1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Liên minh Mỹ-Nhật-Australia đang hình thành ở Biển Đông

Philippines và Nhật Bản vốn là đồng minh khu vực của Washington, vì vậy sự xích lại gần nhau giữa hai nước là tín hiệu của một tam giác kết nối các đồng minh hiệp ước giữa Mỹ-Nhật Bản-Australia.

Lễ ký kết Hiệp ước hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Philippines. (Nguồn: CNN)
Lễ ký kết Hiệp ước hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Philippines. (Nguồn: CNN)

Theo chuyên gia Ernest Bower, thuộc Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Australia, viết trên Diễn đàn chính sách của Đại học Australia ngày 11/4, tam giác an ninh Mỹ-Nhật-Australia nổi lên trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Biển Đông leo thang và có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc tại châu Á.

Hướng tới cân bằng Trung Quốc

Hiệp ước hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Nhật Bản được ký kết bởi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines, Kazuhide Ishikawa tháng Hai vừa qua cho thấy Manila và Tokyo đang hướng tới thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới. Theo đó, Hiệp ước cho phép Nhật Bản cung cấp cho Philippines công nghệ, thiết bị quốc phòng cũng như phối hợp thực hiện nghiên cứu, phát triển các dự án quốc phòng.

Thỏa thuận an ninh song phương này được đưa ra khi các nước Đông Nam Á mong muốn có sự cân bằng lực lượng để đối phó với quyết tâm của Trung Quốc trong việc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Hiện nay Philippines đang là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc kêu gọi Hiệp hội đồng thuận trong việc phản đối những hành động của Trung Quốc tại vùng biển được coi là “huyết mạch” hàng hải của thế giới.

Các cuộc thăm dò gần đây về nhận thức của Đông Nam Á đối với Nhật Bản và các nước khác cũng đáng ngạc nhiên. Cả hai Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đều đưa ra kết quả khảo sát cho thấy các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản ở châu Á, trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước lớn được các nước khu vực ủng hộ, sau Nhật là Mỹ và Ấn Độ.

ASEAN ủng hộ vai trò quân sự mới của Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy can dự mạnh mẽ trong khu vực. Rõ ràng, nhiều nước Hiệp hội, trong đó có cả những nước dễ bị ảnh hưởng bởi các đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc như Campuchia và Lào, cũng ủng hộ nhu cầu cân bằng với Bắc Kinh. Tuyên bố chung toàn diện trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại khu nghĩ dưỡng Sunnylands (Mỹ) vào tháng 2/2016 đã minh chứng cho điều này.

Lãnh đạo ba nước Mỹ - Australia-Nhật Bản gặp gỡ bên lề Hội nghị G-20 tại Australia năm 2014. (Nguồn:AP)
Lãnh đạo ba nước Mỹ - Australia-Nhật Bản gặp gỡ bên lề Hội nghị G-20 tại Australia năm 2014. (Nguồn:AP)

Hỗ trợ ASEAN tăng năng lực quốc phòng

Tokyo đang hợp tác chặt chẽ với Washington và Canberra để tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh cho các nước ASEAN.

Australia đã tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với Philippines, và sẽ tích cực phối hợp với Mỹ và Nhật Bản để nâng cao năng lực phòng thủ của Philippines. Thực tế, Hiệp ước Quốc phòng Nhật Bản-Philippines chỉ được ký kết sau khi Tòa án tối cao Philippines đồng ý thông qua Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines (EDCA), nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác an ninh giữa Washington và Manila.

Trong thời gian tới, mô hình an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Australia sẽ tiếp tục phát triển và mức độ can dự của liên minh này ở Philippines sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng để phù hợp với các nước ASEAN khác.

Ngoài ra, ba đồng minh hiệp ước này sẽ hướng đến không chỉ hợp tác dựa trên liên minh của họ mà còn cùng nhau làm việc để xây dựng một cấu trúc an ninh lấy ASEAN làm trung tâm trong kênh "Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng" (ADMM+). Thông qua ADMM+, liên minh muốn thuyết phục Bắc Kinh rằng các lợi ích an ninh quốc gia của nước này sẽ được phát huy tốt nhất khi cùng tham gia vào quá trình đề ra các quy tắc trong khu vực, tuân thủ các quy định quốc tế. Đồng thời, liên minh mong muốn Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự mới nổi của mình để thúc đẩy an ninh cũng như ổn định khu vực.

Để có thêm thành viên khu vực ủng hộ các chính sách đối với Trung Quốc, liên minh Mỹ-Australia-Nhật phải hướng tới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ. New Delhi là thành viên của cấu trúc ADMM+. Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đều thừa nhận vai trò quan trọng của New Delhi, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Mỹ, Nhật Bản và Australia đang có mối quan hệ song phương tích cực với Ấn Độ và tiếp tục khai thác mục đích cốt lõi của Đối thoại An ninh Tứ giác (QSD) vốn được Nhật Bản khởi xướng năm 2007.

Bên cạnh quan hệ chính trị, an ninh- quốc phòng, kinh tế cũng sẽ góp phần củng cố an ninh ở châu Á. Tổng thống Philippines Aquino đã nhận thấy điều này và cam kết Manila sẽ sớm tìm kiếm cơ hội để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Cả Washington, Tokyo và Canberra đều biết rằng châu Á là động cơ của tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Đặc biệt, nếu các nước lớn ở châu Á không tuân thủ các quy tắc quốc tế thì an ninh khu vực sẽ khó có thể được đảm bảo.

Theo /

Thế giới và Việt Nam