1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà tù “sang chảnh” ở Bắc Kinh kín chỗ vì chiến dịch “săn cáo”

(Dân trí) - Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động đã khiến nhiều quan chức cấp cao bị tống giam tới nỗi nhà tù sang trọng bậc nhất Trung Quốc trở nên bị quá tải.


Nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Nhà tù Tần Thành được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt bậc nhất và là nơi giam giữ nhiều quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng.

Nhưng số lượng các tù nhân gia tăng tới nỗi giới chức buộc phải nói không với các chuyến thăm của người thân vào dịp năm mới.

Thông thường, các tù nhân trên 60 tuổi có thể được ăn bữa ăn ngày đầu năm với một vài thành viên gia đình, nhưng một nguồn tin thân cận với nhà tù tiết lộ với SCMP rằng năm nay hoạt động này đã bị hủy.

Nguồn tin cho biết nhà tù đã chật cứng tù nhân - hệ quả từ chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn khiến hơn 1,3 triệu quan chức ở các cấp khác nhau, từ “những con hổ” tiếng tăm tới những “con ruồi” bình thường. Do đó, nhà tù không còn đủ chỗ để phục vụ các cuộc đoàn tụ gia đình thường niên trong kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc.

Ngoài ra, khách cũng không được phép tới thăm nhà tù 2 tuần trước và sau ngày đầu tiên của năm mới.

“Nhà tù trước đây thường cho phép các tù nhân trên 60 tuổi ăn một bữa cơm trong tù với một số thành viên gia đình họ trước năm mới. Một số người có thể ăn lẩu, những người khác ăn bánh bao, hoặc bất kỳ thứ gì họ thích”, nguồn tin cho hay.

“Nhưng năm nay, nhà tù đã hủy cuộc đoàn tụ với gia đình. Không những vậy, họ cũng cấm khách của tất cả các tù nhận tới thăm nhà tù trước và sau nửa tháng của ngày đầu năm mới”, nguồn tin nói thêm.

Nằm ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh dưới chân núi Yan tại quận Changping, cách trung tâm thủ đô 1 giờ lái xe, nhà tù Tần Thành chỉ dành riêng cho các quan chức từ cấp thứ trưởng hoặc cao hơn.

Nhưng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập trong 5 năm qua khiến “chuồng hổ” hết chỗ.


Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đang bóc lịch tại nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đang "bóc lịch" tại nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Những tù nhân "VIP"

Trong vài năm qua, nhiều nhân vật nổi tiếng đã vào “bóc lịch” tại nhà tù Tần Thành, trong đó có bà Giang Thanh, vợ cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông; Bạc Nhất Ba, người cha quá cố của Bạc Hy Lai; cựu Bí thư Bắc Kinh Trần Hy Đồng; và cựu Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ.

Không giống Club Fed, cụm từ thường được sử dụng cho các nhà tù có mức độ an ninh thấp tại Mỹ nơi các tù nhân VIP ngồi tù, các tù nhân tại nhà tù Tần Thành thường bị giám sát chặt chẽ và một số cựu tù nhân cho biết họ đã bị đối xử tệ bạc tại đây.

Một cựu tù nhân cho hay tất các tù nhân tại Tần Thanh bị giam trong phòng riêng rộng từ 16-20m2. Nhưng các cựu quan chức cấp cao trong đó có các cựu thành viên Bộ chính trị bị giam trong một tòa nhà hình chữ U hướng ra phía bắc.

“Tòa nhà hình chữ U đã được cải tạo và 10 phòng giam mỗi phía được chuyển thành 5 phòng giam rộng hơn. Nếu bất kỳ phòng nào trong số 5 phòng này có một cựu ủy viên Bộ chính trị thì 4 phòng còn lại sẽ bị bỏ trống”, người đàn ông trên cho biết.

