Indonesia sẽ là “Vua vũ khí Nga” tại Đông Nam Á?
Nga đang đàm phán với quốc gia Đông Nam Á Indonesia về hàng loạt hợp đồng mua sắm vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự.
Indonesia và Nga đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự
Theo giới truyền thông, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga sẽ ồ ạt “đổ bộ” sang Indonesia tham dự Triển lãm quốc tế về vũ khí và thiết bị quân sự Indo Defence-2016, được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 11 năm 2016, tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Theo đó, nối tiếp sự thành công của thương vụ mua sắm máy bay chiến đấu Su-35, sẽ có tới hơn 20 công ty công nghiệp quốc phòng Nga sẽ giới thiệu sản phẩm của họ và thảo luận về triển vọng cung cấp vũ khí cho Indonesia tại triển lãm Indo Defence-2016,
Theo công bố của dịch vụ báo chí của Cơ quan liên bang về hợp tác quân sự-kỹ thuật, các doanh nghiệp hàng không quốc phòng Nga sẽ giới thiệu tại triển lãm mẫu máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và máy bay trực thăng do thám, chiến đấu và tấn công, trong đó có Ka-52 Aligator.
Thêm nữa, triển lãm sẽ có sự hiện diện của T-90S - loại xe tăng đình đám ở Syria trong thời gian qua; xe chiến đấu bộ binh BMP-3M; hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E, tàu ngầm diesel-điện dự án 636 và tàu hộ vệ hạng nặng thuộc dự án 11356, lớp Admiral Grigorovich.
Ngoài ra, Rosoboronexport còn kết hợp với phía Indonesia để trình diễn mẫu xe thiết giáp chiến đấu bộ binh tối tân BMP-3F, được Indonesia mua để trang bị cho thủy quân lục chiến nước mình.
Hiện nay, Nga và Indonesia đang triển khai đàm phán về thương vụ mua bán tàu ngầm thông thường chạy bằng động cơ diesel-điện lớp Varshavyanka (NATO gọi là Kilo), thuộc dự án dự án 636.
Phó giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Anatoly Punchuk hôm 21/10 vừa qua đã tuyên bố rằng, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng quan tâm đến các tàu ngầm diesel-điện dự án 636 Varshavyanka.
Hiện nay, giới chức lãnh đạo quan sự Nga đang làm việc với phía Indonesia về khả năng cung cấp tàu ngầm này - ông Punchuk nói và cho biết thêm, Nga hiện đang tiến hành quá trình đàm phán bổ sung với các đối tác, kể cả thảo luận các chi tiết kỹ thuật của sự hợp tác.
Song song với đó, hai bên cũng đang thảo luận những chi tiết cuối cùng về hợp đồng mua bán và triển khai sản xuất tại Indonesia loại máy bay chiến đấu tối tân thế hệ 4++ của Nga là Su-35. Điều này sẽ biến Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được chuyển giao công nghệ Su-35.
Sự tăng cường những chiến đấu cơ hiện đại cho Indonesia để thay thế những chiếc F-5 cũ kỹ của Mỹ đã tiếp nối truyền thống sử dụng máy bay chiến đấu Nga của Indonesia. Hiện không quân nước này đang sử dụng vài chục chiếc chiến đấu cơ dòng Su-27 và Su-30 của Nga.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Moscow và Jakarta không chỉ có vậy. Trong tương lai hai bên sẽ triển khai nhiều kế hoạch hợp tác kỹ thuật quân sự rất lớn, biến quốc gia Đông Nam Á này cùng với Việt Nam trở thành một đối tác hợp tác kỹ thuật quân sự rất lớn của Nga.
Hồi tháng 8 vừa qua, Đại sứ Indonesia tại Nga, ông Vahid Supriyadi nói rằng, quá trình thương lượng đang được đẩy nhanh và Indonesia hy vọng sẽ ký kết hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga trước khi kết thúc năm nay.
Đại sứ Vahid Supriyadi cho biết, giai đoạn đầu tiên của sự hợp tác trong lĩnh vực này, không quân Indonesia sẽ mua 8 chiếc máy bay Su-35 chế tạo tại Nga; giai đoạn 2 là hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất Su-35 để nâng tầm ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Tuy nhiên, ông không cho biết là nước này sẽ sản xuất bao nhiều chiếc Su-35 nhưng theo luật của Indonesia, để nước này đồng ý mua Su-35, Nga sẽ phải chuyển giao ít nhất 35% công nghệ.
Ngoài ra, giới truyền thông còn tiết lộ rằng, Moscow có thể đã đề nghị với Jarkata một kế hoạch hợp tác quốc phòng, với ngân sách lên tới 3,1 tỷ USD.
Đại sứ Indonesia lưu ý rằng, quan hệ Nga-Indonesia đang phát triển trong nhiều lĩnh vực. Trước đó, một phái đoàn Indonesia đã đến Nga để thảo luận toàn diện các vấn đề đã được hai bên thống nhất trong Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Đại sứ Supriyadi nhấn mạnh rằng, tài liệu không chỉ đề cập tới việc mua máy bay, tàu ngầm mà còn hướng tới sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, công tác trao đổi thông tin tình báo.
Trong thời gian qua, Nga đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến hợp tác kỹ thuật quân sự với các quốc gia ASEAN. Moscow cũng đã công bố ý định xây trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay Liên Xô/Nga ở Thái Lan, phục vụ cho tất cả các nước Đông Nam Á.
Nga đã từng bày tỏ ý định đặt trạm GLONASS Việt Nam từ năm 2014
Tuy nhiên, với việc Jarkata đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ chế tạo Su-35, rất có thể Moscow sẽ thay đổi ý định, chuyển trung tâm sửa chữa bảo dưỡng máy bay ở Thái Lan về Indonesia để tạo thuận lợi cho việc triển khai dây chuyền sản xuất Su-35 ở đây.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa phải là việc Indonesia mua tàu ngầm Kilo hay chế tạo Su-35 mà nằm ở chỗ, Indonesia sẽ trở thành địa điểm đặt trạm vệ tinh GLONASS của Nga, vốn trước đây được giới chức lãnh đạo quân sự Nga cho là ở Việt Nam.
Truyền thông Nga cho biết, để tăng độ chính xác và chất lượng của việc xác định tọa độ các mục tiêu mặt đất, trước đây giới chức Nga đã tiến hành đàm phán về việc bố trí các trung tâm định vị GLONASS trên lãnh thổ của 5 nước Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Việt Nam và Ai Cập.
Việc Nga đặt trạm mặt đất của GLONASS vào Việt Nam sẽ trợ giúp chúng ta rất nhiều về phát triển kinh tế và nâng cao các tiện ích trong cuộc sống. Hơn nữa, nó còn có vai trò rất quan trọng trong điều khiển vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh mà từ trước đến nay chúng ta chưa có.
Tuy nhiên, vào hồi tháng 5 năm nay, truyền thông Nga đưa tin rằng, tại hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN được tổ chức tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen vào ngày 19 - 20/5, Nga đã tiến hành đàm phán về việc triển khai các trạm GLONASS ở Indonesia.
Với tốc độ hợp tác như hiện nay và những dự án lớn mà hai nước đang triển khai, Indonesia có thể sẽ trở thành một trung tâm kỹ thuật quân sự mới của Nga ở Đông Nam Á.
Theo Thiên Nam
Báo Đất Việt