1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lằn ranh đỏ cuối cùng

Trong một động thái mới nhất thể hiện quyết tâm quân sự, ngày 24-4, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Michigan của Hải quân Mỹ đang tới vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên để cùng với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia tập trận. Đây chính là động thái của Mỹ nhằm “cảnh báo” Triều Tiên không được vượt qua lằn ranh đỏ cuối cùng.

... Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Cũng trong ngày 24-4, Triều Tiên tuyên bố các loại vũ khí hạt nhân "chính xác và tân tiến" có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên đất Mỹ đã hoàn toàn sẵn sàng được bắn đi từ các bệ phóng cùng với khẳng định nước này sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ trước mối đe dọa quân sự từ Mỹ.

Trong khi đó, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên “38 North” của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc (USKI) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) thông báo các hình ảnh vệ tinh thương mại chụp ngày 19-4 cho thấy một số hoạt động của vật thể dường như là các xe moóc tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, thuộc tỉnh Bắc Hamkyong, Đông Bắc Triều Tiên.

Một trận địa hỏa lực của Triều Tiên, gần với biên giới Hàn Quốc.
Một trận địa hỏa lực của Triều Tiên, gần với biên giới Hàn Quốc.

Theo các hình ảnh này, có những dấu hiệu của một số xe kéo dọc đường dẫn đến bãi phế liệu và một xe chở thiết bị nhỏ gần cửa vào phía bắc, đường hầm được cho là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri.

Các chuyên gia phân tích cho hay một mái vòm được cho là để che các thiết bị vẫn còn nguyên, trong khi việc bơm nước ra khỏi đường hầm này, hoạt động cần thiết để đảm bảo khu vực xung quanh có môi trường tốt nhất phục vụ việc tiến hành một vụ thử hạt nhân khác, đã ngừng lại. Những hình ảnh này tiếp tục là bằng chứng cho thấy Triều Tiên có khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 tại Punggye-ri vào cứ bất thời điểm nào nếu được lệnh từ Bình Nhưỡng.

Các hình ảnh từ vệ tinh thương mại còn cho thấy, từ cách đây 10 ngày, cửa vào phía bắc của bãi thử Punggye-ri ở Triều Tiên liên tục diễn ra các hoạt động, khu hành chính trung tâm có các hoạt động mới, trung tâm chỉ huy của bãi thử hạt nhân này cũng xuất hiện một số nhân viên ra vào. Tuy nhiên, quân đội Hàn-Mỹ không loại trừ khả năng các động thái trên của Bình Nhưỡng chỉ là một chiến thuật nhằm gây hỗn loạn cho Seoul và Washington.

Liên quan vấn đề Triều Tiên, ngày 24/4, trước buổi ăn trưa với các đại sứ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng HĐBA LHQ cần phải sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trả lời báo giới, ông Trump nói: "Hiện trạng tại Triều Tiên là không thể chấp nhận được và HĐBA phải sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung mạnh mẽ hơn đối với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên".

Nhớ lại các cuộc chiến trước tại Iraq hay Afghanistan, trước mỗi cuộc chiến, Mỹ đều đổ lỗi cho HĐBA LHQ. Và lần này, dấu hiệu đã xuất hiện.

Các chuyên gia nhận định, khả năng nổ ra cuộc chiến giữa Triều Tiên và Mỹ gia tăng trong thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra là: Một cuộc chiến như vậy sẽ như thế nào và các bên có sẵn sàng cho một kịch bản đó không?

Tờ Geopolictical Futures nhận định rằng một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ phải tính đến 5 yếu tố sau: Tình báo Mỹ có thông tin chính xác về các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên hay không?

Tổng thống Donald Trump và giới hoạch định chính sách liệu có tin vào tình báo? Các loại vũ khí phi hạt nhân có đủ sức phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên? Liệu có thể đánh giá mức độ hủy diệt trên thực địa? Và cuối cùng Mỹ sẽ biện minh thế nào nếu phải dùng đến đòn tấn công bằng hạt nhân?

