F-35 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc lên bàn cân
Trung Quốc đang phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến J-20 nhưng chi phí chế tạo được cho là thấp hơn chi phí xây dựng tiêm kích hiện đại F-35 (mệnh danh “Tia chớp”) của Mỹ.
Dưới đây là phần so sánh ngắn gọn hai thế hệ máy bay chiến đấu tối tân nhất của Mỹ và Trung Quốc, đăng tải trên báo South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) hôm 10-2.
Thời điểm F-35 và J-20 ra mắt
Chuyến bay đầu tiên của F-35 diễn ra vào ngày 15-12-2006. Một thập kỷ sau, vào ngày 2-8-2016, không quân Mỹ thông báo phi đội tiêm kích F-35A đầu tiên đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm này được thiết kế để tiến hành các cuộc tấn công mặt đất và phòng không.
Còn máy bay chiến đấu tàng hình J-20 được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2011. Nó đã thực hiện chuyến bay công khai đầu tiên tại một buổi triển lãm hàng không ở TP Chu Hải vào tháng 11 năm ngoái.
Khả năng tàng hình và thông số kỹ thuật
F-35 là loại tiêm kích đa chức năng có khả năng tàng hình trong mọi điều kiện thời tiết. Theo quan chức không quân Mỹ Mark Shackelford, máy bay này được chế tạo để trở thành "sát thủ tên lửa đất đối không, được trang bị công nghệ xử lý tiên tiến, radar tổng hợp và nhận diện mục tiêu cao cấp".
Tập đoàn Lockheed Martin khẳng định F-35 sở hữu khả năng không đối không tầm xa ưu việt, hơn cả máy bay tiêm kích chiến thuật F-22.
Trong khi đó, J-20 là loại máy bay 1 chỗ ngồi với 2 động cơ. Thân máy bay vừa dài vừa rộng để chứa vũ khí (bao gồm 2 hệ thống tên lửa tầm ngắn, 1 hệ thống tên lửa không đối không tầm xa và súng không đối đất).
Một chiếc F-35A. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chuyên gia nghiên cứu về không chiến tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh, Justin Bronk, hồi tháng 11 năm ngoái cho biết so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ, J-20 có tầm bay xa hơn, chứa được nhiều nhiên liệu cũng như vũ khí hơn. Các thông số khác chưa được quân đội Trung Quốc công bố.
Điểm yếu về tàng hình
Một trong những tính năng chủ chốt của F-35 là tàng hình. Nó được thiết kế và được làm bằng vật liệu tránh radar, bền hơn và ít phải bảo dưỡng hơn những thế hệ tiền nhiệm.
Tuy nhiên, giống như các máy bay chiến đấu tàng hình khác, F-35 vẫn dễ bị phát hiện bởi radar tần số thấp như radar của các cơ quan hàng không dân dụng. May mắn là radar tần số thấp không cung cấp đủ toạ độ cho tên lửa dẫn đường nên nguy cơ F-35 bị tấn công cũng được giảm thiểu.
Còn phần mũi và vòm che buồng lái của J-20 giống như của chiếc F-22. Theo báo cáo sơ bộ của Công ty nghiên cứu quốc phòng Air Power Australia, khả năng tàng hình của J-20 mạnh ở phía trước nhưng các mặt bên có nguy cơ làm cho nó dễ bị radar phát hiện.
Giá cả
F-35 có 3 phiên bản, trong đó F-35A là rẻ nhất với chi phí chế tạo khoảng 98 triệu USD mỗi chiếc (chưa bao gồm động cơ) và sẽ giảm xuống còn 85 triệu USD mỗi chiếc khi đưa vào sản xuất hàng loạt, đầy đủ các bộ phận.
Gần đây, Lầu Năm Góc cho biết họ cần thêm 500 triệu USD để hoàn tất chương trình F-35. Quá trình chuyển giao F-35 cho quân đội Mỹ dự kiến hoàn thành vào năm 2037 và phục vụ cho đến năm 2070.
J-20 tại một buổi triển lãm hàng không ở TP Chu Hải vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Tân Hoa Xã
Về J-20, nhà quan sát quân sự từng làm việc cho một chi nhánh của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc, Zhou Chenming, tính toán rằng giá của vũ khí quân sự do Trung Quốc tự phát triển thường bằng 1/5 – 1/3 giá của một vũ khí tương tự của Mỹ.
"Chiếc J-20 tương đương với chiếc F-22" - ông Zhou nói. "Chi phí mỗi chiếc F-22 là 150 triệu USD, theo dự toán ngân sách của không quân Mỹ năm 2011. Điều này cho thấy giá một chiếc J-20 sẽ dao động từ 30-50 triệu USD mỗi chiếc".
Ý nghĩa chiến lược
Chương trình F-35 được xem như một công cụ ngoại giao để tăng cường mạng lưới an ninh của Mỹ. Lấy ví dụ, Israel đã đặt hàng 33 chiếc F-35 với chi phí hơn 5,5 tỉ USD và Tel Aviv quyết định tăng số lượng máy bay đặt hàng lên 50 chiếc.
Phó Chủ tịch Lockheed Martin Orlando Carvalho hồi tháng 6-2014 cho hay F-35 được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cùng các đối tác quốc tế.
Trong khi đó, J-20 không dành cho xuất khẩu. Vì không được bán ra trên thị trường toàn cầu nên nó sẽ không giúp thúc đẩy mối quan hệ an ninh giữa Trung Quốc và các nước khác.
Nhưng loại máy bay này là một cột mốc quan trọng phản ánh nỗ lực không ngừng của Trung Quốc trong việc phát triển những công nghệ quân sự tiên tiến hơn.
Theo Phạm Nghĩa
Người lao động