Nhật Bản nói gì khi Nga diễn tập quanh Kuril?
Dù phản đối việc NGa triển khai quân sự và diễn tập ở Kuril, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn tới thăm Moscow vào tháng 5.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono mới đây tuyên bố phản đối việc Nga tiến hành cuộc diễn tập quân sự mới nhất nhắm vào các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở phía Nam quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Kuril còn Nhật Bản gọi là "Vùng lãnh thổ phương Bắc".
Nhật Bản nhắc tới 4 hòn đảo ở phía Bắc nước này ảnh hưởng từ cuộc diễn tập quân sự của Nga bao gồm: Kunashir, Iturup, đảo Shikotan và nhóm đảo Habomai.
"Cuộc diễn tập quân sự sẽ làm tăng sự hiện diện quân sự của Nga trên 4 đảo ở phía Bắc của chuỗi đảo. Điều này là trái với quan điểm của Nhật Bản và gây sự bất bình" - Ngoại trưởng Kono nói.
Ông Kono cũng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối với Nga thông qua các kênh ngoại giao.
Dẫu vậy, Ngoại trưởng Kono lưu ý rằng các bài tập quân sự của Nga không ảnh hưởng đến kế hoạch thăm Moscow của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 5 tới.
Phản ứng mới nhất của Nhật Bản đưa ra sau khi Nga bắt đầu tiến hành các bài tập quân sự vào hôm thứ 3, trước đó một ngày.
Theo thông tin từ Đài Sputnik, Quân chủng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã tiến hành các bài tập trên không cùng với lực lượng hàng không dân dụng trên đảo Iturup ở phía Nam chuỗi Kuril.
Dịch vụ báo chí của Quân khu Đông Nga trước đó cho biết khoảng 2.000 quân nhân và khoảng 500 xe quân sự và máy bay quân sự đang tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự để huấn luyện các hoạt động chống lại các hoạt động vũ trang bất hợp pháp. Các cuộc diễn tập quân sự sẽ tiếp tục cho đến cuối tuần.
Từ hồi tháng 11/2017, Nga đã quyết định xây dựng một cơ sở hải quân đặt trên hòn đảo Matua tại trung tâm của chuỗi đảo này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ghi nhận rằng Moscow đang tập trung không chỉ để tái thiết hòn đảo mà còn tích cực sử dụng nó .
Năm 2016, tờ báo chính thức Boyevaya Vakhta của Hạm đội Thái Bình Dương báo cáo rằng các hệ thống tên lửa bờ biển Bal và Bastion đã được triển khai trên đảo Kunashir và Iturup tương ứng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng việc triển khai là một phần của các công trình dự kiến nhằm tăng cường an ninh quốc gia của đất nước.
Trong khi đó, Nhật Bản phản đối điều này, chỉ trích việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa ở chuỗi Kuril, gọi đó là "hành động không thể chấp nhận được".
Phản đối Nga diễn tập quân sự, Nhật Bản vẫn hứa đưa Thủ tướng sang thăm Moscow vào tháng 5.
Động thái quân sự trên từ phía Nga đã làm căng thẳng thêm các mối quan hệ của hai nước trong việc hòa giải tranh chấp lãnh thổ và tiến tới một thỏa thuận hòa bình kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.
Hiện Moscow và Tokyo đang nỗ lực tiến tới gần nhất các lợi ích chung để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình bằng việc cùng hợp tác trên chuỗi đảo Kuril. Hai nước đã có nhiều hợp tác dân sự, kinh tế và cùng nghiên cứu khoa học tại chuỗi đảo Kuril.
Theo Thạch Tú
Báo Đất việt