Nhà tù Tần Thành đã được giữ bí mật kể từ khi nó được xây dựng, với sự trợ giúp của Liên Xô, vào năm 1958 để giam giữ các tội phạm chiến tranh. Sự đông đúc đã trở thành một vấn đề lớn khi đó, và trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa vốn bắt đầu năm 1966, khi các chính trị gia có tiếng bị tống giam, mặc dù nó đã được mở rộng và cải tạo vào những năm 1960.

Trong những năm gần đây, gần 100 “con hổ” mới đã bị kết án, trong đó có Cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, cựu Bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Tô Vinh. Do đó, nhà tù này đã trở nên quá tải, mặc dù nhà tù này đã được mở rộng vào năm 2012, ít tháng trước khi ông Tập bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng sau khi lên nắm quyền.

Một người họ hàng của một cựu quan chức bị “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng từng bóc lịch tại Trần Thành kể từ cuối năm 2013 cho biết nhà tù này đã ngày càng trở nên đông đúc kể từ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.

“Ông ấy nói với tôi rằng có chưa quá 6 tù nhân trong khu vực giam giữ của ông ấy kể từ khi ông ấy mới đến nhà tù. Nhưng giờ đây, do chiến dịch chống tham nhũng, có hơn 20 tù nhân trong cùng khu nhà giam”, người phụ nữ cho biết, và tiết lộ thêm rằng bà thường tới nhà tù hàng tháng.


Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cũng bị giam giữ tại nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cũng bị giam giữ tại nhà tù Tần Thành (Ảnh: SCMP)

Các tù nhân vẫn phần lớn bị giam riêng tại Tần Thành, mặc dù họ cũng có cơ hội để tiếp xúc với các tù nhân khác trong giờ tập thể dục hoặc các hoạt động tập thể khác.

Nhưng theo hồi ký của Yan Mingfu, người từng ngồi tù 7 năm tại Tần Thành vào cuối những năm 1960, các tù nhân bị cấm liên lạc với nhau.

Vào thời điểm Bao Tong, cựu thư ký của cố Tổng Bí thư đảng Cộng sản Triệu Tử Dương, người từng lĩnh án 7 năm tù, ngồi bóc lịch tại Tần Thành, các tù nhân bị theo dõi chặt chẽ và bị giam trong các phòng giam có từng ngăn bằng gạch đủ dày để các nhân viên an ninh đi tuần trên đó.

Các điều kiện tại nhà tù đã được cải thiện từ khi đó. Một nguồn tin thân cận với nhà tù cho hay các tù nhân có cơ hội liên lạc với nhau trong các hoạt động nhóm như làm vườn, và họ được phép ra khỏi phòng giam từ 1-2 giờ mỗi ngày để tập thể dục trong khu vực sân ngoài trời, nơi họ có thể nói chuyện với các tù nhân khác.

“Bạc Hy Lai có vẻ có tinh thần tốt và tham gia vào các hoạt động khác nhau”, nguồn tin trên cho hay. “Nhưng Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch không bao giờ xuất hiện trong các hoạt động như vậy, họ không tham gia. Ông Quách dường như mắc một căn bệnh khiến ông này không thể ra ngoài. Còn ông Lệnh có thể bị trầm cảm nặng. Ông ấy là tù nhân duy nhất mà theo tôi biết là không có người thân hay bạn bè nào đến thăm trong những năm qua”, nguồn tin giấu tên nói.

Nguồn tin cũng cho hay, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đầu tiên phải ngồi tù vì tội tham nhũng, có sân riêng và được giam giữ tách biệt với các tù nhân khác.

Tần Thành là nhà tù duy nhất tại Trung Quốc do Bộ Công an quản lý, trong khi các nhà tù khác do Bộ Tư pháp quản lý. Khi khánh thành vào những năm 1950, nhà tù này cơ sở vật chất tốt mà hầu hết người Trung Quốc không được tiếp cận.

Nhưng một cựu tù nhân cho biết không có gì dễ dàng trong nhà tù này, thậm chí là với những tù nhân VIP.

An Bình

Theo SCMP