1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự án chung với Trung Quốc: Lời cảnh báo cho Philippines

Philippines có kế hoạch ký thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc ở vùng biển của nước này trên biển Đông trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm nay.

Trong cuộc họp báo ngày 9-8, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho hay: "Hiện chưa có thời gian cụ thể nhưng vì chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập, việc ký kết sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ đây đến đó". Theo trang Philippine Daily Inquirer (Philippines), ông Roque khẳng định trong trường hợp thực hiện thăm dò chung, Tổng thống Duterte sẽ không nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ và đó là quan điểm không thể thay đổi.

Vấn đề khai thác chung đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano nhắc tới trong cuộc gặp ngày 7-8 với giới chức quân đội và cảnh sát. Theo ông Cayetano, chính quyền Tổng thống Duterte đang xem xét một khuôn khổ mở đường cho cuộc thăm dò dầu mỏ tiềm năng với Trung Quốc.


Mỏ khí đốt Malampaya của Philippines ở biển Đông Ảnh: PHILSTAR

Mỏ khí đốt Malampaya của Philippines ở biển Đông Ảnh: PHILSTAR

Theo đài ABS-CBN (Philippines), ông Cayetano đồng thời nhấn mạnh dự án chia sẻ lợi nhuận theo tỉ lệ Philippines 60% và Trung Quốc 40%. Tuy Bộ trưởng Cayetano nói quá trình thực hiện thỏa thuận phải tuân theo hiến pháp Philippines cũng như luật pháp quốc tế nhưng trang Philippine Daily Inquirer cho biết hiến pháp năm 1987 quy định quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của Philippines chỉ dành cho người dân nước này.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes lo ngại Philippines sẽ bị lấn lướt nếu tiến hành dự án chung với Trung Quốc. Từng chịu trách nhiệm đàm phán với Trung Quốc, ông Trillanes chỉ ra Philippines có thể chỉ đảm nhận vị trí quan sát trong dự án chung bởi hạn chế về công nghệ.

"Trong cuộc hợp tác khảo sát địa chấn chung ở biển Đông (JMSU) năm 2004, các chuyên gia Philippines trên tàu nghiên cứu không thể hiểu được tiếng Trung và cũng không đọc được những tài liệu hướng dẫn vận hành thiết bị. Do đó, nếu tiến hành thăm dò chung, Trung Quốc sẽ chi phối toàn bộ vì Philippines hiện không có khả năng và công nghệ đáp ứng yêu cầu" - ông Trillanes bày tỏ hôm 9-8.

Ngoài ra, thượng nghị sĩ này nghi ngờ chính sách chia sẻ lợi nhuận 60/40. "Trung Quốc có thể chỉnh sửa số liệu, kiểm soát các hoạt động và khiến chúng ta tin rằng mình nhận được 60% trong khi con số thực tế chỉ là 10%" - ông Trillanes cảnh báo.

Theo Xuân Mai

Người lao động