Những vấn đề nóng “phủ bóng” chuyến thăm Trung Quốc của ông chủ Lầu Năm Góc
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc hôm nay 26/6 và thảo luận về một loạt vấn đề nóng trong quan hệ song phương.
Các nhà phân tích nhận định chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Jim Mattis lần này có thể giúp Mỹ và Trung Quốc tìm ra cách thức để giải quyết hàng loạt vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc kể từ năm 2014 đến nay.
Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo của cả chính quyền và quân đội Trung Quốc trong chuyến đi lần này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ông hy vọng liên kết quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đóng vai trò như một “yếu tố ổn định quan trọng” trong mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai quốc gia.
SCMP dự đoán 5 vấn đề chính có thể xuất hiện trong chương trình nghị sự của ông chủ Lầu Năm Góc.
Biển Đông
Mỹ lâu nay vẫn phản đối mạnh mẽ các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các thực thể tranh chấp trên Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với lượng hàng hóa có tổng giá trị khoảng 3,4 nghìn tỷ USD lưu thông hàng năm.
Các tàu chiến và máy bay của Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần các đảo và thực thể tranh chấp - khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông. Các động thái này của Mỹ được triển khai bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng, tại Diễn đàn an ninh khu vực châu Á Shangri-La được tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Mattis đã công khai chỉ trích Bắc Kinh vì các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Ông chủ Lầu Năm Góc nói rằng việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai các hệ thống vũ khí tới vùng biển này là “nhằm mục đích hăm dọa và cưỡng ép”, đồng thời khẳng định Washington sẽ “đối đầu cứng rắn” với Bắc Kinh nếu cần thiết.
Đài Loan
Khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan trong những tháng gần đây, bao gồm các cuộc tập trận hải quân và không quân, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục duy trì liên kết quân sự với hòn đảo này.
Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phòng vệ của Đài Loan thông qua các thương vụ mua bán vũ khí, trong khi Thượng viện Mỹ gần đây thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm 2019, trong đó kêu gọi quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận thường niên với Đài Loan. Ngoài ra, Lầu Năm Góc được cho là đang xem xét đưa thêm tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
Các động thái của Mỹ khiến Trung Quốc “nóng mặt” và Đài Loan vẫn là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Hợp tác quân sự
Chuyến đi của Bộ trưởng Mattis tới Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận Ven Thái Bình Dương (RIMPAC). Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần và do Mỹ dẫn đầu. Cuộc tập trận năm nay sẽ bắt đầu vào ngày mai 27/6 ở ngoài khơi Hawaii, quy tụ 25.000 binh sĩ từ 26 quốc gia trên toàn thế giới.
Mặc dù Trung Quốc từng tham gia tập trận Ven Thái Bình Dương vào các năm 2014 và 2016, song Lầu Năm Góc năm nay không mời Bắc Kinh tham gia RIMPAC 2018. Lý do cho quyết định trên của Mỹ là các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài RIMPAC, Trung Quốc và Mỹ cũng tham gia vào các cuộc tập trận song phương và đa phương khác. Mục đích của các cuộc tập trận này là nhằm tăng cường liên kết quân sự và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai lực lượng quân sự hàng đầu thế giới.
Triều Tiên
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu tháng tại Singapore đã dẫn đến một tuyên bố chung, trong đó thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù Trung Quốc không tham gia vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, song quan hệ đồng minh của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng là không thể phủ nhận. Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng ngày càng được thắt chặt trong những tuần gần đây sau các chuyến đi của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc.
Vai trò của Trung Quốc trong kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng, song giới phân tích cho rằng Washington vẫn muốn Bắc Kinh đứng về phía mình trong vấn đề này.
Thị sát quân sự
Khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới thăm Trung Quốc vào năm 2014, ông đã được mời lên tàu Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh. 3 năm trước đó, Bắc Kinh cũng thông báo với Washington rằng nước này đã thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình J-20 khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã mở rộng lực lượng hải quân và không quân của nước này. Do vậy, trong chuyến đi lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể sẽ được mời thị sát những thành tựu quân sự mới của Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo SCMP