1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Góc nhìn báo giới nước ngoài về Chiến thắng 30/4/1975

“Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tại Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ”.

“Sự sụp đổ cuối cùng của miền Nam đến quá nhanh, không ai có thể hình dung được”; Việt Nam “kiên cường, anh dũng”; chiến thắng “rung động địa cầu”… là những bình luận của các nhà báo quốc tế đối với ngày kỷ niệm 30/4/1975 của Việt Nam.
 
Lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn chào mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố. (
Lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn chào mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh tư liệu)

Mỹ lần đầu thất bại

“Nếu phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”, nhà sử học Nigl Cawthorne nhận xét.

Tờ Thời báo New York còn dẫn tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc, về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang, do luật sư Danien phát hiện. Điều này khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo và vô nghĩa.

Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”. Báo Mặt trời Baltimore viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn – Gia Định”.

Phóng viên hãng UPI đã mô tả: “Quân đội Cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô vang với những người đứng bên đường các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của chính quyền Sài Gòn trước những người cộng sản”.

Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975. (
Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Hãng tin Pháp AFP bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Chiến sự Sài Gòn - Gia Định kết thúc. Sự kiện này ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”. Tất cả những thông tin được đăng tải rộng rãi tại Sài Gòn, Mỹ và một số nước phương Tây đã làm cho giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lúng túng, tức tối vì bị lên án mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, sau gần 30 năm im lặng đã phải tự dằn vặt rằng: “Những người cộng sự của tôi trong chính quyền John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson là một nhóm người đặc biệt… Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại mắc sai lầm như vậy?”.

Chiến thắng “rung động địa cầu”

Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, hãng tin Pháp AFP viết “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, ‘dư chấn’ rung động địa cầu”.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện 30/4, AFP của Pháp và AP của Mỹ và nhiều hãng tin khác tham gia một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Việt Nam, 35 năm sau”. Hãng AFP đánh giá: “không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần”. Rằng đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự, cho dù là bên thắng cuộc.

Xe tăng quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu:
Xe tăng quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu: Hứa Kiểm/TTXVN)

Ông Alain Rusco nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, cho rằng, sự kiện 30/4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.

Sự kiện 30/4/1975 có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Ông Rusco cũng có bài viết, để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt. Gần như gia đình người Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát, cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại này.

Tờ Pasason, tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 29/4/2010, đã có bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường và anh dũng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, tạo ra Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy tháng 5/1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tạo bước ngoặt lịch sử

Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ NewYork Times ngày 1/5/1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền ngụy và chiến thắng của các lực lượng cách mạng. Theo bài viết, ngày 30/4/1975 là ngày “lịch sử của thế giới”.

Cũng trong số ra ngày 1/5/1975, hãng tin AP đăng một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của Quân Giải phóng tiến nhanh vào Dinh Tổng thống. Cũng trong thời gian này tướng trung lập, Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.

Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.

Đánh dấu kỷ niệm 30 năm Việt Nam thống nhất, tờ Washington Time ra đặc san về Việt Nam, trong đó nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trên đường đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc san đem đến cho độc giả những thông tin chân thực và sinh động về đất nước, con người và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam

Hãng tin Reuters danh tiếng của Anh cũng đã có bài viết lớn và liên tục cập nhật về cuộc chiến Việt Nam vào giờ phút bước ngoặt đó. Một nhà báo Reuters có mặt tại Sài Gòn 30/4/1975 viết: “Là phóng viên có mặt tại Phủ Tổng thống, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ ngụy rơi xuống đất, rồi vượt qua.

Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến vào theo. Bộ đội Chính phủ Cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên nóc mái nhà”.

“Vinh quang và thiện ý”

Mặc dù chiến tranh Việt Nam qua đi hàng thập kỷ, nhưng “dư chấn” về cuộc chiến tranh này vẫn được báo chí Nhật nhắc đến với sự khâm phục, kính nể. Mở đầu, tờ Asahi Shimbun số ra ngày 1/5/2000 có bài xã luận mang tính thời sự: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.

Theo bài báo: “Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giành được nhiều thành tựu rất đáng tự hào”. Báo này dẫn chứng, năm 2000, Tổng thống B.Clinton sang thăm Việt Nam và sau đó Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chuyến công du Mỹ.

Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng (
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu)

Năm 2006, tờ Asahi Shimbun số ra ngày 29/4 có bài viết “Việt Nam: Vinh quang và thiện ý”, tái hiện lại chiến tranh qua lời kể của các nhân chứng, những người đã trực tiếp tham gia trong cuộc chiến ở cả hai chiến tuyến.

Trong đó có đoạn văn cảm động nói về sự nhân đạo của một nữ du kích Việt Nam: “Tháng 4/1966, tại khu vực Củ Chi, nữ du kích mới 18 tuổi, phát hiện một nhóm lính Mỹ lọt vào bãi mìn của quân giải phóng. Nữ du kích này tận mắt chứng kiến cảnh lính Mỹ ngồi ngay trên bãi mìn đọc thư nhà, xem ảnh người thân và khóc, chị không nỡ nhấn nút phát hỏa. Toán lính Mỹ thoát chết mà không hề hay biết nữ du kích này đã không nỡ giết họ”.

30 năm sau, tờ Nikkei, ấn phẩm chuyên đề kinh tế lớn nhất Nhật Bản số ra ngày 28/4 đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, kèm theo bình luận: “Việt Nam sau 30 năm chiến tranh”. Bài báo nhấn mạnh: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Dương”.

Thắng lợi trường tồn

Cũng trong năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, tờ People Daily - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 30/4 có bài bình luận dài về “Thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách” của chúng ta. Tờ báo nhấn mạnh, ngày 30/4 là ngày lễ lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là ngày đáng được những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới kỷ niệm.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã số ra cùng ngày dành gần hết trang quốc tế cho chủ đề về chiến thắng 30/4 và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Giật tít: “30 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh người cựu chiến binh Việt Nam”, báo này đăng hai bức ảnh chụp hai cựu chiến binh Việt Nam ngực đầy huân chương, được nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trân trọng tặng hoa.

Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Thời thế đã đổi thay, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lại, hội nhập và phát triển. Chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn là niềm tự hào, là động lực để nhân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường vinh quang và hạnh phúc./.

Theo Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm