1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quân đội Mỹ “sợ” tên lửa hành trình mới của Nga

Đài Sputnik hôm 16-2 dẫn lời người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) Lori Robinson cho biết quân đội nước này đang lo ngại về thế hệ tên lửa hành trình mới của Nga.

"Nga đã ưu tiên phát triển các tên lửa hành trình tiên tiến có khả năng đe doạ các mục tiêu ở Bắc Mỹ mà trước đây chưa từng thấy" - bà Robinson phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, ngày 15-2.

Theo bà Robinson, thế hệ tên lửa hành trình mới của Nga đã trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với khu vực Bắc Mỹ.

Bà Robinson cũng chỉ ra rằng mặc dù khả năng Nga dùng tên lửa hành trình tấn công Mỹ đang ở mức thấp, Washington vẫn cần phải đầu tư vào các bộ cảm biến tiên tiến và hệ thống vũ khí phòng thủ nếu muốn bảo vệ "những tài sản quan trọng".


Nga phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến vào mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Ảnh: Sputnik

Nga phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến vào mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Ảnh: Sputnik

"Tên lửa Nga được cải tiến đáng kể làm cho các chỉ dẫn và cảnh báo mà chúng tôi nhận được trước khi khởi động hệ thống phòng thủ bị giảm, buộc NORAD phải áp dụng các chiến thuật và kỹ thuật mới để chống lại" – bà Robinson thừa nhận.

"Mỹ phải tiếp tục đầu tư và đổi mới để vượt qua được mối đe dọa đang trỗi dậy này" – nữ chỉ huy NORAD nói thêm, đồng thời cảm ơn các ủy ban quốc phòng đã tài trợ hệ thống cảm biến Active Electronically Scanned Array để giúp đối phó tên lửa Nga.

Dự luật ngân sách mới của Mỹ trong năm 2019 bao gồm 6,3 tỉ USD dành cho chi tiêu quân sự đặc biệt để ngăn chặn Nga ở châu Âu, tăng so với 4,6 tỉ USD hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, vừa lên tiếng cảnh báo về sự tiến bộ của Trung Quốc trong cuộc chạy đua tên lửa siêu thanh.

Loại vũ khí này đang được Trung Quốc, Nga và Mỹ phát triển. Nó có thể bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh và được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.


Truyền hình Trung Quốc phát cảnh một tên lửa siêu thanh được thử nghiệm trong đường hầm gió. Ảnh: SCMP

Truyền hình Trung Quốc phát cảnh một tên lửa siêu thanh được thử nghiệm trong đường hầm gió. Ảnh: SCMP

Theo báo cáo của tạp chí Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản), Trung Quốc đã phát triển (và đưa vào thử nghiệm hồi năm ngoái) một loại tên lửa siêu thanh mới gọi là DF-17. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ gần đây cũng tuyên bố Bắc Kinh "đã thử nghiệm một thiết bị bay siêu thanh".

Tên lửa siêu thanh có thể làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh trong tương lai vì nó có khả năng chuyển hướng bay và không đoán được lộ trình như tên lửa thông thường, khiến nó khó bị theo dõi và đánh chặn.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao Động