Nếu Mỹ mở một cuộc tấn công, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với câu hỏi: đáp trả như thế nào? Bình Nhưỡng có 2 lựa chọn. Đơn giản hơn cả là tấn công vào các công dân Mỹ ở Hàn Quốc, kể cả bắt cóc và dẫn độ về Triều Tiên. Quyết liệt hơn, Triều Tiên có thể sử dụng hỏa lực pháo binh tập trung dọc khu vực biên giới để bắn phá Seoul.

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Hải quân Mỹ được cho là sẽ cùng diễn tập với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson quanh khu vực bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Flags of Convenience.
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Hải quân Mỹ được cho là sẽ cùng diễn tập với nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson quanh khu vực bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Flags of Convenience.

Để ngăn Triều Tiên đáp trả dữ dội nhằm vào Hàn Quốc, Mỹ trước hết dùng đòn tấn công tên lửa, không kích tiêu diệt pháo binh của Triều Tiên. Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ chưa biết ý định hành động của Triều Tiên và việc chờ đợi có thể sẽ là thảm họa, vì chỉ vài tiếng chậm trễ là đủ để Triều Tiên gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc.

Nhưng liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên? Có quan điểm cho rằng Mỹ sử dụng hỏa lực mạnh, vũ khí chính xác để tấn công những căn cứ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không phải là việc khó, nhưng vấn đề phải làm rõ là địa điểm của căn cứ hạt nhân và tên lửa trong lãnh thổ Triều Tiên. Bởi, theo cách làm quen thuộc của Triều Tiên, những gì đã đưa ra công khai chưa chắc đã là thật.

Trước thực trạng đó, Mỹ và Hàn Quốc biết rất rõ cơ sở hạt nhân của Triều Tiên mà họ muốn tấn công quân sự là rất nhiều chứ không tập trung vào một địa điểm duy nhất. Khi đã tấn công mà không hiệu quả sẽ dẫn đến phải gánh chịu đòn phản kích quân sự của Triều Tiên, được không bằng mất.

Đây không phải vấn đề Mỹ làm được hay không, dám làm hay không, mà là vấn đề Mỹ có nên làm hay không mà thôi.

Xem xét từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq, nội chiến Libya, nội chiến Syria mà Mỹ can dự, có thể thấy Mỹ đều chớp thời cơ rối ren liên miên ở quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó để sử dụng vũ lực can thiệp và có mục tiêu chủ yếu là lật đổ chính quyền đương nhiệm ở những nước đó.

Hơn nữa, việc điều quân đến những nước đó thường phải có lý do. Nhìn từ quá khứ cho thấy, nếu những quốc gia trên không tồn tại vấn đề rối ren nghiêm trọng ở trong nước thì hành động tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu của Mỹ sẽ phải rất thận trọng.

Tuy nhiên, khu vực và thế giới cũng cần cảnh giác, bởi việc Mỹ có kế hoạch dời 230.000 dân khỏi bán đảo Triều Tiên là dấu hiệu mới cho thấy, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Ngày 24-4, quân đội Mỹ có kế hoạch sơ tán khẩn cấp 230.000 công dân nước này rời khỏi bán đảo Triều Tiên, trong trường hợp chiến tranh bất ngờ nổ ra.

Cuộc tập trận do Bộ Chỉ huy quân viễn chinh thứ 19 (ESC 19) ở Daegu, cách Seoul 302 km về phía nam, chỉ đạo. Đây là hoạt động sát thực tế nhất, những người tham gia được đưa rời khỏi bán đảo Triều Tiên. Lần gần đây nhất Mỹ tổ chức cuộc diễn tập sơ tán Courageous Channel là vào tháng 10-2016, ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 5.

Ngày 9-4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu rõ Triều Tiên phải xem xét bài học Mỹ tấn công quân sự đối với căn cứ của Chính phủ Syria, nhưng nếu Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa thì Mỹ có thể xem xét đối thoại với Triều Tiên. Quan điểm này được cộng đồng quốc tế giải mã là một tín hiệu thay đổi thái độ của Mỹ đối với Triều Tiên. Điều này chứng tỏ Mỹ chưa hoàn toàn từ bỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên.

Xét cho cùng, Mỹ và Triều Tiên chỉ toan tính họ giành được bao nhiêu lợi ích. Đây là căn bệnh dẫn đến tình hình Bán đảo Triều Tiên luôn trong cục diện bế tắc, khiến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng không thể đạt được.

Theo Hoa Huyền

An ninh thế giới