1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liệu có một TPP không có Mỹ?

(Dân trí) - Sau khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức, châu Á đang rộ lên những đôn đoán về một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có sự tham gia của Mỹ. TPP này liệu có tương lai hình thành và có nghĩa như thế nào với các nước còn lại?


Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: thewrap)

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: thewrap)

Sau tuyên bố rút khỏi TPP của ông Donald Trump, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông hy vọng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP, “hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó”.

Trong khi đó, New Zealand đề nghị nên thương thuyết lại để đạt một hiệp định không có mặt của Mỹ.

Giới phân tích, trong đó có Viện Nghiên cứu Brookings, cho rằng thời gian xem xét TPP đối với Mỹ đã chấm dứt nhưng với châu Á thì dường như "công việc" này vẫn tiếp diễn.

“Thành công của TPP sẽ dựa trên vai trò lãnh đạo của Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất trong TPP khi Mỹ rời đi. Nhật Bản đã xúc tiến phê chuẩn TPP và cần thực hiện các bước tiếp theo để giúp hiệp định này có thể sống sót”, Viện Nghiên cứu Brookings nhận định.

Điều gì xảy ra với một TPP không có Mỹ?

“Nếu TPP không có Mỹ thì đây sẽ là một tổn thất lớn có các nước thành viên còn lại", Thủ tướng SingaporeLý Hiển Long nói bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra ở Peru từ 19-20/11, với đề tài TPP phủ bóng lên hội nghị.

“Cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục mà không có thỏa thuận thương mại lớn này. Nhưng nếu TPP mất đi, chúng ta sẽ mất đi cái gì đó quý giá, giá trị, do tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của nó”, Chanelnewsasia dẫn lời ông Lý nói.

Theo ông Ly Hiển Long, trong tương lai, có thể có một thỏa thuận mới khác - thỏa thuận không có Mỹ - nhưng điều này sẽ có nghĩa là tiến trình thương lượng lại quay trở lại bàn đàm phán, mà có thể mất một thời gian dài.

TPP cho tới nay đã mất 8 năm và bất kỳ cuộc đàm phán mới nào cũng sẽ phải cân nhắc những diễn biến toàn cầu mới, như những thay đổi về thị trường hoặc kinh tế.

"TPP không có Mỹ, có nghĩa là 12 nước thành viên trừ 1 sẽ phải gặp mặt và ký thỏa thuận với một điều khoản chuẩn-bị-có-hiệu-lực khác. Và đó là cuộc đàm phán mới không dễ gì mà làm được. Chúng ta vẫn chưa đến được cây cầu đó. Chúng ta sẽ vượt qua nó nếu và khi chúng ta đến được đó", Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Trước Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng cảnh báo rằng TPP sẽ trở nên “vô nghĩa” nếu không có Mỹ.

Một số nhà phân tích ở Australia đồng ý với ông Abe, rằng TPP được thiết lập dựa trên thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ, nếu Mỹ rút lui, thì hiệp định coi như sụp đổ.

Dư luận cho rằng Trung Quốc là nước “vui mừng” trước việc TPP không Mỹ. Trung Quốc đang ráo riết xúc tiến thỏa thuận thương mại tự do khu vực, mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm các quốc gia ASEAN, cũng như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc nhưng không có Mỹ.

Gareth Leather, nhà kinh tế cao cấp chuyên về châu Á tại công ty nghiên cứu Capital Economics ở London, cho rằng dù Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ RCEP, “song những mất mát từ việc không thực hiện TPP khó có thể bù đắp bằng lợi ích từ RCEP”.

“Ở châu Á, dường như các nhà lãnh đạo tỏ ra thận trọng, không vội loại trừ những biện pháp dự phòng, trong trường hợp… lại có những tuyên bố khác về TPP phát đi từ Tháp Trump ở New York”, Chanelnewsasia viết.

Các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ trước đây đã chứng minh rằng các quan điểm đưa ra khi vận động tranh cử có thể thay đổi khi Tổng thống đắc cử bước vào Nhà Trắng.

Điều này đã xảy ra với mọi cuộc vận động, dù đó là của George Bush cha, Bill Clinton, George Bush con, hay ngay cả ông Obama. Do vậy, theo Chanelnewsasia, lãnh đạo châu Á vẫn thực sự hy vọng chính quyền mới đến sẽ xem lại lập trường.

Tất nhiên, lần này, chiến dịch tranh cử khắc nghiệt hơn nhiều so với những lần trước - về mặt giọng điệu và ngôn từ, và do đó, sự điều chỉnh cũng khó khăn hơn.

"Chúng ta sẽ xem người Mỹ quyết định như thế nào và họ muốn xúc tiến TPP như thế nào. Và nếu thực tế là sau 2 năm, họ không xúc tiến được điều gì, chúng ta sẽ xem xét các lựa chọn của mình một lần nữa. Chúng ta vẫn có thời gian", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.

Tuệ An