1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nữ hạm trưởng tàu khu trục đầu tiên của Nhật Bản

(Dân trí) - Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (MSDF) ngày 6/6 đã bổ nhiệm Trung tá Hải quân Miho Otani, 44 tuổi, giữ chức vụ chỉ huy tàu khu trục Yamagiri, đưa bà Otani trở thành nữ hạm trưởng đầu tiên tại đất nước mặt trời mọc.

Nữ hạm trưởng Miho Otani (Ảnh: ANDRONIKI)
Nữ hạm trưởng Miho Otani (Ảnh: ANDRONIKI)

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, nữ hạm trưởng Miho Otani, 45 tuổi, đã chính thức tiếp nhận vai trò chỉ huy tàu khu trục Yamagiri từ hôm 6/6. Bà Otani sẽ cùng 220 thủy thủ chịu trách nhiệm vận hành tàu khu trục có lượng giãn nước lên tới 3.500 tấn này. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được giao trọng trách ở cấp chỉ huy trong một lĩnh vực vốn được coi là thế mạnh của nam giới.

Quyết định bổ nhiệm của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản được coi là bước tiến vượt trội đối với phụ nữ Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự. Hiện nay, số sỹ quan nữ trong MSDF vẫn rất khiêm tốn, chỉ có khoảng 2.530 phụ nữ trong số 41.774 thành viên toàn lực lượng. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản gần đây đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sỹ quan nữ trong MSDF từ 6% lên 10% trong vòng 15 năm tới.

Việc bổ nhiệm bà Otani cũng được coi là bước đột phá trong chiến lược cải cách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Những năm gần đây, Thủ tướng Abe đã đưa ra học thuyết Kinh tế phụ nữ (Womenomics), trong đó nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong các công tác xã hội và cộng đồng. Học thuyết ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phụ nữ Nhật Bản tham gia vào môi trường lao động, cống hiến khả năng trong mọi lĩnh vực để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn đang bị ảnh hưởng bởi lực lượng dân số già hóa.

Là một trong số ít những sinh viên nữ đầu tiên tốt nghiệp từ Học viện Quốc phòng Nhật Bản, bà Otani đã đi theo đúng con đường binh nghiệp mà bà chọn từ đầu. Tuy nhiên, chia sẻ với tờ Telegraph trên chính con tàu mà bà đang giữ trọng trách chỉ huy ở căn cứ quân sự Funakoshi, cách thủ đô Tokyo gần 50 km về phía nam, bà Otani thừa nhận, con đường đi tới thành công hôm nay của bà không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.

Nữ chỉ huy Otani trên tàu khu trục Yamagiri (Ảnh: Nikkei)
Nữ chỉ huy Otani trên tàu khu trục Yamagiri (Ảnh: Nikkei)

Câu chuyện binh nghiệp của phụ nữ Nhật Bản

Bằng giọng nói điềm đạm, phong thái lịch sự và tinh thần cởi mở, trong bộ quân phục màu trắng và chiếc mũ đen gọn gàng, nữ hạm trưởng Miho Otani đã chia sẻ với phóng viên tờ Telegraph về cơ duyên của bà với sự nghiệp quân đội từ hơn 20 năm trước.

Nữ chỉ huy tàu Yamagiri cho biết, khó khăn đầu tiên bà vấp phải khi quyết định theo học một trường quân đội là sự phản đối của gia đình. “Gia đình phản đối ý tưởng đó của tôi. Bố tôi nói rằng Học viện Phòng vệ quốc gia không phải là nơi dành cho phụ nữ, đó là lĩnh vực của đàn ông”, bà Otani cười và nhớ lại.

“Khi đó tôi còn là sinh viên và tôi theo dõi cuộc chiến tranh vùng Vịnh trên các bản tin thời sự. Tôi thực sự rất sốc trước những gì đang xảy ra trên thế giới, chúng khác xa với cuộc sống thường ngày của tôi tại Nhật Bản. Lòng yêu nước khi đó bỗng dấy lên trong tôi. Thời điểm đó, tôi tình cờ nhìn thấy một mẩu quảng cáo tuyển chọn nữ quân nhân của Học viện Phòng vệ quốc gia (NAD), ngay lập tức tôi quyết định đăng ký theo học ngôi trường này”, bà Otani kể lại.

