1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hậu duệ họ Lý về với Trường Sa

"Tôi không nghĩ đây là chuyến tham quan hay đi du lịch Trường Sa, mà là một chuyến đi để tìm hiểu thực tế ở Trường Sa. Sau khi trở về tôi sẽ truyền tải thông tin đúng và đầy đủ cho người Hàn Quốc, để hai chữ Việt Nam thêm lan tỏa ở đất nước Hàn Quốc”...

Đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc (ông Lý Thừa Vĩnh, thứ ba từ trái sang và ông Trần Hải Linh, thứ ba từ phải sang) trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc (ông Lý Thừa Vĩnh, thứ ba từ trái sang và ông Trần Hải Linh, thứ ba từ phải sang) trên quần đảo Trường Sa.

... Ông Lý Thừa Vĩnh (Lee Soung Young), Chủ tịch Hội hậu duệ thứ 28 của dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc chia sẻ như vậy khi tham gia hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK mới đây. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức.

“Hoàng tử Việt Nam” về Trường Sa

Ông Lý Thừa Vĩnh có thể lẫn trong hơn 200 thành viên người Việt tham gia chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK lần này khi vóc dáng của ông rất Việt. Thế nhưng, ông luôn nổi bật với chiếc áo phông đỏ có in hình ngôi sao vàng trước ngực, sau lưng là tấm bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là chiếc mũ quấn dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”.

Ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ, ngay từ khi đi học ông đã biết có sự tồn tại của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng hầu như không quan tâm lắm. Đến khi cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có những cuộc đấu tranh, biểu tình ôn hòa phản đối sự xâm chiếm trái phép tại quần đảo Trường Sa, ông mới bắt đầu quan tâm, hỏi thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và xem thông tin trên Internet để hiểu hơn về tình hình biển đảo ở quê hương.

Ông Vĩnh tâm sự, từ lâu nhiều người bạn Hàn Quốc vẫn gọi ông là “Hoàng tử Việt Nam” vì họ biết ông là con cháu Hoàng tử Lý Long Tường. Vì thế bạn bè ông mỗi khi xem truyền hình Hàn Quốc có thông tin liên quan đến Việt Nam đều gọi điện cho ông và nói “thông tin về Việt Nam nhà ông đấy”.

Tranh thủ ghi lại những hình ảnh chiến sĩ canh gác trên đảo Nam Yết, ông Vĩnh xúc động nói: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia chuyến đi ý nghĩa này. Lẽ ra tôi đã về Đền Đô - Bắc Ninh để tham gia giỗ tổ dòng họ Lý, nhưng tôi quyết định đi Trường Sa bởi từ sâu thẳm trong tôi, hai chữ này luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Là người con mang dòng máu Việt, tôi tham gia chuyến đi để có cơ hội được khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tôi muốn có những hình ảnh cụ thể, chân thực nhất để chia sẻ với các bạn Hàn Quốc về vấn đề này”.

Ông Lý Thừa Vĩnh cho biết, cách đây 22 năm ông cùng những người trong họ đã về Bắc Ninh làm lễ cúng tổ tiên nhận họ. Ông nói đó là một niềm vinh dự khi người ta tìm được nguồn cội của mình cũng là lúc họ sống có gốc gác, có hiện tại và có mục tiêu cho ngày mai.

“Trong một xã hội khá khép kín như Hàn Quốc trước đây, việc tự nhận là một người gốc Việt không phải là một điều dễ dàng. Từ sự lạ lẫm đến quen thuộc, bây giờ ai cũng tỏ ra thú vị với gốc gác Việt của tôi”, ông Lý Thừa Vĩnh kể.

Trong cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam do Hội người Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức tại Seoul năm 2015, ông Lý Thừa Vĩnh là một “gương mặt thân quen”. Một số tờ báo Hàn Quốc hỏi ông tại sao tham gia các cuộc biểu tình đó, ông khẳng khái trả lời rằng ông là người Việt Nam nên có nghĩa vụ tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa.

Cũng từ dịp đó, nhiều người Hàn Quốc biết ông nhiều hơn, phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam càng có thêm tiếng nói ủng hộ từ xứ sở kim chi.

Làm nhiều hơn cho đất nước

Trong hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK lần này, ông Lý Thừa Vĩnh cũng như các thành viên trong đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc đã để lại nhiều tình cảm với các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau chuyến đi đầu tiên vào năm ngoái, năm nay anh Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như các thành viên trong Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc rất cẩn thận trong việc lựa chọn những món quà thiết thực với tổng trị giá 28 nghìn USD để dành tặng các chiến sĩ trên đảo.

Giữa cái nắng chói chang trên đảo Cô Lin, anh Linh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu Hàn Quốc tranh thủ thời gian để lắp đặt một bộ máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt; một máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và một giàn trồng rau thủy canh hồi lưu.

Mồ hôi ướt đầm trên áo, anh Linh vừa lắp máy vừa chia sẻ về ý tưởng trao tặng những món quà này: “Qua chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK trong Đoàn công tác số 6 năm 2015, chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống thực tế của cán bộ chiến sỹ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, trong đó có 2 vấn đề quan tâm là nước ngọt và rau xanh. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Đây là thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh, nước được nối với bộ phận làm mát và làm nóng để đầu ra có thể là nước lạnh mát 5 độ C hoặc nước nóng 85 độ C và kết cấu chung của máy giống như các máy lọc nước hiện đại khác mà các nước phát triển đang sử dụng. Quy mô 1 máy có thể cho ra 20 lít nước ngọt/ngày ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như những đảo của ta ở Trường Sa và Nhà giàn DK. Tôi thiết nghĩ 20 lít nước này sẽ góp thêm một phần quan trọng vào khẩu phần nước ngọt hiện còn thiếu thốn trên các đảo chìm và nhà giàn DK. Nguồn này có thể giúp cán bộ chiến sỹ dùng để nuôi trồng thêm rau xanh hàng ngày”.

“Tôi thật cảm phục với những gì mà các bạn trẻ Việt Nam xa nhà luôn đau đáu tìm cách đóng góp cho Trường Sa. Chuyến đi này thúc giục tôi cần phải làm nhiều hơn cho đất nước”, ông Lý Thừa Vĩnh nói.

Ông Lý Thừa Vĩnh cho biết sau chuyến đi này, ngoài việc kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở Trường Sa cho các thành viên trong dòng họ, gia tộc, ông còn phối hợp với Hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc lên kế hoạch các dự án truyền thông về Hoàng Sa, Trường Sa, để vấn đề bảo vệ chủ quyền lan tỏa hơn không chỉ với người Việt mà càng nhiều người Hàn sát cánh với người Việt càng tốt.

“Những việc này với tôi không phải là do ai kêu gọi hay thúc giục gì cả. Tôi là người Việt thì những việc đó là chuyện từ trái tim, để không thẹn với tổ tiên khi nói rằng mình là hậu duệ của dòng họ Lý”, ông nhấn mạnh.

Theo Tuấn Minh

Đại đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm