1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hậu TPP và Xoay trục, Mỹ sẽ làm gì ở châu Á?

Dường như Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Mỹ và châu Á hậu TPP.

Ngày 23/1, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông cũng đặt dấu chấm hết cho chiến lược “Xoay trục" sang châu Á từng được người tiền nhiệm Barack Obama dày công xây dựng.

Hậu TPP và Xoay trục, Mỹ sẽ làm gì ở châu Á? - 1

Ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 23/1.

Khoảng trống hậu TPP

Tuy nhiên, ngoài việc “kết liễu” TPP, ông Trump cũng chưa đưa ra được phương án thay thế cho hiệp định đầy tham vọng này, khi mà phương châm “Nước Mỹ trước tiên” vẫn chỉ là một câu nói, thay vì những tầm nhìn và hành động cụ thể để thiết lập mối quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, ông Trump đã chuyển trọng tâm từ vấn đề hợp tác kinh tế ở châu Á sang vấn đề an ninh, cụ thể là những mối đe dọa từ Triều Tiên. Ông Trump còn từng nói rằng, Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận kinh tế tốt hơn với Washington nếu siêu cường này thay đổi quan điểm về bán đảo Triều Tiên.

Do đó, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở Washington ngày 4/5 là một cơ hội tốt để chính quyền Mỹ thể hiện rõ ràng hơn các quan điểm của mình.

Dù cho chỉ có 4 nước ASEAN là thành viên của TPP - Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam - nhưng một số nước khác, bao gồm Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng bày tỏ mong muốn làm thành viên vì nền kinh tế của họ phù hợp các tiêu chuẩn của TPP.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các nước tham gia TPP ở khu vực Đông Nam Á đang cố gắng tìm kiếm cơ hội hợp tác khác với các đối tác lớn như Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản và Canada gần đây đã bày tỏ mong muốn biến TPP thành hiện thực mà không có Mỹ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Heritage tại Washington, Walter Lohman cho rằng dường như những nước này vẫn rất mong chờ vào một “Kế hoạch B” của Mỹ. Ông cũng tin rằng chính quyền Trump cần nắm bắt cơ hội này để thể hiện Mỹ vẫn mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực.

Các nước ASEAN khó chờ đợi

Tuy nhiên, khó có thể biết được liệu giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có đưa ra một cái nhìn khái quát về một chiến lược châu Á tổng thể của Mỹ dưới thời ông Trump hay không.

Theo các chuyên gia, ông Tillerson cần nhớ rằng dù hợp tác với Mỹ là mối quan hệ nhiều quốc gia châu Á luôn mong muốn, Mỹ không còn là nước duy nhất có khả năng lãnh đạo trong khu vực. Nếu như Mỹ không tận dụng cơ hội này để làm rõ lập trường của mình về vấn đề hợp tác kinh tế tại châu Á, nhiều khả năng Washington sẽ đánh mất dần tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực vào tay Bắc Kinh.

Hậu TPP và Xoay trục, Mỹ sẽ làm gì ở châu Á? - 2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington ngày 20/4. (Nguồn: ĐSQ)

Tuy các quốc gia nhỏ hơn ở khu vực đang thận trọng với Trung Quốc, họ vẫn tiếp tục xem xét hợp tác kinh tế với siêu cường châu Á này. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ rời khỏi TPP, nhiều nước châu Á xem Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc lãnh đạo là lựa chọn tối ưu trong khu vực.

Bên cạnh đó, ngay cả TPP, hiệp định mà nhiều người tưởng sẽ dần bị quên lãng sau khi bị Mỹ chối bỏ, có thể sẽ hồi sinh. Trong tuần này, Canada đang đàm phán với các đối tác để xem 11 nước còn lại của TPP có thể tiếp tục hay không. Bên cạnh đó, Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất còn lại trong 11 nước của khối, dường như cũng muốn duy trì thỏa thuận này.

Cuối cùng, dù cho chính quyền của ông Trump có thể đưa ra một chính sách châu Á toàn diện để thay thế chiến lược “Xoay trục" của người tiền nhiệm, chiến lược này cũng có thể tốn rất nhiều thời gian để định hình và phát huy hiệu quả, đặc biệt là với những nước nhỏ trong khối ASEAN. Những quá trình đàm phán song phương phức tạp và rắc rối nhiều khả năng có thể khiến các quốc gia này khó có thể chờ đợi.

Theo CS Monitor

Thế giới và Việt Nam