1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ không thể chặn đòn đánh từ tên lửa hạt nhân

Theo The National Interest, dù được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ nhiều tầng nhưng hiện nay Mỹ vẫn không thể chặn được đòn đánh từ tên lửa hạt nhân.

Chiếc ô nhiều tầng

Tạp chí quân sự hàng đầu của Mỹ thừa nhận, hiện nay quân đội nước này không có cách nào để ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân do năng lực phòng thủ yếu kém, đặc biệt là hệ thống NMD hoạt động không hiệu quả.

Thông tin này được The National Interest dẫn nội dung bài viết của cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer, hiện làm việc cho Trung tâm Các vấn đề của Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings cho biết.

Theo ông Steven Pifer, hiện nay Mỹ không hề có hệ thống phòng thủ đáng tin cậy và phù hợp chống các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Theo Steven Pifer, kể từ năm 1983 phòng thủ tên lửa Mỹ là câu chuyện của "những niềm hy vọng tan chảy." Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) do Tổng thống Ronald Reagan đề xuất năm 1983 từng ước tính Mỹ cần đối phó với hàng ngàn đầu đạn hạt nhân.

Sáng kiến Phòng thủ toàn cầu chống các cuộc tấn công hạn chế (GPALS) của George W. Bush đã đưa con số nguy cơ tấn công xuống dưới 200 đầu đạn. Và đến thời Tổng thống Bill Clinton, chương trình Phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) được ông khởi xướng thực hiện chỉ còn khả năng đối phó với vài chục đầu đạn hạt nhân, ông Pifer dẫn ra thực tế đáng lo ngại với Mỹ.

Đạn tên lửa Payload Launch Vehicle (PLV)
Đạn tên lửa Payload Launch Vehicle (PLV)

Đồng thời với việc đăng tải bài viết của ông Pifer, tờ The National Interest đã hé lộ về thành phần và nguyên lý hoạt động của chương trình Phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) - niềm kiêu hãnh duy nhất của người Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Theo The National Interest, hệ thống NMD có nhiệm vụ phát hiện tên lửa tấn công và theo dõi hoạt động của chúng. Dữ liệu được thu thập bởi các radar và vệ tinh, sau đó được gửi trở về trung tâm chỉ huy để phân tích và đưa ra những phương án đánh chặn. Hệ thống bao gồm 3 phần chính.

Hệ thống nâng cấp từ radar cảnh báo sớm (UEWR): Được nâng cấp từ những radar cảnh báo và các radar siêu cao tần, bao gồm việc nâng cấp hệ thống máy tính, hiển thị đồ họa, thông tin liên lạc và các thiết bị thu phát sóng radar để phù hợp với việc phát hiện tên lửa.

UEWR có nhiệm vụ phát hiện sớm các tên lửa đạn đạo đồng thời giám sát hoạt động của chúng cho đến khi các hệ thống khác phân tích và đánh giá chi tiết hơn.

Hệ thống radar đa tia X (XBR): XBR sử dụng sóng radar tần số cao cùng công nghệ xử lý tín hiệu tiên tiến nhất cho phép nó tiếp tục theo dõi và phân tích mục tiêu sau khi được xác định bởi UEWR. Ngoài ra XBR còn có nhiệm vụ hỗ trợ và dẫn đường cho hệ thống đánh chặn bằng cách xác định quỹ đạo của mục tiêu và thể hiện trên bản đồ số.

Hệ thống XBR được đặt trên một bệ đỡ có khả năng quay 360 độ giúp nó có thể theo dõi hoạt động của nhiều mục tiêu cùng lúc. Bên cạnh radar chính còn có 1 hệ thống điều khiển, bảo dưỡng và 1 máy phát điện, tất cả được bảo vệ nghiêm ngặt trên vùng đất rộng 70 nghìn mét vuông.

Hệ thống vệ tinh hồng ngoại (SBIRS): Là kế hoạch phát triển của lực lượng không quân Hoa Kỳ với kinh phí 10 tỷ USD dự kiến được sử dụng nhằm hỗ trợ cho NMD trong vài năm tới. SBIRS bao gồm một hệ thống các vệ tinh sử dụng cảm biến hồng ngoại thay thế những vệ tinh của chương trình Hỗ trợ phòng thủ hiện nay.

Có 3 loại vệ tinh SBIRS, bao gồm vệ tinh có quỹ đạo tròn, vệ tinh có quỹ đạo elíp, và các vệ tinh có quỹ đạo thấp xung quanh Trái Đất. Các vệ tinh này sẽ cho phép phát hiện tên lửa của đối phương sớm hơn cũng như khả năng theo dõi tốt hơn radar gấp nhiều lần.

Mục đích của toàn bộ hệ thống NMD là nhằm tạo một bức tường bảo vệ chống lại những cuộc tấn công bằng tên lửa với tốc độ siêu âm. Do đó việc phát hiện và theo dõi tên lửa là vẫn chưa đủ, nhiệm vụ chính của NMD là phải tiêu diệt chúng.

