1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đạt mục đích ở Syria: Vấp phải rào cản Mỹ

Mỹ dự tính chi 500 triệu USD từ ngân sách quốc phòng năm 2018 để giúp đỡ về quân sự cho phe đối lập Syria.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 11-1 lên tiếng hoan nghênh Jordan đã mang hàng cứu trợ đến trại tị nạn Er-Rukban ở Syria trước đó 3 hôm; đồng thời nhắc nhở Mỹ về sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về quyền nhân đạo quốc tế.

Huấn luyện phiến quân

Trại Er-Rukban nằm ở biên giới Syria - Jordan, cách căn cứ quân sự Mỹ tại Al-Tanf 25 km, thực tế đã bị các lực lượng Mỹ chiếm đóng. Theo báo Vzglyad, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận quân đội và đại diện chính quyền Syria không được đến khu vực này. Trong những điểm đóng quân của Mỹ đang diễn ra hoạt động huấn luyện chiến binh của các đơn vị vũ trang Syria trái phép.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh không chấp nhận những biện minh của Mỹ về việc sử dụng lực lượng vũ trang chống lại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. "Sự cam đoan của Mỹ rằng binh sĩ của họ có mặt ở Syria để chống khủng bố là không thuyết phục, không đứng vững trước bất kỳ lời chỉ trích nào" - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ phải "chịu hoàn toàn trách nhiệm trong khu vực Al-Tanf mà họ chiếm đóng".


Mỹ đang có kế hoạch cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria Ảnh: REUTERS

Mỹ đang có kế hoạch cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria Ảnh: REUTERS

Cuối tháng 12-2017, điều phối viên tiến trình hòa bình và bảo đảm an ninh tại các khu vực biên giới tỉnh Homs - Syria thông báo phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lẩn trốn trong trại tị nạn Er-Rukban. Trước đó, có tin phiến quân đã chặn đường và cấm người tị nạn rời khỏi trại này.

Ông Sergei Kuralenko, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải các phe thù địch ở Syria, cuối tháng 11-2017 cho biết binh sĩ Mỹ đã trấn giữ khu vực 55 km xung quanh căn cứ của họ tại Al-Tanf, nơi hơn 50.000 thường dân bị cô lập. Theo báo Nezavisimaya Gazeta, Nga, Syria và đồng minh nay có thêm kẻ thù: Quân đội Syria mới, được hình thành từ những nhóm phiến quân khác nhau dưới sự giúp đỡ của các cơ quan tình báo Mỹ.

Theo Trung tâm Hòa giải các phe thù địch ở Syria, ước tính lực lượng mới này có gần 1.700 tay súng của phe đối lập ôn hòa, đóng tại khu vực căn cứ quân sự Al-Tanf của Mỹ, phía Nam tỉnh Homs. Gần 600 huấn luyện viên quân sự Mỹ huấn luyện họ chiến đấu ở đây.

Ngoài Al-Tanf, việc huấn luyện quân đội Syria mới còn diễn ra tại trung tâm huấn luyện đặc biệt ở tỉnh Hasakah, dưới sự chủ trì của các huấn luyện viên Mỹ thuộc lực lượng đặc biệt. Trung tâm Hòa giải các phe thù địch ở Syria cho biết ở đây có khoảng 750 chiến binh, trong đó gần 400 tay súng từng tham gia IS.

Trước tình hình đó, ngày 28-12-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố chính phủ Syria không mời lính Mỹ vào lãnh thổ của mình. Vì thế, Mỹ và liên minh quốc tế phải rời khỏi Syria sau khi bọn khủng bố bị tiêu diệt hoàn toàn trên đất nước này. Nhà ngoại giao Nga còn lưu ý Mỹ và các đồng minh đã không bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt về hành động ở Syria - theo hãng tin Interfax.

Nội chiến toàn diện?

Báo Nezavisimaya Gazeta nhận định các bước đi của Nga nhằm kiến tạo tiến trình hòa bình ở Syria có thể bị cản trở bởi Mỹ, quốc gia có những quyền lợi riêng ở Cận Đông. Theo trang tin Riafan.ru ngày 12-1, Mỹ đang có kế hoạch cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria.

Cuối năm 2017, các nguồn tin ở Ả Rập cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua kế hoạch cung cấp vũ khí trị giá 393 triệu USD cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với các đội quân tự vệ người Kurd làm nòng cốt. Tuy nhiên, thông tin này mâu thuẫn với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng sau khi đánh bại IS, Washington sẽ không vũ trang cho lực lượng tự vệ người Kurd ở Syria nữa.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ giải thích về thông tin trên, trước hết vì họ xem các đội ngũ người Kurd, nằm trong SDF, là bọn khủng bố. Cũng vì yêu cầu của Ankara trong cuộc đàm phán liên Syria diễn ra ở Astana - Kazakhstan mà đại diện lực lượng người Kurd đã không được ghi tên vào danh sách tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi - Nga ngày 29-1 tới. Theo hãng tin Anadolu, Аnkara chỉ đồng ý cho đại diện Hội đồng Dân tộc người Kurd ở Syria tham gia đại hội với tư cách là tổ chức không liên quan đến hoạt động khủng bố.

Phân tích tình hình Syria và khu vực xung quanh cho thấy nước này vẫn tồn tại mối đe dọa của một cuộc nội chiến toàn diện. Mối đe dọa này gắn liền với việc Washington sẽ trang bị vũ khí cho các đối thủ của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong năm 2018.

Báo Mỹ Daily News khẳng định trong ngân sách quốc phòng năm 2018 đã được Tổng thống Donald Trump ký duyệt, 500 triệu USD sẽ dành cho phe đối lập Syria. Ngoài khoản chi cho vũ khí trị giá 393 triệu USD, Washington dự định tiếp tục huấn luyện kỹ năng quân sự cho quân nổi dậy Syria với chi phí hơn 100 triệu USD.

Theo Daily News, sự giúp đỡ về quân sự của Mỹ không chỉ dành cho các đơn vị SDF mà còn cả các nhóm đối lập ôn hòa, trong đó có Quân đội Syria Tự do. Các tổ chức này đã tuyên bố rằng sẽ không tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc Syria. Điều này vốn có lợi cho người Mỹ vì họ muốn cản trở việc củng cố quyền lực của ông al-Assad ở Syria.

Trong năm 2018, các nhóm đối lập thân Mỹ có thể lên đến hơn 30.000 tay súng. Đây là đội quân có khả năng khai mở một cuộc nội chiến toàn diện chống chế độ al-Assad. Lúc này, khó thể nói hoạt động chiến sự chống lại quân chính phủ Syria sẽ đến mức nào. Tuy nhiên, việc Mỹ có kế hoạch chi một khoản trợ giúp quân sự đáng kể từ ngân sách cho cả Quân đội Syria Tự do lẫn các bộ tộc thân Thổ Nhĩ Kỳ đã nói lên nhiều điều.

Mỹ "tố" Iran

Tổng thống Donald Trump ngày 12-1 đã cáo buộc Iran ủng hộ Tổng thống al-Assad. "Iran ủng hộ chế độ al-Assad và trợ giúp ông ta tiêu diệt chính nhân dân của mình" - Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Theo ông Donald Trump, "chương trình quân sự phá hủy của Iran đe dọa các quốc gia láng giềng và hoạt động vận chuyển đường thủy quốc tế", còn chính quyền Iran thì bắt bớ, giam giữ hàng loạt người dân nước này.

Theo Ngô Sinh

Người Lao Động