1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự tái xuất ngoạn mục của vị thủ tướng già nhất thế giới

(Dân trí) - Trước khi Liên minh Hy vọng đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Malaysia, ông Mahathir Mohamad, hiện 92 tuổi, từng giữ cương vị Thủ tướng lâu nhất ở quốc gia Đông Nam Á này, với giai đoạn cầm quyền từ năm 1981 tới 2003.

Thủ tướng Malaysia tuyên thệ nhậm chức ở tuổi 92


Ông Mahathir Mohamad. (Ảnh: AP)

Ông Mahathir Mohamad. (Ảnh: AP)

Chính trị gia 92 tuổi gần đây đã bất ngờ tuyên bố trở lại chính trường sau khi cảm thấy không hài lòng về vụ bê bối tham nhũng có liên quan đến Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Sau đó, ông quyết định rời bỏ Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) để gia nhập phe đối lập.

Như vậy, chiến thắng của Liên minh Hy vọng do ông Mahathir Mohamad đã chấm dứt 60 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Dân tộc. Theo kết quả được Uỷ ban Bầu cử Malaysia công bố, PH giành được 121 ghế tại Quốc hội, vượt mức cần thiết là 112 ghế để thành lập chính phủ.

Với hơn 70 năm kinh nghiệm trên chính trường, nhiều nhà quan sát đánh giá ông Mahathir Mohamad có đủ khả năng để đưa ra những chính sách giúp phe đối lập giải quyết các vấn đề hiện nay ở Malaysia, cũng như vượt qua "cái bóng" của Tổ chức quốc gia Malaysia thống nhất (UMNO) - đảng lãnh đạo trong liên minh BN.

Sự nghiệp chính trị

Ông Mahathir Mohamad sinh ra và lớn lên ở thành phố Alor Setar - thủ phủ bang Kedah. Sau đó, ông có một sự nghiệp học tập xuất sắc trước khi trở thành bác sĩ. Sau khi gia nhập UMNO, ông Mahathir Mohamad bắt đầu cảm thấy cần quan tâm hơn tới chính trường nước nhà. Năm 1964, ông đã trở thành nghị sỹ.

Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad chỉ làm nghị sỹ đúng một nhiệm kỳ vì bất đồng với Thủ tướng Tunku Abdul Rahamn - vụ việc dẫn tới việc ông bị mất tư cách thành viên của UMNO. Sau khi Thủ tướng Abdul Rahman từ chức, ông Mahathir Mohamad trở lại tổ chức này và quốc hội, rồi tiếp tục đảm nhận nhiều cương vị trong chính phủ.

Năm 1976, ông trở thành Phó Thủ tướng Malaysia và đảm nhận nhiều vai trò ở cấp bộ như Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 1978, Bộ trưởng Quốc phòng năm 1981, Bộ trưởng Nội vụ năm 1986 và Bộ trưởng Tài chính năm 2001.

Năm 1981, ông cũng từng giữ cương vị Thủ tướng Malaysia sau khi Thủ tướng Hussein Onn từ chức. Trong quãng thời gian từ đây tới 2003, ông Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng trong 5 cuộc tổng tuyển cử và "đánh bật" nhiều đối thủ khác.

Thành tựu

Trong quãng thời gian ông Mahathir Mohamad nắm quyền, Malaysia trải qua một giai đoạn có tốc độ hiện đại hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế liên tục. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á này đã được đầu tư và phát triển mạnh.

Trong quãng thời gian đó, những cây cầu dài và các tuyến đường cao tốc có tới 6 làn xe đã mang đến một hình ảnh mới cho Malaysia. Chưa kể, Tòa tháp đôi Petronas nổi tiếng được xây dựng cũng có phần công lao không nhỏ của ông Mahathir Mohamad. Do vậy, nhiều người dân Malaysia đã từng ví ông với cái tên "Người cha của Malaysia hiện đại".

Tuy nhiên, giai đoạn cầm quyền của ông Mahathir Mohamad cũng để xảy ra những vấn đề gây tranh cãi, như những ảnh hưởng tới hệ thống tư pháp Malaysia hay đạo luật an ninh trong nước gây xôn xao dư luận.

Một trong những vấn đề mà giới quan sát đặt ra cho tân chính phủ của ông Mahathir Mohamad trong thời gian tới là về quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn với báo TIME mới đây, ông nói: "Malaysia đã sống chung với Trung Quốc trong hơn 2.000 năm. Chúng tôi có một lịch sử giao thương với họ. Giờ đây, họ là một nước mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẽ đưa ra quan điểm của mình, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Bạn có thể thấy thực tế rằng, Trung Quốc vẫn ở đó và bạn phải tìm cách sống chung với họ. Dù tôi biết đây là điều không dễ dàng gì. Song tôi sẽ thử tìm cách thảo luận theo hướng thân thiện với họ xem sao".

Ngọc Anh

Theo Express/TIME

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm