"Phát súng" khởi động cuộc chiến mới Mỹ - Trung
Trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình, ông Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về Bắc Kinh so với những chính quyền tiền nhiệm
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-12 có bài phát biểu quan trọng công bố chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, được cho là bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại "sự gây hấn kinh tế của Trung Quốc", theo trang Newsweek.
Đối thủ cạnh tranh
Chiến lược an ninh quốc gia vốn là một văn kiện chính thức được mỗi ông chủ Nhà Trắng đưa ra kể từ thời Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan. Theo các nguồn tin chính phủ, trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình, với việc cáo buộc Trung Quốc "gây hấn kinh tế", ông Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về Bắc Kinh so với những chính quyền tiền nhiệm.
Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tài liệu được đưa ra một tháng sau khi ông Donald Trump gặp ông Tập ở Trung Quốc và 8 tháng sau cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida - Mỹ.
Ông Donald Trump từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc nhiều lần trong chiến dịch tranh cử nhưng đã dịu giọng hơn từ sau cuộc gặp ở Mar-a-Lago. Nguyên nhân một phần bởi ông cho rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép với Bình Nhưỡng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Kể từ khi nhậm chức, ông cũng không chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước và không lên án Trung Quốc thao túng tiền tệ. Nhưng vài tháng qua, ông đã hết kiên nhẫn với Bắc Kinh và ngày càng nổi giận vì không đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn thâm hụt thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới.
Hãng Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump sẽ xác định rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Ông Michael Allen, một cựu quan chức thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định: "Chiến lược an ninh quốc gia là phát súng khởi động một loạt biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc".
Bùng nổ chiến tranh thương mại?
Giới phê bình lo ngại nếu Mỹ mạnh tay, một cuộc chiến tranh thương mại có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hậu quả sẽ khiến cả nền kinh tế toàn cầu gánh chịu. Việc cáo buộc Trung Quốc "gây hấn kinh tế" có thể khiến Bắc Kinh trả đũa và hậu quả trước tiên sẽ giáng vào các công ty Mỹ.
Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhìn nhận: "Mối lo ngại về chính sách và thực tiễn kinh tế của Trung Quốc là nghiêm trọng và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Các cơ chế thực thi thương mại đơn phương sẽ không làm được điều đó".
Chính quyền ông Donald Trump hiện cũng đã gây áp lực lên Bắc Kinh để hành động quyết đoán hơn đối với Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng lớn của Trung Quốc đang tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài chính và thương mại của Triều Tiên nhưng đến nay chỉ mới xử phạt một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức giấu tên của Mỹ nói với Reuters rằng không nên xem chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump là một nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc mà thay vào đó, chiến lược mới sẽ đưa ra một cái nhìn rõ nét về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nói với đài CNBC rằng cụm từ "gây hấn kinh tế" không dùng nhắm cụ thể vào Trung Quốc.
Theo Washington Examiner, trong văn kiện dài 70 trang này, gấp đôi tài liệu chiến lược được công bố dưới thời ông Obama năm 2015, Tổng thống Donald Trump sẽ đặt ra những ưu tiên về chính sách đối ngoại và nhấn mạnh cam kết đối với các chính sách "Nước Mỹ trên hết", như tăng cường quân đội, đối đầu với các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức lại các mối quan hệ thương mại giúp Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết chính sách của ông Donald Trump sẽ tập trung 4 ưu tiên chính là bảo vệ đất nước, thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng Mỹ, duy trì hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ. Ông McMaster cũng cho rằng việc tái đàm phán các hiệp định thương mại sẽ là một phần chính trong chiến lược này.
Theo Xuân Mai
Người lao động