1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc "cân não" của hai lãnh đạo khó đoán nhất thế giới

(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuy chưa diễn ra nhưng đã có thể coi là một cuộc "cân não" giữa hai nhà lãnh đạo khó đoán nhất thế giới.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều có những chiến lược khó ngờ để đảm bảo vị thế đàm phán của mình.

Hai bên đều liên tục thay đổi quan điểm của mình về cuộc gặp lịch sử trong vòng hơn 1 tuần qua dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được dự đoán sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Tổng thống Trump hôm 24/5 bất ngờ thông báo hủy họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên viện dẫn lý do thái độ thù địch của Bình Nhưỡng. Chưa đầy một ngày sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng lại tuyên bố hội nghị có thể vẫn diễn ra theo kế hoạch ban đầu.

Về phía Triều Tiên, mặc dù trước đó cảnh báo hủy hội nghị, nhưng sau quyết định hủy họp của Tổng thống Trump, Bình Nhưỡng tỏ ra khá nhũn nhặn với tuyên bố sẵn sàng đối thoại “bất cứ khi nào, theo bất cứ hình thức nào”.

Korea Times dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có những mục tiêu khác nhau: ông Trump cần Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược, còn ông Kim muốn được đảm bảo về an ninh và có được các lợi ích kinh tế. Tuy mục tiêu khác nhau, nhưng họ đều có chung một chiến thuật đó là "sự khó đoán chiến lược".

"Sự khó đoán là phong cách đàm phán của Tổng thống Trump. Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là bậc thầy của sự khó đoán", một chuyên gia tại Đại học Rheinische Friedrich-Wilhelms (Đức) nhận định.

Chiến thuật tối đa lợi ích của ông Kim Jong-un


Ông Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Ông Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Joseph DeTrani, một cựu đặc phái viên tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhận định: "Cá nhân tôi cho rằng ông Kim sau các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra quyết định chiến lược về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy những nhượng bộ có giá trị, tất cả là nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ của Triều tiên và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Triều Tiên"..

William Brown, giáo sư tại Trường đối ngoại Georgetown, cho rằng ông Kim mong muốn hội nghị thượng đỉnh nhưng không muốn thể hiện quá vồn vã. "Do vậy, ông ấy làm cho mọi thứ trắc trở thêm một chút, buộc mọi người hạ thấp kỳ vọng một cuộc đối thoại đột phá về giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, ông ấy cũng không muốn là người rút trước bởi điều đó sẽ là lý do để Mỹ quay lại chính sách gây sức ép tối đa", ông Brown nói.

Theo chuyên gia Brown, động cơ chính của ông Kim khi đồng ý họp thượng đỉnh là vấn đề kinh tế và ông Kim cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lúc này là lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc dựa vào Trung Quốc lúc này.

"Nếu hội nghị thượng đỉnh không suôn sẻ, ông ấy (Kim Jong-un) có thể đổ lỗi do sự thù địch của Mỹ. Nếu suôn sẻ, ít nhất Triều Tiên có thể hy vọng tăng trưởng kinh tế”, giáo sư Brown nhận định.

Tara O, một học giả tại Diễn đàn Thái Bình Dương, cho rằng: "Ông Kim Jong-un dùng chiến thuật quen thuộc là phàn nàn và đưa ra yêu sách trước hội nghị để tối đa lợi ích, nhưng chiến thuật đó lúc này không còn hiệu quả, ít nhất là với Mỹ".

Chiến lược khó đoán của ông Trump


Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thay đổi kế hoạch thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thay đổi kế hoạch thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Liên tục thay đổi kế hoạch về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump được cho là đang vận dụng chiến lược để đảm bảo vị thế đàm phán.

Giáo sư Brown cho rằng, cũng giống ông Kim Jong-un, ông Trump mong muốn hội nghị diễn ra, nhưng không muốn tỏ ra quá khao khát. "Giống ông Kim, ông Trump cũng cần hạ thấp kỳ vọng về một hội nghị đột phá", ông Brown nói.

Một chuyên gia về Đông Á bình luận, ông cảm giác rằng, Tổng thống Trump thực sự cảm tính khi gửi thư thông báo hủy họp thượng đỉnh.

"Đó là lý do tại sao nó có thể đưa ông Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán bởi cảm xúc trong đó là rất thực. Tôi không cho rằng đó là sự tính toán chiến thuật nào đó của ông Trump. Theo tôi, lá thư và những bình luận của ông Trump thể hiện sự thất vọng của ông ấy. Đó không phải cách lý tưởng, nhưng cho dù ý định thực sự của ông Trump là gì thì sự nhũn nhặn của Triều Tiên sau đó cho thấy cách làm của ông Trump có hiệu quả", chuyên gia này nhận định.

Minh Phương

Theo Korea Times