1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cú "phản đòn" truyền thông của Nga

Nga và Mỹ đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến truyền thông khi có những động thái “phản đòn” trên mặt trận dù không có tiếng súng song cũng chẳng kém phần nóng bỏng này.


Văn phòng đại diện của RT tại Washington, Mỹ

Văn phòng đại diện của RT tại Washington, Mỹ

Hội đồng liên bang (tức Thượng viện) Nga ngày 22-11 đã thông qua dự luật yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng được tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký dưới danh nghĩa “cơ quan đại diện nước ngoài”. Dự luật này cũng đã được Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga thông qua với đa số tuyệt đối trước đó đúng một tuần (ngày 15-11) nên chỉ còn chờ Tổng thống Valdimir Putin đặt bút ký là chính chức trở thành luật.

Theo luật mới, các cơ quan truyền thông của Mỹ và các nước khác sẽ phải tự giới thiệu mình là “cơ quan đại diện nước ngoài” trong mọi giấy tờ và sẽ bị tăng cường kiểm tra về nhân viên cũng như tài chính. Cơ quan báo chí nào được công nhận theo quy chế này sẽ phải chịu những hạn chế và nghĩa vụ như các đại diện tại Nga của tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài và sẽ phải chịu trách nhiệm như các tổ chức trên khi vi phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp Nga sẽ là cơ quan ra quyết định về quy chế của các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài và những dấu hiện nhận diện mà phương tiện đó cần phải có. Theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước này của Nga, các phương tiện truyền thông trên có thể bị áp dụng luật về các tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài, trừ những quy định ngoại lệ.

Theo giới quan sát, luật mới có thể sẽ “tước bỏ” một số “đặc quyền” của cơ quan truyền thông, báo chí khi đánh đồng nó với “cơ quan đại diện nước ngoài”. Chính vì thế, đây được xem là cú “phản đòn” của Nga.

Bộ Tư pháp Mỹ vào đầu tháng 10 đã bất ngờ yêu cầu RT, tập đoàn truyền hình lớn nhất của Nga phải đăng ký hoạt động dưới danh nghĩa một “tác nhân nước ngoài” khi hoạt động tại Mỹ và đặt hạn chót là ngày 17-10 (sau đó lùi đến 13-11) phải đăng ký theo Đạo luật Đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA). Luật FARA vốn được Mỹ thông qua từ năm 1938 nhằm trấn áp các hoạt động tuyên truyền của Đức quốc xã.

Ngoài tập đoàn truyền hình RT, các hãng truyền thông lớn khác của Nga như TASS, Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga cũng bị cản trở hoạt động hoặc gây khó dễ tại Mỹ. RT đã buộc phải thực hiện yêu cầu của phía Mỹ để được tiếp tục hoạt động ở nước này, nhưng Tổng biên tập của RT Margarita Simonian nhấn mạnh rằng, yêu cầu của Washington mang tính phân biệt đối xử và Matxcơva sẽ có hành động đáp trả.

Điện Kremlin đã chỉ trích mạnh mẽ rằng, Mỹ đang cố tình gây “sức ép chưa từng thấy”, “chưa từng có tiền lệ” đối với các hãng truyền thông lớn của Nga hoạt động tại Mỹ và đây là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Đích thân Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố, Matxcơva sẽ đáp trả nếu Mỹ cố tình áp đặt các biện pháp chống lại tập đoàn truyền thông RT của Nga.

Nói về đạo luật mới đang chờ người đứng đầu nước Nga ký phê chuẩn thành luật, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Petr Tolstoi khẳng định, việc ra luật này là một quyết định mà nước Nga buộc phải thực hiện, nhằm cho phép cơ quan hành pháp Nga áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng đối với những nước xâm phạm “tự do hành động và ngôn luận” của các nhà báo, cũng như cơ quan truyền thông của Nga.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô