1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Không có đột phá

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moskva (Nga) trong hai ngày 11 và 12-4 đã không có bước đột phá nào sau khi những nỗ lực của cả hai phía bị bao phủ bởi “bóng đen” của cuộc nội chiến ở Syria.

Mối quan hệ Nga-Mỹ từng được kỳ vọng cải thiện ngay trong nhiệm kỳ đầu của ông Barack Obama với việc đưa ra tiến trình “cài đặt lại” quan hệ. Nút “cài đặt lại” đã được bấm, song cả Nga và Mỹ đều chưa có động thái nào cho thấy hai bên sẵn sàng cho tiến trình này.

Những trục trặc trong quan hệ giữa hai nước liên tục xảy ra, từ bất đồng quan điểm trong các vấn đề toàn cầu đến các “va chạm” song phương. Đã có lúc, Moskva và Washington “chạm trán” nảy lửa xung quanh khủng hoảng ở Ukraine hay cuộc chiến ở Syria khiến hai nước có lúc đã tính đến chuyện “cài đặt lại” quan hệ thêm một lần nữa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 ở Bonn (Đức) ngày 16-2. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 ở Bonn (Đức) ngày 16-2. Ảnh: EPA/TTXVN

Khi còn là ứng viên tổng thống cho đến khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Donald Trump thường xuyên cam kết sẽ tìm kiếm mối quan hệ thân thiện với Moskva, hứa sẽ tìm giải pháp hữu hiệu "phá băng" trong quan hệ hai nước.

Xứ Bạch Dương cũng hy vọng, dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ hành động chung với Nga để chống các lực lượng khủng bố ở Syria, coi đây là một điểm khởi đầu tích cực cho hợp tác giữa hai nước trong tương lai trên hồ sơ Syria cũng như trên những vấn đề khác.

Hy vọng là vậy, còn thực tế lại là câu chuyện khác.

Gần ba tháng sau khi lên cầm quyền, những lời ca tụng người đồng cấp Nga Vladimir Putin của ông Trump đã vơi dần. Sự “ngưỡng mộ” nhà lãnh đạo Nga ban đầu giờ đã được thay thế bằng thái độ “thận trọng”.

Không chỉ Tổng thống Trump, ngay cả các thành viên trong nội các Mỹ cũng có thái độ tương tự. Giọng điệu có vẻ cứng rắn hơn, được thể hiện rõ nét qua các phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong các chuyến công du châu Âu vừa qua, trên nhiều hồ sơ như cuộc xung đột tại Ukraine, cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ và châu Âu…

Đường lối cứng rắn của ông Tillerson và ông Mattis phản ánh một thực tế rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga dưới thời Tổng thống Donald Trumpsẽ “rất khó thay đổi quỹ đạo” mà những người tiền nhiệm như Obama từng theo đuổi.

Việc Lầu Năm Góc sử dụng tên lửa Tomahawk tấn công vào căn cứ quân sự của quân đội Syria ngày 7-4 với lý do “trả đũa việc nước này sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib” đã khép lại “tuần trăng mật” ngắn ngủi giữa Moskva và Washington.

Tổng thống Putin gọi vụ tấn công trên là hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt, đồng thời là “đòn giáng mạnh” vào mối quan hệ Nga-Mỹ. Còn Tổng thống Trump thì thể hiện sự thận trọng khi nói về mối quan hệ Nga-Mỹ đang xuống dốc không phanh ở thời điểm này.

Một lần nữa người ta được thấy chiến lược “cài đặt lại” quan hệ Nga-Mỹ chưa thực sự có kết quả.

Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ đã trở thành chuyến đi “bão táp” khi phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc, từ “điểm nóng” Triều Tiên, Ukraine đến an ninh mạng, từ vụ bắn tên lửa Tomahawk vào lãnh thổ Syria đến mối quan hệ song phương mà theo nhận định của Bộ Ngoại giao Nga, hiện đang "trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Điểm đáng mừng duy nhất là chuyến thăm diễn ra “rất đúng thời điểm”, là cơ hội tốt để hai nước làm rõ triển vọng hợp tác trong tương lai.

Không có gì khác so với những phát biểu cứng rắn tại cuộc họp ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra một ngày trước đó, ông Tillerson tiếp tục cáo buộc các lực lượng Chính phủ Syria đã lên kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm hàng chục người chết hôm 4-4 vừa qua, đồng thời yêu cầu Nga cần phải lựa chọn giữa việc cùng phe với các nước phương Tây hoặc hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định bất cứ nỗ lực nào nhằm lật đổ Chính phủ Syria đều chỉ có lợi cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời bày tỏ mong muốn một tiến trình chính trị sẽ diễn ra trong hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.

Cuộc đàm phán dù kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ song cũng không thể giúp hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ tìm được tiếng nói chung giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Căng thẳng Nga-Mỹ trên hồ sơ Syria chắc chắn sẽ còn kéo dài bởi Washington cảnh báo sẽ tái oanh kích nếu chính quyền Damascus mở các cuộc tấn công mới bằng vũ khí hóa học vào dân thường. Trong khi đó, Nga cũng đe dọa sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng quân sự nếu Washington “ra tay” với Damascus một lần nữa.

Điểm sáng duy nhất trong cuộc hội đàm Nga-Mỹ là việc hai bên tuyên bố rằng, giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không thể tồn tại mối quan hệ như hiện tại. Hai ngoại trưởng đã nhất trí thành lập một nhóm công tác để giải quyết những vấn đề nhỏ và giúp thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Washington và Moskva vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác chiến lược với nhau trong các mục tiêu chung như đánh bại chủ nghĩa khủng bố, tổ chức IS tự xưng, giải quyết “điểm nóng” Triều Tiên, Ukraine và một loạt vấn đề khác.

Dù không đạt được bước đột phá trong cuộc hội đàm ngày 12-4, song không vì thế mà cánh cửa đối thoại giữa Moskva và Washington hoàn toàn đóng lại. Hơn ai hết, cả Washington và Moskva đều hiểu rằng, chiến tranh sẽ không phải là giải pháp, là lối thoát cho các mâu thuẫn trong vấn đề Syria.

Bộ mặt chiến tranh luôn tàn khốc và hậu quả của nó chắc chắn sẽ làm tăng thêm đối đầu và thù hận. Việc để tồn tại những bất đồng không chỉ làm tổn hại quan hệ song phương mà còn có thể tạo tiềm ẩn đưa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh vào thế đối đầu.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân