Phó bí thư tỉnh "nghiện" phá nhà ăn tiền
Hôm 25/8, tòa án Quý Dương, Quý Châu (Trung Quốc), đã xét xử công khai vụ án Cừu Hòa, Phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam, nhận hối lộ.
Theo nội dung bản khởi tố của Viện Kiểm sát Quý Dương, trong thời gian từ 2008 đến 2015, Cừu Hòa đã lợi dụng các chức vụ như Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Côn Minh, Phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam, giúp đỡ người khác trong vấn đề nhận công trình, vay tiền ngân hàng, điều chuyển công tác… để được nhận số tiền hối lộ lên tới hơn 24,33 triệu NDT (85,155 tỷ VND).
Tại tòa, cơ quan công tố đã công bố các chứng cứ, đối chất với bị cáo và luật sư biện hộ. Hai bên đã tranh biện sôi nổi, cuối cùng Cừu Hòa đã nhận mọi tội lỗi và bày tỏ ăn năn hối tội. Tuy nhiên, mức án phạt chưa được công bố.
Cừu Hòa sinh năm 1957, quê ở tỉnh Giang Tô. Sau khi tốt nghiệp ở Học viện Nông nghiệp Giang Tô, Hòa về công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh, lần lượt giữ các chức lên đến Phó bí thư, Viện phó. Tháng 5/1988, Hòa được điều đi làm Phó huyện trưởng huyện Phong. Từ đây, sự nghiệp của Hòa chính thức chuyển sang con đường chính trị.
Trải qua nhiều vị trí, tới tháng 1/2006, Hòa được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng Giang Tô. Tháng 12/2007, Cừu Hòa được đưa về Vân Nam giữ chức Ủy viên thường vụ tỉnh ủy kiêm Bí thư thành ủy Côn Minh. Cuối tháng 11/2011, Hòa giữ chức Phó bí thư Vân Nam. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông ta được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương.
Theo báo chí Trung Quốc, Hòa là thành viên “bang Giang Tô” khét tiếng, phất lên rất nhanh nhờ có sự giúp đỡ của các quan chức như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và một nhân vật có thế lực ở Ban Tổ chức trung ương. Chính người này sau khi rời Giang Tô về trung ương, đã đưa Cừu Hòa về tỉnh Vân Nam làm Bí thư Côn Minh, rồi chuyển sang làm Phó bí thư tỉnh.
Về Côn Minh, Cừu Hòa lập tức nổi tiếng với “Lệnh cấm cỗ”. Ông ta ban hành lệnh cấm: đám cưới của dân chúng không được mời khách quá 8 mâm, cán bộ đảng viên không được mời quá 5 mâm, ai vi phạm đều bị phạt rất nặng. Ông ta còn khuyến khích, khen thưởng những người tố giác.
Việc này gây nên cuộc tranh luận gay gắt về “có hay không dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp đời sống riêng tư”, dân chúng phản ứng rất mạnh, thậm chí xuất hiện những tiểu phẩm chế diễu, xuyên tạc lệnh cấm này…
Trong thời gian giữ chức Bí thư Côn Minh, Cừu Hòa còn nổi tiếng với “thành tích” biến “Xuân thành” (thành phố mùa Xuân) Côn Minh thành “sách thành” (thành phố phá dỡ). Khoảng 6 triệu dân của thành phố đứng trước nguy cơ bị di chuyển, phá nhà để quy hoạch lại.
Báo điện tử Sina cho rằng, việc Cừu Hòa ngã ngựa bắt đầu từ việc bị các cán bộ lão thành như ông Dương Duy Tuấn, 92 tuổi, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh tố cáo lên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) về tham nhũng trong vấn đề phá dỡ, quy hoạch lại Côn Minh. Họ cho rằng, việc phá nhà, di dời, quy hoạch lại không phù hợp thực tế Côn Minh cũng như Vân Nam.
Trong 4 năm làm lãnh đạo thành phố, Hòa đã biến Côn Minh thành công trường phá dỡ, đơn thư tố cáo, khiếu kiện chất như núi. Trong quá trình di dời, các bệnh viện, trường học và nhà trẻ đều bị đem bán cho tư nhân để lấy tiền xây dựng đô thị. Thành phố mắc nợ hơn 600 tỷ NDT, tình hình tài chính rất căng thẳng, cán bộ lẫn dân chúng đều oán thán, vậy mà Cừu Hòa vẫn được “đẩy lên” làm Phó bí thư tỉnh ủy. Sau này cả Bí thư Bạch Ân Bồi lẫn Cừu Hòa đều bị ngã ngựa.
Ngày 15/3/2015, trang web của UBKTKLTW đưa tin “Cừu Hòa, Phó bí thư tỉnh ủy Vân Nam bị tổ chức điều tra vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật”. Ngày 18/3, Cừu Hòa bị bãi miễn chức vụ lãnh đạo. Ngày 20/3, Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Côn Minh họp, ra nghị quyết bãi miễn chức vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 12 của Cừu Hòa.
Ngày 26/3, Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Vân Nam họp thông qua nghị quyết bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội khoá 12 của Cừu Hòa và báo cáo lên Ủy ban thường vụ quốc hội.
Đến ngày 31/7/2015, UBKTKLTW ra thông báo về kết quả điều tra, cho thấy Cừu Hòa đã vi phạm quy định về liêm khiết tự răn, nhận tiền và quà biếu; lợi dụng tiện lợi về chức vụ để mưu lợi cho thân quyến trong hoạt động kinh doanh; lợi dụng tiện lợi về chức vụ để mưu lợi cho người khác trong đề bạt sử dụng, sản xuất kinh doanh, nhận hối lộ số tiền rất lớn; trong đó vấn đề nhận hối lộ có dấu hiệu cấu thành phạm tội…
Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định khai trừ đảng tịch, khai trừ chức vụ công đối với Cừu Hòa; chuyển vấn đề phạm tội, manh mối và tang vật sang cơ quan tư pháp xử lý. Cùng ngày, Viện Kiểm sát trung ương quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Cừu Hòa để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 3/6/2016, Viện Kiểm sát trung ương đã chỉ định Viện Kiểm sát tỉnh Quý Châu giao kết quả điều tra cho Viện Kiểm sát thành phố Quý Dương thẩm tra, khởi tố vụ án Cừu Hòa.
Cừu Hòa bị bắt rất bất ngờ. Báo Thanh niên Trung Quốc ngày 16/3/2015 đăng bài “Hội nghị họp xong, Cừu Hòa ở lại”, trong đó cho biết trưa ngày 15/3, kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Chính Hiệp kết thúc, như mọi khi các nhà báo kéo về trung tâm báo chí nghe thông báo kết quả.
Đột nhiên, tin Cừu Hòa bị điều tra được Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thông báo khiến mọi người xôn xao bởi chiều 14 họ vẫn thấy ông ta còn dự họp với tư cách đại biểu quốc hội đoàn Vân Nam, thì ra ông ta bị bắt ngay tại nơi ở của đoàn tối hôm đó.
Theo Ngô Tuyết
Vietnamnet