Mỹ dỡ bỏ hạn chế mua sắm thiết bị quân sự Nhật Bản
(Dân trí) - Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, Bộ quốc phòng Mỹ ngày 4/6 đã ký thỏa thuận đồng ý cho các nhà thầu nước này nhập thiết bị quân sự từ Nhật, sau thời gian dài hạn chế.
Thỏa thuận trên đã được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter ký kết với người đồng cấp phía Nhật Gen Nakatani, trong cuộc hội đàm song phương bên lề Đối thoại Shangri-La.
Năm 2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được áp đặt nhiều thập kỷ. Trong khi các thiết bị quân sự mới của Nhật đã được quân đội nước này sử dụng nhiều năm, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trên giúp các công ty Nhật có thể xuất bán ra nước ngoài những thiết bị được thiết kế riêng cho các dự án quân sự.
Đồng thời, việc này cũng mở đường cho nhiều nhà thầu vũ khí Mỹ, như Lockheed Martin hay Raytheon trực tiếp mua thiết bị từ các nhà cung cấp Nhật.
Khi mua sắm thiết bị quân sự, Mỹ thường hạn chế sử dụng vật liệu từ nước ngoài, ví dụ như titan hay các nguyên liệu khác, và áp đặt chính sách “Mua hàng Mỹ” đồng thời đánh thuế cao đối với các linh kiện do nước ngoài sản xuất.
Thỏa thuận vừa được ký giữa hai nước sẽ bãi bỏ toàn bộ những hạn chế này, giúp thiết bị của Nhật dễ dàng xâm nhập thị trường Mỹ. Với ngân sách quốc phòng hàng năm gần 600 tỷ USD, hiện Mỹ vẫn chiếm khoảng 1/3 chi tiêu quân sự toàn cầu, cao gấp 4 lần nước xếp ở vị trí thứ hai là Trung Quốc.
Thanh Tùng
Theo Japan Today