Sự ngăn cản của gia đình cũng không làm lung lạc ý chí của bà. Nữ sinh viên Otani vẫn quyết định đi theo hoài bão của mình, đó là mở đường cho phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng quân sự, vốn vẫn được coi là “sân chơi” của nam giới từ trước tới nay.

“Khi đó thực sự tôi chẳng nghĩ tới việc thăng cấp. Tôi thấy mình cần phải hoàn thành bổn phận của mình là một trong số những nữ sinh viên đầu tiên của Học viện Phòng vệ quốc gia, từ đó mở đường cho các nữ sinh viên khác trong tương lai. Họ sẽ đi theo con đường của tôi, và tôi sẽ mở cánh cửa cho họ”, bà Otani nói.

Trong bài phỏng vấn với Telegraph, bà Otani rất cẩn trọng khi đưa ra những ví dụ đề cập tới sự phân biệt giới tính mà bà và các đồng nghiệp nữ từng trải qua khi làm việc tại một môi trường quân đội đặc thù như Lực lượng phòng vệ hàng hải. Tuy nhiên, nữ chỉ huy tàu Yamagiri cũng có nhắc tới một số tình huống liên quan tới vấn đề này.

Đó là khi bà vừa kết hôn năm 29 tuổi, một đồng nghiệp nam đã không ngần ngại hỏi thẳng bà rằng: “Khi nào cô nghỉ việc?”. Đây là tình huống mà nhiều phụ nữ Nhật Bản từng trải qua vì quan niệm phụ nữ sau khi kết hôn thường lui về “hậu trường” để sinh con và chăm sóc gia đình vẫn là một tư tưởng phổ biến tại đây.

“Lúc đó, mọi người chưa quen làm việc với phụ nữ, vì vậy họ không biết nữ giới làm việc sẽ như thế nào. Vì vậy, bằng thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp của một sỹ quan nữ, tôi thấy mình có trách nhiệm phải cho tất cả mọi người thấy rằng tôi có thể làm được bất kỳ công việc nào mà các đồng nghiệp nam từng làm”, bà Otani nói thêm.

Tàu khu trục Yamagiri của Nhật Bản (Ảnh: MOD Japan)
Tàu khu trục Yamagiri của Nhật Bản (Ảnh: MOD Japan)

Những khó khăn trong cuộc sống

Là một người mẹ, bà Otani hiểu rõ những khó khăn mà phụ nữ hiện đại phải đối mặt để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.

“Công việc của tôi ở trên tàu, vì vậy tôi thường xuyên phải xa gia đình hàng tháng trời. Những lúc như vậy, tôi phải nhờ tới cha mẹ để chăm sóc con gái tôi. Tôi cảm thấy có lỗi khi không thể ở nhà nuôi dạy con”, bà Otani bộc bạch.

Trong số 220 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Yamagiri, hiện chỉ có 10 nữ binh. Tất cả họ đều cảm thấy may mắn khi được làm việc dưới quyền hạm trưởng Otani. “Bà ấy (Hạm trưởng Otani) rất thân thiện và công tâm. Bà ấy chăm lo cho tất cả các thành viên trên tàu và gia đình của họ”, nữ binh Mayu Kanzaki, 28 tuổi, nhận xét về chỉ huy của mình.

Theo Financial Times, công việc chỉ huy tàu khu trục Yamagiri của hạm trưởng Otani được cho là gặp không ít khó khăn trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay luôn có những biến động khó lường, trong đó tranh chấp trên biển giữa các nước ngày càng có xu hướng “tăng nhiệt”. Bản thân bà Otani cũng từng trải qua những khoảng thời gian căng thẳng khi tàu Nhật Bản và tàu Trung Quốc va chạm nhau ở những khu vực mà cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền như tại quần đảo Senkaku (còn Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) hay tại biển Hoa Đông.

“Tôi vẫn luôn ghi nhớ những vụ việc đó. Tôi sẽ làm tất cả mọi việc để bảo vệ đất nước tôi”, bà Otani nhấn mạnh.

Thành Đạt

Tổng hợp