1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ rút khỏi TPP: Ai mừng, ai tiếc?

(Dân trí) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trải qua hành trình dài nhiều chông gai và cả kỳ vọng. Với tuyên bố “sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức” của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ai được hưởng lợi và những nuối tiếc thuộc về ai?


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Nhiều kỳ vọng

Mỹ thúc đẩy một TPP đầy tham vọng, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc xuất phát chủ yếu từ kinh tế. Đây là sáng kiến có thể mở rộng sự kết nối của Mỹ đối với 11 quốc gia vốn chiếm hơn 1/4 thương mại thế giới, trong khi tạo ra sân chơi cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

TPP bảo đảm Internet mở cửa và tự do, đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra sân chơi công bằng dựa trên việc đưa ra các tiêu chuẩn cao nhất và dỡ bỏ các hàng rào ngăn cản việc bán hàng Mỹ ra bên ngoài.

TPP cũng yêu cầu các quốc gia thành viên thay đổi chính sách trong nước đối với một số lĩnh vực cụ thể - mang đến cho các quốc gia thành viên cơ hội thay đổi những chính sách hiện có.

Khi nền kinh tế Mỹ gắn kết hơn với các nền kinh tế khác trong khu vực, Mỹ sẽ mạnh hơn. Sau này, TPP được xem là thành tố quan trọng trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.

“TPP không chỉ thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn giúp duy trì sức mạnh cần thiết của Mỹ ở nửa bán cầu có một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Nga quyết đoán”, Washington Post viết.

Nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Singapore hay Australia đã trông đợi vào vai trò lớn hơn của Mỹ trong cấu trúc kinh tế khu vực. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2016, hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP càng sớm càng tốt “bởi ý nghĩa của nó vượt ra ngoài phạm vi kinh tế”.

“Xoay trục” và uy tín của Mỹ


(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

“Không có TPP, hàng hóa Mỹ tiếp tục phải chịu hàng rào thuế quan cũng như các rào cản thương mại khác trong khu vực, doanh nghiệp Mỹ sẽ mất cơ hội tiếp cận với các thị trường châu Á, người lao động Mỹ sẽ mất cơ hội cạnh tranh với các đối thủ khác trong sân chơi bình đẳng”, Washington Post nhận định.

“Vấn đề chính là TPP có thể đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các liên minh cần thiết và Mỹ vẫn sẵn sàng duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu. Nếu TPP không được phê chuẩn, thất bại chính trị này của Mỹ sẽ vang khắp châu Á vào thời điểm Trung Quốc tích cực tìm cách để thay thế Mỹ trở thành số 1 khu vực”, Todayonline bình luận.

“Uy tín ủa Mỹ chắc chắc sẽ bị tổn hại và “xoay trục” của Mỹ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Singapore hay Australia sẽ thất vọng về tình hình chính trị của nước Mỹ hiện nay”, nhà phân tích Douglas Paal thuộc Tổ chức Carnegie cho Hoà bình Quốc tế nhận định.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, cũng cho rằng nguy cơ “chết yểu” của TPP sẽ tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế đang nổi.

Trong khi đó, TPP không thể có hiệu lực sẽ để lại một khoảng trống lớn trong chương trình chấn hưng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khi ông hy vọng TPP sẽ tạo ra một cuộc cải cách và mang lại hiệu quả cao hơn cho ngành nông nghiệp Nhật Bản.

TPP gặp trục trặc cũng khiến Nhật Bản trở nên “yếu thế” trước Trung Quốc, khi bước vào các cuộc đàm phán sắp tới về việc hình thành một liên minh thương mại Đông Á.

Cơ hội cho Trung Quốc?


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CBC)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CBC)

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Peru cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy cả hai thỏa thuận Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP - gồm 21 thành viên của APEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP - bao gồm Trung Quốc, 10 nước thành viên ASEAN và một số quốc gia như Austrralia hay Ấn Độ, nhưng không có Mỹ).


Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (Ảnh:EPA)

Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) (Ảnh:EPA)

“Không phải là bây giờ, mà ngay từ khi tương lai TPP còn chưa rõ ràng, Trung Quốc đã tiến đến lấp chỗ trống, nắm cơ hội dẫn dắt các nước thành lập một khu vực thương mại tự do mới”, Financial Times bình luận.

“Việc Mỹ rút lui mở ra cơ hội cho Trung Quốc, vốn không tham gia đàm phán TPP, mở rộng ảnh hưởng của họ ở châu Á. Trung Quốc đang thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của họ một cách quyết liệt”, trang ipcs nhận định. Ngay sau khi có kết quả bầu tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã thông báo về ý định thúc đẩy những cuộc thương lượng như vậy - những cuộc thương lượng cho đến nay vẫn diễn tiến rất chậm chạp. Các nước châu Á cũng sẵn sàng cho lộ trình này và sẽ theo định hướng của Trung Quốc.

“Ngay cả Nhật Bản, vốn coi sự nổi lên của Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu số một, đang xem xét việc tham gia RCEP do Trung Quốc dẫn đầu, nếu Mỹ không phê chuẩn Hiệp định TPP”,Todayonline viết.

“Ngay cả các đồng minh trung thành của Mỹ như Australia cũng cho rằng thất bại của TPP cũng “có thể bù đắp” bằng RCEP”, AFP đưa tin.

Tuy nhiên, theo Chinadaily, RCEP có thể không phải là một hiệp định “tham vọng” như TPP. Nhiều thành viên RCEP, những quốc gia đồng thời cũng là thành viên TPP, có thể nhận ra rằng TPP sẽ mang đến những lợi ích kinh tế lớn hơn, điều có thể khiến RCEP trở thành “vô nghĩa” trong dài hạn.

Viện Nghiên cứu Brookings dự đoán, thời gian xem xét TPP đối với Mỹ đã chấm dứt nhưng với châu Á thì dường như " vẫn tiếp diễn. Theo cơ quan này, thành công của TPP sẽ dựa trên vai trò lãnh đạo của Nhật Bản - nền kinh tế còn lại lớn nhất trong TPP khi Mỹ rời đi.

Trong khi đó, Stratfor cho rằng sự ra đi của TPP không có nghĩa là chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. “Dù có hiệp định này hay không, Washington sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn bộ môi trường địa chính trị của châu Á”.

Nguyễn Viết

Tổng hợp