Nga không thể phá băng dù Mỹ có tổng thống mới
Thủ tướng Nga Medvedev hy vọng quan hệ Nga-Mỹ tan băng sau khi Nhà Trắng có chủ mới, song khó có khả năng Hillary hay Trump làm điều này.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 5/11 trả lời phỏng vấn kênh truyền hình số 2 (Israel) cho biết Moscow sẵn sàng làm tan băng quan hệ giữa Nga- Mỹ song mọi khả năng đều phụ thuộc vào lập trường của chính quyền mới sau bầu cử.
Theo đó, ông Medvedev cho hay, Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về điều này và ông cũng cho rằng mọi điều đều phụ thuộc vào lập trường vào chính quyền Mỹ.
Ông Medvedev nhấn mạnh rằng cho dù ai trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẵn sàng xây dựng với chính quyền mới ở Mỹ mối quan hệ bình thường, mang tính xây dựng dựa trên những nguyên tắc-luật pháp quốc tế, sự bình đẳng giữa Nga và Mỹ, cấu trúc thế giới đa cực và dựa trên trách nhiệm trước nhân loại mà Nga và Mỹ đang gánh vác với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và những cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Song giới quan sát cho rằng, bất cứ ai - bà Hillary hay ông Trump thắng cử Tổng thống, quan hệ giữa hai nước cũng không thể tan băng như ông Medvedev hay Putin mong đợi.
Giả sử, ứng cử viên Đảng Dân chủ - cựu Ngoại trưởng và cựu đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Hillary Clinton làm Tân Tổng thống Mỹ 2017, quan hệ Nga- Mỹ sẽ bị kéo tới xuống mức "lạnh" như chưa từng có.
Bà cựu Ngoại trưởng Mỹ không cần chờ phản ứng chính thức của chính quyền nước này mà đã tự mình lên tiếng cáo buộc Nga có ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ bằng cách tấn công tin tặc nhắm vào đảng Dân Chủ và sau đó là nhắm vào hòm thư của giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của bà là ông John Podesta.
Trong một buổi tranh luận tại đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Clinton đã giải thích là quan hệ giữa hai quốc gia Mỹ - Nga đã thay đổi kể từ khi Vladimir Putin quay lại nắm quyền điều hành nước Nga.
Và cũng chính từ đó, bà Hillary Clinton đã tập trung chỉ trích Tổng thống Nga, người mà trước đó bà đánh giá là chỉ biết có "sức mạnh và quyết tâm".
Một số cựu quan chức chính quyền Obama nói rằng khi bà Clinton là Ngoại trưởng, bà là quan chức Mỹ tích cực và thẳng thắn nhất trong việc chống lại nỗ lực củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng trong và ngoài khu vực của ông Putin.
Bà giữ lập trường đối nghịch với ông Putin trong một loạt vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của Nga với Iran và Syria. Bà Clinton còn từng phát biểu rằng ông Putin cố gắng tái tạo Liên Xô.
Khi rời khỏi chính phủ, bà Clinton thậm chí còn trở nên gay gắt hơn... sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Những nhận xét này không chỉ làm mất lòng ông Putin mà còn cả công chúng Nga.
Niềm tin hàn gắn Nga- Mỹ nhờ Donald Trump?
Trong khi đó, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo rằng nếu đối thủ của mình, ông Donald Trump thắng cử, “Họ sẽ ăn mừng tại Kremlin”.
Ông Donald Trump vốn là người giành nhiều lời ưu ái nhất cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng theo giới chuyên gia Mỹ, vị tỷ phú nếu giữ chức Tổng thống Mỹ cũng khó có khả năng thúc đẩy ấm lên mối quan hệ giữa Mỹ- Nga.
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị và Giáo sư trường Đại học Chicago John Mearsheimer cho rằng, không thấy có lý do nào khiến Moscow và Washington xung đột, nhưng phải nhìn nhận rằng, khó có thể thay đổi mối quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay.
"Ông Donald Trump về bản chất là chống lại thuyết Mỹ thống trị toàn cầu. Ông ấy quan tâm nhiều hơn đến sự kiềm chế đối chọi (trong quan hệ với Nga- PV)... Vấn đề là ông Trump đã tạo nên một cái tên xấu, nên rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực chính sách đối ngoại có phản ứng là phản đối bất cứ điều gì ông ấy nói ra. Vì thế, họ cũng phản đối cả ý tưởng về tầm quan trọng của việc không đối chọi với Nga", vị giáo sư nói.
Giáo sư Mearsheimer nhận định: "Sẽ không có nhiều không gian để Tổng thống mới thay đổi trong bối cảnh hiện nay".
Chung nhận định này, Vadim Kozyulin, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tư vấn chính sách (PIR) có trụ sở tại Moscow cho rằng ông Trump cũng không hẳn là một sự lựa chọn yêu thích của Moscow.
"Ông Trump là một người nhiều cảm xúc, thiếu kiến thức tinh tế và kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại. Ông ấy dựa vào chuyên môn của mình là một doanh nhân. Ông không e ngại khi phải sử dụng vũ lực. Vì vậy, nếu ông ấy không đạt được mục tiêu của mình, ông ấy cũng có thể dùng đến sức mạnh".
Fyodor Voitolovsky, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga bình luận: "Có những lời hoa mỹ chỉ nói khi tranh cử. Và có những thực tế trên mặt đất. Đó là sự khác biệt rất lớn. Bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đòi hỏi tìm kiếm sự thỏa hiệp, cho dù chuyện gì xảy ra".
Mặc dù có sớm nói đến việc ông Trump là ứng cử viên ưa thích của Moscow, nhưng dường như Kremlin và chính giới Nga không thực sự nghiêng về bên nào bởi lý do đơn giản là không ai ở Moscow ảo tưởng về một mối quan hệ sẽ được cải thiện với Mỹ trong tương lai gần. Và xa hơn cũng chưa…
Theo Đông Phong
Đất Việt