1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những lần thoát hiểm ngoạn mục của máy bay Nga

(Dân trí) - Các phi công Nga đã sử dụng những kĩ năng điêu luyện để giúp máy bay của họ thoát khỏi thảm họa hàng không.

Phép màu trên sông Neva

Máy bay hạ cánh khẩn cấp trên sông Neva. (Ảnh: RBTH)
Máy bay hạ cánh khẩn cấp trên sông Neva. (Ảnh: RBTH)

“Tôi đã ở trên ban công và rất ngạc nhiên khi thấy mọi người chạy về phía sông Neva. Chắc chắn có chuyện gì đó đã xảy ra. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các hành khách đang tháo chạy ra khỏi một chiếc Tupolev Tu-124 từ cánh máy bay”, một người dân có tên Yury Tuysk hồi tưởng lại sự kiện diễn ra vào ngày 21/8/1963.

Vụ tai nạn diễn ra trong bối cảnh chiếc Tu-124 chở 45 hành khách bị trục trặc cả 2 động cơ. Sau khi cất cánh từ Tallinn ở Estonia, phi hành đoàn đã phát hiện càng trước (điều khiển bộ phận hạ cánh) bị trục trặc nên họ đã quyết định sẽ chuyển địa điểm hạ cánh từ Moscow tới Leningrad.

Sau đó, máy bay đã bay vòng vòng trên không nhằm làm cạn nhiên liệu để có thể hạ cánh khẩn cấp một cách an toàn hơn. Trong lúc đó, các thành viên phi hành đoàn đã cố gắng sử dụng thanh kim loại để xử lý bộ phận càng trước đang trục trặc. Tuy nhiên, do có một động cơ bị hỏng nên phi công của Tu-124 đã quyết định hạ cánh tại sân bay Pulkovo.

Tuy nhiên, trên đường bay tới địa điểm hạ cánh mới, động cơ thứ 2 của Tu-124 lại tiếp tục trục trặc, khiến máy bay không thể duy trì độ cao để bay. Vì vậy, phi công 27 tuổi vào thời điểm đó, Viktor Mostovoy, không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định hạ cánh tại sông Neva.

Sau khi hạ cánh, máy bay tiếp tục chui qua một vài chiếc cầu và cánh phải va chạm với 1 con tàu nhỏ, tuy nhiên quy trình “tiếp nước” an toàn và không có hành khách nào bị thương.

Phi công kinh nghiệm Yury Sytnik cho rằng vụ việc này rất hiếm khi xảy ra và thường chỉ có khi “diễn tập giả lập” vì trong thực tế chỉ có khoảng 2/10 máy bay có thể hạ cánh an toàn khi 2 động cơ đều trục trặc. Ông Sytnik cho biết hạ cánh trên mặt nước không dễ như tưởng tượng. Áp lực của nước có thể “xé vụn” máy bay và sống sót được là một điều kì diệu.

Phép màu tại Izhma

Máy bay đâm vào rừng cây sau khi hạ cánh khẩn cấp. (Ảnh: Sputnik)
Máy bay đâm vào rừng cây sau khi hạ cánh khẩn cấp. (Ảnh: Sputnik)

Mạng sống của 81 hành khách đã rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” khi phi hành đoàn điều khiển máy bay Tupolev Tu-154 phát hiện ra hệ thống điện trên máy bay hỏng hóc khi đang bay tại vùng Siberia vào ngày 7/9/2010.

Hệ thống dẫn đường và các máy bơm nhiên liệu trên máy bay của hãng Alrosa đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Trong thời điểm đó, máy bay chỉ còn 30 phút để có thể hạ cánh trước khi cạn kiệt mà gặp nạn và phi công không còn quá nhiều thời gian để tìm nơi lý tưởng để đáp máy bay xuống khi đang bay trên khu vực toàn cây cối.

May mắn thay, phi hành đoàn đã phát hiện ra một sân bay bị bỏ hoang ở làng Izhma chỉ dành cho trực thăng hạ cánh trong 12 năm. Trong 7 năm trước đó, sân bay này cũng không xuất hiện trên định vị bản đồ.

Sân bay bỏ hoang này đã được một người biến thành tài sản riêng và người đàn ông này vẫn bảo trì nhằm đảm bảo các điều kiện đầy đủ để máy bay có thể hạ cánh.

Tuy nhiên, đường băng sân bay lại quá ngắn, chỉ 1,3 km trong khi máy bay cần đường băng tối thiểu dài 2 km để hạ cánh an toàn. Thêm vào đó, hệ thống điện trục trặc khiến máy bay không thể giảm tốc độ. Tuy nhiên vì không còn lựa chọn nào khác, nên phi công máy bay buộc phải hạ cánh khi máy bay đạt tốc độ 420 km/h (tốc độ trung bình là 250 km/h). Bánh xe của máy bay đã bốc lửa cháy trên đường băng và máy bay đã đi quá 160 m, đâm vào rừng cây.

Hai phi công máy bay sau đó đã được trao huân chương “Anh hùng Nga”, danh hiệu cao quý nhất của nước này.

Vụ nổ trên vùng Caribê

Các phi công của máy bay Boeing 777 “Jumbo Jet”. (Ảnh: Tass)
Các phi công của máy bay Boeing 777 “Jumbo Jet”. (Ảnh: Tass)

“Phép màu” kì diệu gần nhất xảy ra với máy bay Boeing 777 “Jumbo Jet” của hãng hàng không Orenair với 400 hành khách trên khoang hồi tháng 10/2016 xuất phát từ nước Cộng hòa Dominica về Moscow. Khi cất cánh, động cơ bên trái của máy bay đã phát nổ và bốc cháy dữ dội.

Cơ trưởng chuyến bay đã quyết định quay trở lại Punta Cana và thực hiện hạ cánh khẩn cấp trong 40 phút. Hành khách Alexander Kolotilin chia sẻ với RT rằng phi công đã thực hiện một cú hạ cánh “kinh điển”.

Theo một phi công có tên là Viktor Zabolotsky, đó thực sự là một thách thức khi phi công phải hạ cánh một máy bay khổng lồ, đầy nhiên liệu trong khi chỉ còn 1 động cơ hoạt động. Ông Zabolotsky đã ca ngợi kỹ năng xuất sắc của người phi công điều khiển máy bay.

Khối lượng của máy bay rất lớn và vì một động cơ bị hỏng nên phi công không thể sử dụng toàn bộ các tính năng để giảm tốc độ.

Trong khi hạ cánh, khung gầm máy bay đã bốc cháy tóe lửa, vì vậy hành khách đã phải sử dụng lối thoát hiểm bằng phao bơm hơi. Rất may mắn, không có ai bị thương trong vụ tai nạn và phi công máy bay đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Huân chương Dũng cảm.

Đức Hoàng

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm