1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã phong cách ngoại giao ấn tượng của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Khác với phong cách có phần cứng rắn và nghiêm túc trong những bài phát biểu hay trong các tuyên bố, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến phái đoàn Hàn Quốc sang Bình Nhưỡng ấn tượng với sự tiếp đãi thân thiện, cũng như kỹ năng ngoại giao của ông.

Ông Kim Jong-un tươi cười khi nắm tay ông Chung Eui-yong - trưởng phái đoàn quan chức Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA)
Ông Kim Jong-un tươi cười khi nắm tay ông Chung Eui-yong - trưởng phái đoàn quan chức Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA)

Kể từ khi chính thức nhậm chức, ông Kim Jong-un được cho là chưa bao giờ công du nước ngoài. Cho đến tuần này, ông dường như mới chỉ tiếp đón các quan chức từ Trung Quốc, Cuba, Syria cùng cựu sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman. Vì vậy, khi phái đoàn Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng, họ chưa thể hình dung được về cách nhà lãnh đạo 34 tuổi này sẽ tiếp đãi họ.

Tuy nhiên, họ đã thực sự bất ngờ với sự thân thiện cũng như các phong cách đầy “táo bạo và tích cực” của ông Kim trong suốt 4 giờ đồng hồ trao đổi hôm 5/3. Họ khá ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Triều Tiên không những chấp nhận cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ như một sự thật mà còn bày tỏ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Washington về vấn đề hạt nhân. Ông Kim nói rằng ông sẽ tạm dừng mọi hoạt động thử vũ khí và tên lửa khi những cuộc đàm phán diễn ra. Thực tế là mới chỉ vài tháng trước, Triều Tiên và Mỹ còn thể hiện quan điểm rất gay gắt và nghiêm trọng về các vấn đề kể trên.

New York Times cho rằng đây là “màn ra mắt ấn tượng với giới ngoại giao” của ông Kim Jong-un. Buổi tiếp đãi các quan chức Hàn Quốc đã thể hiện một khía cạnh rất khác của Triều Tiên so với quan niệm trước đây của phương Tây.

Lần đầu tiên, các quan chức Hàn Quốc được mời vào trụ sở đảng Lao động Triều Tiên và ngồi đối diện với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju được giới thiệu với các quan khách tham gia buổi hội đàm. Sau các hoạt động bàn bạc và ăn tối, ông Kim được cho là đã tiễn chân các vị khách, cười với họ và vẫy tay chào tạm biệt.

Theo ông Kim Sung-han, cựu Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, ông Kim Jong-un là “một người không dễ để đối phó. Ông ấy liều lĩnh nhưng lại rất quan tâm tới tiểu tiết. Ông ấy là người tham vọng và có khát khao giành chiến thắng”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju đã tổ chức bữa tiệc tối mời phái đoàn cấp cao Hàn Quốc. (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju đã tổ chức bữa tiệc tối mời phái đoàn cấp cao Hàn Quốc. (Ảnh: KCNA)

Hình ảnh “nhà ngoại giao” của ông Kim lần đầu được tiết lộ trước công chúng trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018 phát trên truyền hình Triều Tiên. Khi đó, ông đã gợi ý tới việc làm ấm mối quan hệ với láng giềng Hàn Quốc. Bước đi đó đã vô cùng thành công và là nền tảng cho hàng loạt những động thái sau này, trong đó bao gồm chuyến thăm của phái đoàn Seoul tới Bình Nhưỡng. Vào cuối tháng 4, dự kiến nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ lên đường đi sang phía bên kia biên giới để tham gia Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Bill Richardson, phái viên ngoại giao kỳ cựu của Mỹ liên quan tới các vấn đề Triều Tiên nhận định chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc đã cho thế giới cái nhìn khác về ông Kim. “Tôi phải nói rằng ông Kim đã bị đánh giá thấp. Ông ấy dường như là một nhà hoạch định chiến lược với kế hoạch bài bản. Ông ấy đang thiết lập những chương trình nghị sự vì mục tiêu xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên điều ông Richardson băn khoăn là những nghi kị rằng liệu sự mềm mỏng của ông Kim có ẩn chứa kế hoạch gì đằng sau hay không. Thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng việc ông Kim bất ngờ “dịu giọng” về các vấn đề căng thẳng từ trước tới nay có thể là bước đi nhằm “câu giờ” và củng cố hệ thống tài chính nhằm hoàn thiện tham vọng hạt nhân.

Tuy nhiên, chuyên gia Koh Yu-hwan từ đại học Dongguk, Hàn Quốc lại cho rằng sự tự tin của ông Kim với Washington và Seoul là có cơ sở, vì Triều Tiên dường như đã sở hữu những vũ khí có sức răn đe các bên. Ông Koh cho rằng nếu để ý tới tình hình bán đảo Triều Tiên vài tháng qua, có thể thấy ông Kim nắm thể chủ động trong những quyết định quan trọng, có tính bước ngoặt trong tình hình khu vực.

Đức Hoàng

Theo New York Times