu tháng 11-2016, cho biết triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ mất khoảng 8-10 tháng.

Sơ đồ triển khai và tầm hoạt động của THAAD. Ảnh: IISS
Sơ đồ triển khai và tầm hoạt động của THAAD. Ảnh: IISS

Tuyên bố của quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc cuối năm 2016 đã bị các đảng đối lập tại Hàn Quốc phản đối và kêu gọi hoãn việc triển khai THAAD. Trước đó, nhiều nước trong khu vực đã phản đối từ khi nó bắt đầu “phôi thai”.

Ngay từ đầu, ngày 4-3-2016, ngày Hàn Quốc và Mỹ đã chính thức ký kết văn kiện và các điều khoản tham chiếu thành lập Nhóm làm việc chung để bắt đầu triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, cho dù hai nước luôn khẳng định hệ thống này chỉ mang tính phòng thủ và mục đích chính nhằm bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc, chống lại “mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa” của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cho rằng việc Hàn Quốc triển khai THAAD vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ trên Bán đảo Triều Tiên và đe dọa trực tiếp đến lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực. Thậm chí, Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào ngày 3-3-2016.

Ba tháng sau khi có “ý kiến” với HĐBA LHQ, ngày 29-6-2016, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc Hàn Quốc lưu tâm tới mối quan ngại chính đáng của Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao cấp thứ trưởng của Nga và Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối.

Trong khi đó, trong cảnh báo được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ thực hiện hành động ngay khi Hàn Quốc và Mỹ triển khai THAAD.

Cũng dễ hiểu trước những lo ngại của các nước láng giềng của Hàn Quốc. Bởi những tính năng vượt trội của THAAD - hệ thống tên lửa do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển, được thiết kế để bắn tên lửa tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển của Trái Đất trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu.

Và để làm được điều này, THAAD cần có hệ thống radar cực mạnh. Radar của THAAD có thể phát hiện các tên lửa ở vị trí cách 2.000km, tức là có thể thấy “rõ” nhiều hoạt động của các hệ thống khí tài quân sự của nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên…

Mất cân bằng chiến lược ở khu vực?

Sự vượt trội về tính năng kỹ, chiến thuật của THAAD không chỉ đơn thuần khiến cả Nga và Trung Quốc lo ngại bị lộ bí mật quân sự, mà điều đáng lo ngại của các nước này là việc triển khai THAAD có thể còn gây leo thang căng thẳng, làm mất cân bằng chiến lược trong khu vực.

Bởi THAAD về lý thuyết không chỉ giúp tăng cường an ninh cho Hàn Quốc, mà trên góc độ chiến lược, nó nằm trong cả hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo theo chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, ở tầm toàn cầu nói chung.

Hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu của Mỹ được triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương bao gồm hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot trên đất liền (Nhật Bản, Hàn Quốc), THAAD (đảo Guam, Hàn Quốc), hệ thống radar (Nhật Bản, Australia), radar tia X trên biển và chiến hạm Aegis… có khả năng phát hiện và chống tên lửa đạn đạo ở mọi cấp độ.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu và chức năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo không chỉ là vũ khí tấn công các mục tiêu đã định, mà hệ thống này có chức năng răn đe đối với kho vũ khí hạt nhân là các nước lớn như Trung Quốc, Nga. Đây mới là yếu tố quan trọng, đã được tính toán kỹ.

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự, Mỹ ở vị trí hai đầu lục địa Á-Âu thông qua việc kết nối lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo của các nước đồng minh, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của chính nước Mỹ, đây chính là việc Mỹ từng bước xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu. THAAD và radar băng X gắn trên đó là một khâu quan trọng trong hệ thống này.

Nếu tính toán và phân tích của chuyên gia quân sự chính xác thì chúng ta có thể thấy rằng, việc triển khai THAAD trên Bán đảo Triều Tiên và radar AN/TPY-2 gắn trên đó sẽ nâng cao khả năng trinh sát và quan sát của Mỹ đối với lực lượng chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, nhiều tướng lĩnh Nga tỏ ra hoài nghi về tính tất yếu của Mỹ trong việc bố trí THAAD ở Hàn Quốc bởi hệ thống này có ưu thế tuyệt đối, mang tính tấn công chiến lược rất mạnh, có thể nhằm vào bất cứ đối thủ tiềm tàng nào trên phạm vi toàn cầu.

Tạp chí Journal bình luận, việc triển khai THAAD xét về góc độ tiêu cực nó có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở khu vực này. Bởi khu vực này vốn là của rất nhiều nước có tiềm lực cả về kinh tế, khoa học kỹ thuật và trình độ công nghệ quốc phòng.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân