1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump có thể đáp trả Triều Tiên bằng cách nào?

(Dân trí) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ mọi phương án đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế, chính quyền của ông chưa đặt ra bất cứ giới hạn đỏ nào với Bình Nhưỡng.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Không giới hạn đỏ

Trong một bình luận trên Twitter hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên có khả năng bắn tới Mỹ “sẽ không bao giờ xảy ra”.

Tuy nhiên, với vụ phóng thử hôm qua 4/7, giới chức Mỹ cho rằng, Triều Tiên nhiều khả năng đã sở hữu tên lửa liên lục địa, nghĩa là một phần lục địa Mỹ có thể đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Đến nay, Tổng thống Trump dường như chưa đặt ra bất cứ “giới hạn đỏ” nào với Triều Tiên. Ông thậm chí không lặp lại chính sách mà cựu Tổng thống George W. Bush đưa ra hồi tháng 10/2006 sau khi Triều Tiên lần đầu thử hạt nhân rằng: Mỹ sẽ quy trách nhiệm cho Triều Tiên nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân cho bất cứ quốc gia nào khác hay cho các tổ chức khủng bố.

Các cố vấn của Tổng thống Trump thì cho rằng, họ không nhất thiết phải đặt ra giới hạn đỏ bởi điều đó sẽ làm hạn chế những phương án đối phó Bình Nhưỡng, hơn nữa, họ muốn Triều Tiên tiếp tục phải suy đoán.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster cuối tháng trước nói: “Những gì chúng tôi phải làm đó là chuẩn bị sẵn mọi phương án bởi Tổng thống đã nêu rõ rằng ông không chấp nhận một cường quốc hạt nhân ở Triều Tiên cũng như mối đe dọa nhằm vào nước Mỹ, người dân Mỹ”.

Vậy liệu chính quyền của Tổng thống Trump có thể áp dụng những phương án nào?

“Để ngỏ mọi phương án”


Vụ phóng tên lửa ngày 4/7 của Triều Tiên. (Ảnh: Getty)

Vụ phóng tên lửa ngày 4/7 của Triều Tiên. (Ảnh: Getty)

Mỹ có thể siết các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, tăng cường hiện diện ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, đẩy mạnh các chương trình tấn công mạng bí mật nhằm phá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Song dường như những biện pháp này không thực sự có tác dụng, mà minh chứng rõ nhất là sau các lệnh trừng phạt, các chiến thuật phô diễn sức mạnh của Mỹ, Triều Tiên vẫn tuyên bố phóng thành công tên lửa liên lục địa ngày 4/7.

Điều này kéo theo việc Mỹ có thể sẽ tiếp tục thuyết phục Trung Quốc gây sức ép hơn nữa với Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump cũng mất dần kiên nhẫn khi trong cuộc điện đàm cuối tuần trước với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump nói rằng Washington sẵn sàng tự xử lý vấn đề Triều Tiên mà không cần đến Bắc Kinh.

Một phương án mà ông Trump có thể cân nhắc đó là đe dọa tấn công phủ đầu nếu phát hiện Triều Tiên thực sự phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đó là phương án mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry gợi ý năm 2006 khi trả lời phỏng vấn Washington Post. Tuy nhiên, ông Perry mới đây lưu ý rằng, hiện giờ đó không phải là ý tưởng tốt.

Lý do đơn giản là 11 năm qua, Triều Tiên đã mở rộng kho tên lửa với nhiều chủng loại, năng lực tên lửa của Triều Tiên đã đạt bước tiến đáng kể. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 5 từng cảnh báo, một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên “có thể sẽ là cuộc xung đột kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại”.

Do vậy, một phương án khác như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất tuần trước trong chuyến thăm Mỹ mà ông Trump có thể cân nhắc đó là ngồi vào bàn đàm phán. Quá trình đàm phán sẽ bắt đầu với việc đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, đổi lại Mỹ chấp thuận hạn chế hoặc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Điều này cũng được đề cập đến trong phương án đề xuất giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua.

Tuy nhiên, phương án này không hẳn không rủi ro bởi nó sẽ làm xói mòn khả năng răn đe quân sự của Mỹ-Hàn. Hơn nữa, chính quyền Mỹ từng áp dụng chính sách này song không mang lại kết quả khi các vòng đàm phán bế tắc, đổ vỡ.

Minh Phương

Tổng hợp