1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Để nỗi đau không còn ám ảnh

15 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 ở Mỹ khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được những ký ức đau thương trong tâm trí mỗi người dân nước Mỹ và khủng bố đã trở thành nỗi ám ảnh của cả nhân loại. Bởi những mất mát là không gì kể xiết và bạo lực quá hung tàn.

Khủng bố vẫn là mối đe dọa khi tấn công và chết chóc đang diễn ra đâu đó gần như hàng ngày trên thế giới bởi bàn tay của các thế lực khủng bố. Chống khủng bố đã trở thành mối lo chung của cả nhân loại. Các chuyên gia chống khủng bố sau 15 năm đã buộc phải thừa nhận rằng cuộc chiến này đang lâm vào bế tắc.

Thực tế là, 15 năm qua, thế giới đã phải thừa nhận một nghịch lý, đó là càng nỗ lực chống khủng bố thì khủng bố càng gia tăng cả về quy mô lực lượng, cách thức và số lượng vụ tấn công cũng như mức độ nghiêm trọng.

Đáng lo ngại hơn, chủ nghĩa khủng bố ngày càng có xu hướng tăng cường liên kết để hình thành mạng lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công khắp toàn cầu. Sự kiện trùm khủng bố Bin La-đen của mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda bị tiêu diệt, mặc dù được tuyên truyền là một thành công lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng kỳ thực mối nguy hiểm của Al-Qaeda vẫn luôn hiện hữu.

Người dân Mỹ tới khu vực tòa tháp đôi WTC trước kia để tưởng niệm các nạn nhân bị nạn ngày 11-9-2001. Ảnh: mysanantonio.com
Người dân Mỹ tới khu vực tòa tháp đôi WTC trước kia để tưởng niệm các nạn nhân bị nạn ngày 11-9-2001. Ảnh: mysanantonio.com

Đỉnh điểm là sự xuất hiện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng và thiết lập được chân rết khắp nơi, từ Trung Đông, châu Phi, châu Âu cho tới châu Á. Thậm chí, IS đã cho thấy mình còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda với các hoạt động tấn công ngày càng tinh vi, phức tạp, khó đoán định.

Trong đó phải kể tới chiến lược tinh vi của IS truyền bá tư tưởng cực đoan ra toàn cầu, tập trung nhắm tới công dân các nước mục tiêu tấn công như Mỹ và phương Tây, tiến tới mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới.

Hiện nay có thể nói, ít vùng đất nào trên thế giới được coi là “miễn nhiễm” khỏi nguy cơ bị tấn công khủng bố. Nước Mỹ không phải đối mặt với vụ tấn công nào quy mô như vụ 11-9 trong suốt 15 năm qua, nhưng đổi lại phải đương đầu với hàng loạt vụ khủng bố nhỏ lẻ.

Các cuộc thăm dò dư luận nước này cho thấy, người dân Mỹ không cảm thấy được an toàn hơn. Các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, mà gần đây nhất là Pháp và Bỉ thực sự đã “giội gáo nước lạnh” vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu. Kết quả khảo sát của Sputnik.Polls mới đây nhất cho biết, nhiều người dân các nước châu Âu đang tin rằng biện pháp chống khủng bố của Mỹ sau vụ 11-9 không giúp tăng cường an ninh toàn cầu.

Đó thực sự là những kết quả không hề mong muốn của Mỹ và những quốc gia đồng minh đã ủng hộ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, sau khi huy động sức mạnh của bộ máy quân sự hùng hậu bậc nhất, bỏ vào đấy rất nhiều sức lực, tiền bạc, thậm chí cả bằng máu.

Và đổi lại là hình ảnh và uy tín nước Mỹ đã bị sụt giảm nhiều sau khi tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Những cuộc chiến tranh ngoài biên giới mà Mỹ phát động nhân danh chống chủ nghĩa khủng bố đã gây ra rất nhiều hệ lụy, mà rõ nhất là ở Iraq, Afghanistan.

Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành tạo ra là sự va chạm không cần thiết giữa các nền văn minh. Nước Mỹ từng nhiều lần thanh minh không có ý định gây xung đột với thế giới Hồi giáo, nhưng những hành động trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã vô tình khoét sâu khoảng cách với người Hồi giáo.

Ranh giới giữa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Hồi giáo nói chung rất khó phân định, nhất là khi Mỹ đã đẩy cuộc chiến chống khủng bố lên một cấp độ mới, đó là chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chính điều này đã tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố lợi dụng tâm lý chống Mỹ, chống phương Tây của những phần tử Hồi giáo cực đoan để tập hợp lực lượng và tuyển mộ các thành viên trung thành gây tội ác ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào trên thế giới.

Sau những kết quả đáng thất vọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Mỹ và các nước trong liên minh chống khủng bố thực ra đã rút được những bài học cho mình. Bằng chứng là Mỹ và các nước đã có những bước đi thận trọng hơn trong cuộc chiến chống IS ở Syria để tránh đi vào “vết xe đổ” ở Iraq, Afghanistan hay Libya. Nhưng điều này khiến chiến lược chống khủng bố toàn cầu mà Mỹ cầm trịch rơi vào thế bí, khó mang lại kết quả khả quan.

Nhưng điều đáng nói hơn là trong 15 năm qua, chiến lược chống khủng bố toàn cầu không có gì đột phá về phương thức hành động, chủ yếu vẫn là dùng vũ lực để đáp trả bạo lực. Hệ lụy dễ thấy nhất, đó là sự gia tăng số các cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới càng tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy.

Cuộc chiến ở Iraq được coi là thiên đường cho Al-Qaeda phát triển. Cuộc xung đột dai dẳng ở Syria đã tạo điều kiện để các nhóm khủng bố mới hình thành và mở rộng quy mô ảnh hưởng, mà đỉnh điểm là sự ra đời của IS. Cũng tương tự ở Yemen, cuộc nội chiến tại quốc gia này đã tạo điều kiện cho sự hoành hành của chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo A-rập.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu rõ ràng sẽ không thể giành thắng lợi nếu chỉ bằng các cuộc chiến tranh và súng đạn. Trong khi nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan dường như đang bị tránh đề cập hoặc chưa được nhìn nhận đúng mức.

Đến nay, trong khi rất nhiều quốc gia đang bao trùm trong nỗi sợ hãi bị tấn công khủng bố thì thế giới vẫn còn đang tranh cãi việc khủng bố có nguồn gốc từ đâu, nên khó có thể triệt tiêu được tận gốc căn nguyên sinh ra thế lực này. Một loạt câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, đó là tại sao những người Hồi giáo trở nên cực đoan và tại sao ngay cả những người Mỹ và châu Âu sinh ra và lớn lên ở châu Âu lại bị cực đoan hóa để trở thành những kẻ khủng bố tấn công chính quê hương mình?

Cho dù bị chi phối bởi lý do gì đi chăng nữa, những toan tính lợi ích, địa chiến lược của các quốc gia liên quan, chiến lược chống khủng bố cần phải có những bước đột phá và đổi mới. Đó không chỉ là sự phối hợp hành động trên chiến trường giữa các quốc gia, mà việc cần thiết hơn phải chung tay giải quyết những vấn đề đang được coi là những căn nguyên cơ bản của chủ nghĩa khủng bố-đó là nghèo đói và xung đột.

Nên hiểu rằng khủng bố sẽ không thể trà trộn vào dòng người tị nạn từ Syria tới Mỹ và các nước châu Âu, nếu đất nước của những người tị nạn không có chiến tranh và nghèo đói buộc họ phải rời bỏ quê hương.

Cho nên, khi bài học nghiêm túc được rút ra sau 15 năm - đó là vũ lực không phải phương thức duy nhất giải quyết vấn đề - chưa được các quốc gia nhận thức sâu sắc, thì những hậu quả tồi tệ hơn sẽ tiếp tục xảy đến, khủng bố sẽ vẫn là nỗi ám ảnh và thế giới sẽ còn phải lãng phí thêm nhiều chục năm nữa cho cuộc chiến này.

Theo Mỹ Hạnh

Quân đội nhân dân