1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Ngòi nổ" Thổ Nhĩ Kỳ trong lòng nước Đức

Căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính đã vượt qua biên giới nước này đến Đức, khi những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan ẩu đả với nhau tại nhiều thành phố ở Đức.

Một cuộc tuần hành của người Thổ̉ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Berlin
Một cuộc tuần hành của người Thổ̉ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Berlin

Theo Bộ Nội vụ Đức, hàng nghìn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống các thành phố của Đức để biểu tình, nhằm thể hiện sự ủng hộ chính quyền của Tổng thống R. Erdogan và chống lại cuộc đảo chính quân sự trước đó, khiến lực lượng an ninh Đức vất vả mới giữ được trật tự.

Dấu hiệu cho thấy, đã xuất hiện tình trạng tấn công và ném vỡ cửa kính cửa sổ và lãnh đạo phong trào ủng hộ giáo sĩ F. Gülen tại Đức, người được coi là đối thủ không đội trời chung với ông R. Erdogan, đã bị đe dọa. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière đã phải lên tiếng cảnh báo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng luật pháp Đức.

Giới chức Đức đang ngày càng quan ngại rằng cuộc xung đột nội bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bộc lộ ngay trên đường phố ở Đức. Hiện nay ở Đức có trên 4 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Người Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức hàng loạt theo hợp đồng lao động ký vào năm 1961 giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hợp đồng, họ sẽ phải về nước sau 2 năm lao động và không được đưa gia đình đến Đức. Trong những năm 1970, hợp đồng đã được điều chỉnh và người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ được phép mang theo vợ con. Sau đó, chính sách của Đức tiếp tục thay đổi, cho phép con những người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư mà sinh ra ở Đức thì có quyền có quốc tịch Đức.

Chính vì thế mà số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức tăng lên nhanh chóng, từ gần 1,5 triệu hồi năm 1982 lên trên 4 triệu người hiện nay. Tuy nhiên, người Thổ Nhĩ Kỳ khó khăn và miễn cưỡng trong hòa nhập với văn hóa châu Âu. Cộng đồng này có phong tục tổ chức hôn nhân bắt buộc và làm việc bất hợp pháp nhiều hơn người các nước khác.

Vì thế, Đức gặp khó khăn với người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư và muốn tìm lối thoát cho vấn đề này. Theo các tài liệu do cơ quan lưu trữ quốc gia Anh giải mật đã lọt vào tay Tạp chí Spiegel, cựu Thủ tướng CHLB Đức H. Kohl sau khi lên nắm quyền vào năm 1982 đã định trục xuất một nửa dân nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Tây Đức.

Thêm vào đó, ở Đức còn có trên 1 triệu người gốc Kurd sinh sống. Người Kurd là đối tượng đàn áp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bởi tư tưởng ly khai. Ông Abdullah Öcalan, Thủ lĩnh người Kurd, đang bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang tiến hành cuộc chiến ly khai thách thức chính quyền Ankara. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu đụng độ bạo lực bùng nổ ngay trên đất Đức giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức cũng là nước không mặn mà với đề nghị gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Đức lo ngại làn sóng “Hồi giáo hóa phương Tây” sẽ xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU. Người Đức còn lo ngại sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm biên giới EU bị phá vỡ, tình trạng tài chính, kinh tế EU lung lay và quan hệ xã hội nội bộ EU cũng phải thay đổi.

Từ trước khi lên nắm chiếc ghế Thủ tướng Đức hồi năm 2005, bà A. Merkel đã có quan điểm chống việc để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Thay vào đó, bà chỉ ủng hộ việc đối xử với Ankara như “một đối tác ưu tiên đặc quyền”.

Tất cả những yếu tố trên khiến quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức trở thành chủ đề khiến Berlin đau đầu. Trước việc những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan ẩu đả với nhau tại nhiều thành phố ở Đức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière đã phải tuyên bố những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức có quyền có ý kiến riêng đối với những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, song những khác biệt về chính kiến không được phép dẫn tới những bạo loạn ở Đức.

Cảnh sát đã được tăng cường tại nhiều thành phố ở Đức nhằm đối phó với nguy cơ xung đột bạo lực.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô