1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp luật các nước cho phép chủ nhà làm gì khi kẻ trộm đột nhập?

(Dân trí) - Một số bang của Mỹ cho phép người dân được nổ súng vào kẻ đột nhập nhằm tự vệ chính đáng. Anh có một bộ quy tắc riêng về phương pháp xử lý với tội phạm dạng này, trong khi Italy đang trong lộ trình hợp pháp hóa việc xử lý kẻ đột nhập vào nhà.

Cảnh sát Mỹ. (Ảnh: The News Tribute)
Cảnh sát Mỹ. (Ảnh: The News Tribute)

Mỹ

Pháp luật Mỹ quy định rất chi tiết từng tình huống được phép và không được phép tấn công người đột nhập vào khu vực thuộc quyền sở hữu theo luật hình sự năm 1961. Theo đó, người chủ nhà được phép sử dụng vũ lực hợp lý để ngăn chặn bất cứ kẻ nào có hành vi lấy đi đồ đạc, vật phẩm thuộc quyền sở hữu hoặc đã được người sở hữu giao thẩm quyền bảo vệ món đồ đó hoặc ngăn chặn người lạ đang cố tình hoặc đã đột nhập vào nhà ở, khu vực thuộc quyền sở hữu.

Theo trang How to Law, luật pháp liên bang Mỹ không có quy định rõ ràng về khái niệm “vũ lực hợp lý”, tuy nhiên nó được định nghĩa là người sử dụng vũ lực phải tương xứng với mối đe dọa mà người này gặp phải. Ví dụ, trong trường hợp người này bị đe dọa tới tính mạng, họ có thể thực thi quyền tự vệ chính đáng với những kẻ đột nhập bất hợp pháp.

Ở môt số bang của Mỹ còn có quy định về việc dùng súng và vũ khí tự vệ khi bị kẻ gian đột nhập vào nhà. Theo Ctrack, 97% các vụ đột nhập ở Mỹ kẻ gian có vũ trang vì vậy việc sử dụng vũ khí với mục đích tự vệ được cho phép ở trong điều luật của một số bang.

Anh

Theo Mirror, cơ quan công tố Anh và xứ Wales CPS có 12 quy định và ghi chú về quyền lợi hợp pháp của người dân khi trộm đột nhập vào nhà. Theo đó, người dân Anh không cần phải chờ đợi cho kẻ đột nhập tấn công rồi mới hành động để tự vệ. Tuy nhiên luật pháp Anh cũng không quy định rõ ràng về khái niệm “vũ lực hợp lý” và chúng được đánh giá linh hoạt tùy vào từng vụ án khác nhau.

Nếu người tấn công chứng minh được mình tự vệ một cách chính đáng thì luật pháp Anh sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người này dù kẻ đột nhập có thiệt mạng do bị tấn công. CPS cũng không khuyến khích người dân Anh đuổi theo kẻ trộm để bắt giữ hay chống cự lại những kẻ này. CPS cho rằng yếu tố an toàn về tính mạng là trên hết và khi gặp một trường hợp đột nhập tốt nhất người dân hãy thông báo tới cảnh sát và sử dụng các phương pháp tự vệ hợp lý để bảo vệ bản thân và người xung quanh.

Italy

Theo Independence, luật pháp Italy từ lâu đã công nhận quyền tự vệ chính đáng với trường hợp đột nhập vào nhà. Vì vậy, luật pháp Italy quy định với trường hợp khi có kẻ gian vào nhà rằng người dân nước này được phép dùng vũ lực nếu họ có bằng chứng hợp lý về mối đe dọa, nỗi sợ hãi và sự lo lắng về an nguy tính mạng khi bị kẻ gian uy hiếp.

Hồi tháng 5, các nhà làm luật Italy thậm chí còn đề xuất nới lỏng luật bảo vệ quyền tự vệ chính đáng hơn nữa. Tuy nhiên, đề xuất đã vấp phải sự phản đối của các bên do lo ngại tình trạng làm dụng điều luật này để che giấu các hành vi phạm tội tinh vi.

Đức

Cảnh sát Đức làm nhiệm vụ. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát Đức làm nhiệm vụ. (Ảnh: Getty)

Tại Đức, điều 32 luật hình sự quy định rõ hành động tự vệ gây chết người là hợp pháp. Điều luật này cũng quy định rõ như thế nào được gọi là hành động tự vệ, người tự vệ có thể có bất cứ hành động gì miễn sao có thể bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hiểm hay đe dọa từ người khác. Quy định này trong luật Đức được gọi là “phòng thủ chủ động”. Trong trường hợp này, người chủ nhà chỉ cần nhận thấy có mối đe dọa đến an toàn của bản thân, người đó có thể tấn công.

Tuy nhiên, luật của Đức cũng quy định rõ mức độ của hành động tấn công. Trong một vài trường hợp nếu hành vi phòng thủ vượt quá giới hạn cho phép nó có thể trở thành phòng thủ phạm pháp. Ví dụ: người đột nhập không hiểu rõ được sự nghiêm trọng của hành vi, hay người chủ nhà tấn công bằng biện pháp quá mạnh và vượt quá mối đe dọa. Hoặc đơn giản như khi kẻ đột nhập đã không còn khả năng chống cự, nếu người chủ nhà vẫn tiếp tục tấn công và gây thương tích nặng nề hoặc tử vong, điều này sẽ bị đánh giá là vi phạm luật tự vệ.

Nhìn chung, luật pháp nước ngoài có những quy định rõ ràng về hành động tự vệ khi gặp nguy hiểm, tuy nhiên trong thực tế các cơ quan hành pháp đều khuyến khích người dân hãy thông báo tới cơ quan chức năng về mối đe dọa và luôn tự bảo vệ bản thân mình trước tiên. Trong mọi trường hợp, các cơ quan này khuyên người dân chỉ nên sử dụng quyền tự vệ khi bị đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng.

Đức Hoàng

Tổng hợp