Với việc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày nay có vận tốc lớn gấp 5 lần vận tốc âm thanh (tương đương khoảng 6.000km/h) thì việc hạ gục chúng quả là thử thách rất lớn đối với NMD. Hệ thống tên lửa đánh chặn là thành phần quan trọng nhất của NMD, nó bao gồm 2 phần chính.

- Tên lửa đánh chặn PLV: Sau khi hệ thống tên lửa Minuteman II ngừng hoạt động, những động cơ tên lửa như SR19 và Hercules M57 được sử dụng để chế tạo tên lửa PLV. Mỗi tên lửa PLV được trang bị một đầu đạn EKV và có nhiệm vụ đưa đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Khi cách mục tiêu khoảng 2000 km, EKV sẽ tự động tách ra và hoàn thành nốt nhiệm vụ.

- Đầu đạn EKV: Được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại, cùng bộ điều khiển và chuyển hướng với 4 tên lửa đẩy được lắp trên thân. Một đầu đạn EKV có thể đạt vận tốc siêu vượt âm cùng khả năng chuyển hướng mà không làm giảm độ chính xác, giúp nó có thể tiếp cận và tiêu diệt những tên lửa hiện đại nhất.

Ngoài khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu thì hệ thống trung tâm chỉ huy và điều khiển được xem như là bộ não của 1 hệ thống NMD. Hệ thống chịu trách nhiệm theo dõi những mối đe dọa tên lửa ngay sau khi có thông tin được đưa ra từ những nước khác.

Thông tin về tên lửa của đối phương bao gồm quỹ đạo và phạm vi ảnh hưởng có thể xảy ra được chuyển đến trung tâm dựa trên những vệ tinh và hệ thống radar trên mặt đất. Chỉ sau 20 phút từ khi có thông tin về tên lửa đối phương, hệ thống tên lửa đánh chặn đã được chuẩn bị sẵn sàng và được lập trình bởi thông tin thu được từ radar.

Chỉ 2 phút sau khi tên lửa đánh chặn được phóng lên, đầu đạn EKV sẽ tự động tách ra khỏi phần động cơ tên lửa. Trước khi tách ra, EKV sẽ được cập nhật những thông tin cuối cùng về vị trí và quỹ đạo của mục tiêu, sau đó nó sẽ tự động xác định mục tiêu và dẫn đường bằng các cảm biến của mình.

Một trong những hệ thống dẫn đường của EKV là dựa trên vị trí của những chòm sao, bằng việc so sánh vị trí tương đối với 1 chòm sao, EKV có thể tự xác định và dẫn đường đến mục tiêu.

Hoạt động của đầu đạn EKV sau khi tách khỏi tên lửa là hoàn toàn độc lập, nó không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn hay thông tin nào khác từ trung tâm. Tuy nhiên hoạt động của EKV là vô cùng chính xác, chỉ 6 phút sau khi tách khỏi tên lửa nó sẽ tự động dẫn đường, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt. Vụ va chạm ở độ cao gần 200km do đó không gây thiệt hại gì cho những khu vực dưới mặt đất.

Thông tin The National Interest tiết lộ về hệ thống NMD là thực sự ấn tượng, tuy nhiên theo ông Pifer, chừng ấy là chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả đòn tấn công từ Trung Quốc và đặc biệt là từ Nga.

Màn "thực chiến" tai tiếng

Sự thừa nhận của người Mỹ về năng lực của hệ thống NMD không phải là sự khiêm tốn mà thực tế đã chứng minh sự tệ hại của toàn bộ hệ thống phòng thủ hiện nay Mỹ đang vận hành.

Tối 28/7, người Mỹ đã chứng kiến cảnh tượng bất thường khi 1 quả tên lửa Trường Chinh 7 của Trung Quốc bay qua và bốc cháy trên lãnh thổ Mỹ. Ngay khi mới xuất hiện, trên Twitter và Youtube thông báo và công bố video quay cảnh UFO lạ xuất hiện trên bầu trời Mỹ.

Tuy nhiên, nhà thiên văn Jonathan McDowell của Đài quan sát Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge (Mỹ) cho biết, đó là tầng thứ hai của tên lửa mới nhất Trung Quốc Trường Chinh 7 được phóng lên lần đầu tiên từ sân bay vũ trụ trên đảo Hải Nam vào 25/6.

Theo nhà thiên văn, hiện tượng vật thể lớn như thế này rơi trở lại về Trái đất là rất hiếm. Nhà khoa học không loại trừ rằng một số các mảnh vỡ của tầng tên lửa có thể rơi xuống bề mặt của Trái Đất.

Sau khi sự việc xảy ra, trang Sputnik dẫn nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực phòng thủ vũ trụ của Nga cho biết, trong trường hợp Trường Chinh 7 là tên lửa tấn công thì gần như chắc chắn Mỹ không có cơ hội chống đỡ.

Theo thông tấn Nga, cơ quan phòng thủ Mỹ đã không hề phát hiện ra vụ xâm nhập này, vụ việc chỉ được biết đến khi nhìn bằng mắt thường và sự xác nhận của đài thiên văn sau khi vụ việc đã xảy ra.

Clip tên lửa Trường Chinh 7 khiến người dân Mỹ hoảng loạn:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt