1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga bị đổ oan tại Syria?

Thực tế cho thấy Nga không có tham vọng để “kiểm soát”, “chi phối” hay “giật dây” một chính phủ khác như tham vọng của một số nước.


Tổng thống Nga V. Putin (phải) tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Sochi

Tổng thống Nga V. Putin (phải) tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Sochi

Nga sợ mất Syria?

Cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) dường như đã đi đến hồi kết. Mặc dù tổ chức vũ trang này có vẻ sẽ không biến mất song sự kiểm soát lãnh thổ của chúng gần như đã bị phá vỡ hoàn toàn sau khi hai “thủ phủ”- Mosul và Raqqa- được giải phóng và hầu hết lãnh thổ của chúng tại Iraq và Syria đã bị chiếm lại.

Tại Syria, ngoài một số khu vực vẫn nằm trong sự kiểm soát của IS còn có tỉnh Idlib- vốn bị liên minh khủng bố Ha'yet Tahrir al-Sham, gọi tắt là HTS (trước đây thuộc nhánh Mặt trận al-Nursa của al-Qaeda) thống trị.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ kết hợp với nhau nhằm chống lại HTS tại đây, rồi sau đó phân chia tỉnh này thành các phạm vi ảnh hưởng.

Nhờ sự can thiệp của Nga trong khoảng thời gian hai năm cũng như các cuộc tấn công do IS và HTS thực hiện, một phần quan trọng của phe đối lập vũ trang thực sự đã bị tiêu diệt và thời kỳ hoạt động thù địch đã đi đến hồi kết. Những vấn đề về hòa bình cũng như ổn định đối với người Syria trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với các vấn đề về quyền lực và trật tự chính trị trong tương lai.

Giới phân tích Trung Đông cho rằng trong bối cảnh Syria đang tiến vào một giai đoạn giảm thiểu xung đột mới này, vai trò của Nga lại khiến nhiều người phải hoài nghi. Lý do được đưa ra là Chính phủ Syria sẽ sớm không còn cần đến sự hậu thuẫn quân sự nhiều như sự hỗ trợ tài chính nữa. Và đó là yêu cầu mà Nga có thể sẽ không đáp ứng được.

Hiện nay, Tổng thống Assad có thể đang coi mình là “người chiến thắng” trong cuộc nội chiến Syria nhờ vào sự ủng hộ và can thiệp quân sự rất lớn từ phía Nga. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng Moscow sẽ có được sự hiện diện một cách thoải mái ở Syria thời hậu chiến.

Trong cuộc xung đột vũ trang, giá trị mà Moscow mang đến cho Damascus là sự trợ giúp và việc triển khai các lực lượng quân sự của mình – vốn đóng một vai trò then chốt trong những tiến bộ quân sự của quân chính phủ Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà việc chuyển đổi sang giai đoạn hậu xung đột sẽ sớm diễn ra, tầm quan trọng của yếu tố quân sự sẽ bị suy giảm dần dần, nhường chỗ cho các khía cạnh hợp tác về tài chính và kinh tế.

Iran đã tuyên bố họ sẽ giúp Syria trong vấn đề tài chính. Trong một cuộc điện đàm gần đây với ông Assad, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cam kết rằng nước ông “sẵn sàng tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết Syria”.

Tuy nhiên, Aljazeera cho rằng Nga lại không có khả năng tài chính để đầu tư mạnh vào Syria sau khi cuộc xung đột kết thúc khiến vị thế của Nga tại Syria không còn quá thuyết phục nữa. Điều này buộc Moscow phải nhận ra rằng liên minh với Tehran và Ankara tại Syria có thể sẽ không đạt được nhiều lợi ích trong tương lai nữa và Nga cần tìm kiếm những đồng minh mới cho mình ở giai đoạn hậu xung đột.

Nga không tham vọng như Mỹ?

Với những luận điểm trên, Aljazeera phỏng đoán rằng Nga đã nỗ lực hết sức để giữ cho quá trình đàm phán nằm trong tầm kiểm soát nhằm đảm bảo rằng họ không để tuột mất vị trí “ông trùm” của mình tại Syria.

Đó là mong muốn thể hiện tính độc nhất và không thể thay thế, vốn đã giúp Nga tạo ra các sáng kiến mới nhất dành cho Syria: từ tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự cần thiết phải tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi đến một loạt cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo khu vực Trung Đông do Tổng thống Nga tổ chức hồi tuần trước.

Điều đặc biệt là ông Assad đã bất ngờ xuất hiện ở Sochi. Đây là chuyến thăm nước ngoài thứ hai của ông Assad kể từ năm 2011; vào năm 2015, ông Assad cũng đã đến Nga để gặp ông Putin.

Aljazeera cho rằng chuyến thăm của ông Assad đã củng cố sự độc quyền của Nga đối với Syria. Nó gửi đi một thông điệp rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng Moscow nắm giữ những chiếc chìa khóa của Damascus và là nhà bảo trợ duy nhất có thể đưa Chính phủ Syria đến bàn đàm phán.

Ngay sau cuộc gặp, Tổng thống Nga Putin đã nhanh chóng thông báo kết quả với các nhà lãnh đạo ở Saudi Arabia, Ai Cập, Israel và Mỹ. Hai ngày sau đó, tại cuộc gặp mặt với Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo Nga cũng đã chứng tỏ vai trò “lãnh đạo và dẫn dắt” trong mối quan hệ tay ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp vai trò quan trọng của Nga, Aljazeera vẫn cho rằng các nguồn lực và khả năng của Nga là không đủ để giữ lấy Syria. Nga cần một đối tác nữa ở Syria mà có thể đảm bảo cho các nguồn quỹ tái thiết thời hậu xung đột. Ngược lại, đối tác đó cũng cần sẵn sàng lưu thông dòng chảy tài chính thông qua Moscow.


Aljazeera cho rằng ngoài sức mạnh quân sự, Nga không có đủ khả năng tài chính để ảnh hưởng tới Syria thời hậu chiến

Aljazeera cho rằng ngoài sức mạnh quân sự, Nga không có đủ khả năng tài chính để ảnh hưởng tới Syria thời hậu chiến

Vấn đề lớn hơn mà Nga gặp phải đó là không có nhiều thời gian để thực hiện điều đó. Aljazeera cho rằng Chính phủ Syria có thể trở nên ít khoan nhượng hơn cùng với chiến thắng vững chắc hơn, và Moscow sẽ khó có thể kéo Chính phủ Syria ngồi xuống bàn đàm phán nữa.

Bình luận về việc Damascus ban đầu ra vẻ từ chối tham gia các cuộc đàm phán tại Geneva, Aljazeera cho rằng điều đó chứng tỏ Chính phủ Syria đang chờ đợi cho tới khi phe đối lập bị tiêu diệt hoàn toàn và không còn bất kỳ sự can thiệp nào vào những vấn đề nội bộ của Syria.

Nga có thể chịu tổn thất một Chính phủ Syria không đáp ứng sức ép từ phía Nga nữa!


Nga quyết định để lại S-400 tại Syria sau khi rút quân

Nga quyết định để lại S-400 tại Syria sau khi rút quân

Có thể thấy, góc nhìn của Aljazeera có phần không sát với thực tế. Nga, Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào khác đều có rất nhiều “nỗi sợ” trong khu vực nhưng có lẽ người Nga không lo ngại bị đồng minh Syria “đá”. Nga chắc chắn không có tham vọng như một số cường quốc khác muốn làm bá chủ ở khu vực hay muốn “kiểm soát” hoàn toàn đối tác Syria của họ.

Cái cách mà Nga đưa quân tới và sẵn sàng rút đi cho thấy một trong những mục tiêu lớn nhất của Moscow là đảm bảo lợi ích của họ trong khu vực, qua đó duy trì thế cân bằng chiến lược, còn việc “kiểm soát”, “chi phối” hay “giật dây” một chính phủ khác có lẽ chỉ là suy luận của những người đã quen với lối tư duy này.

Mới đây nhất, ngày 30/11, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết Moscow hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị cho việc rút một nhóm quân sự nước này khỏi Syria.

Trước đó, quân đội Nga cũng thông báo quân số của lực lượng Nga tại Syria có khả năng sẽ giảm đáng kể và việc rút quân có thể tiến hành vào cuối năm nay.

Theo Đông Triều

Báo Đất việt