Dựng pháo đài sát biên giới Nga: Kiev dùng chiêu cũ
''Biên giới khu vực phía đông giáp với Nga phải trở thành một pháo đài không ai có thể vượt qua''
Theo Sputnik, trong một tuyên bố gửi tới Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 28/5, ông Oleksander Turchinov - người đứng đầu cơ quan trên cho biết:
Biên giới của Ukraine với EU nên thuận tiện, đáng tin cậy và được trang bị phù hợp với tiêu chuẩn phương Tây, trong khi biên giới khu vực phía đông giáp với Nga phải trở thành ''một pháo đài không ai có thể vượt qua''.
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Ukraine lên tiếng bày tỏ tham vọng xây ''hàng rào lớn'' dọc biên giới với Nga.
Trước đó, cựu Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã bắt tay xây dựng một ''bức tường'' dọc biên giới phía đông đất nước nhằm xây hệ thống công sự bảo vệ khu vực biên giới quốc gia. Đường biên giới giữa Ukraine và Nga có chiều dài lên tới 2.295 km.
Theo các phương tiện truyền thông, khu vực biên giới sẽ được trang bị các hào chống tăng, tháp canh cao 17 m, các phương tiện giám sát, báo động và phá hủy (mục tiêu) cũng như các điểm hỗ trợ đặc biệt cho lực lượng biên phòng. ''Bức tường'' ngăn dự kiến được xây dựng trong 3 năm.
Lực bất tòng tâm
Trong suốt nhiệm kỳ của ông Yatsenyuk, hàng rào biên giới miền Đông trở thành một trong những dự án lớn nhất của chính phủ Ukraine, với dự trù chi phí lên tới 500 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Ukraine tuyên bố điều chỉnh ngân sách cho bức tường trên đất liền từ 500 triệu USD xuống còn 200 triệu USD.
Tháng 11/2014, cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Yury Biryukov đã phải thừa nhận rằng, hàng rào ngăn cách mà Kiev muốn đơn phương dựng lên dọc theo biên giới với Nga sẽ chỉ được thiết kế sơ sài vì không có đủ kinh phí xây dựng.
''Kiev không có đủ ngân sách để thực hiện dự án xây bức tường biên giới với Nga, do vậy tường ngăn cách sẽ chỉ được thiết kế khá thô sơ và không đúng như dự kiến ban đầu...
Trên thực tế có thể xây dựng bất cứ thứ gì song chúng tôi không đủ tiền. Sẽ cần nhiều tiền để đầu tư rất lớn cho việc xây dựng tất cả tuyến đường biên ấy'', ông Yury Biryukov nói.
Cuối cùng, dự án đổ bể sau khi dính vào vụ bê bối thâm hụt tiền xây hàng rào. Hơn thế nữa, khu vực mà bức tường được thiết kế hoàn thành đơn giản chỉ là hàng rào kim loại đơn thuần. Thậm chí chúng còn không được bảo vệ thường xuyên nên bị cỏ dại mọc trùm lên.
Hồi đầu năm 2017, quan chức tại vùng Kharkov (nơi dự án bức tường cũng dự định được tiến hành xây dựng) thông báo tiến trình dự án cũng đang phải tạm hoãn do không có kinh phí.
Trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine đang hết sức trì trệ và khó khăn, Kiev lại tiếp tục theo đuổi những mục tiêu mà bản thân nước này không đủ khả năng để thực hiện nó. Phương án mà ông Oleksander Turchinov đưa ra để có thể hoàn thành một bức tường theo đúng nghĩa chỉ có thể dừng lại ở mức ý tưởng.
Giới phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Poroshenko đang tỏ ra bế tắc trong việc giải quyết những bất đồng trong mối quan hệ với Moscow. Việc dựng một ''bức tường'' ngăn cách chỉ đơn giản là một cách để gây thêm sự chú ý, qua đó giành thêm được sự hỗ trợ ''nhỏ giọt'' từ phương Tây.
Ngoài dự án bước tường ngăn cách trên bộ, Ukraine còn nung nấu dự án ''bức tường trên biển'' với Moskva nhằm bảo vệ cảng Mariupol ở biển Azov và nằm gần đuôi của bức tường trên đất liền.
''Dự án bức tường trên biển, vốn đã được chấp thuận bởi chính phủ Ukraine, sẽ bao gồm cả một số biện pháp củng cố khu vực duyên hải khi bị tấn công bởi hải quân nước khác. Điều này sẽ khiến đối phương tiến quân chậm hơn và đủ thời gian cho nhiều lực lượng quân đội Ukraine đến hỗ trợ. Nó sẽ được xây dọc theo bờ biển Azov'', người đại diện lực lượng bảo vệ biên giới Ukraine, ông Oleh Slobodyan cho hay.
Dự án bức tường trên biển được lên kế hoạch sau dự án bức tường trên đất liền. Tuy nhiên vấn đề chính trong những dự định của chính quyền Kiev là tài chính.
Việc không chủ động được nguồn vốn đã khiến những tuyên bố của Ukraine về bức tường ngăn cách khó có thể thực hiện được.
Theo Thu Trang
Đất Việt