Crimea sẽ kiện lên Tòa quốc tế vì bị trừng phạt
Bán đảo Crimea bị trừng phạt sau khi sáp nhập với Nga đang chuẩn bị đâm đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu.
Sputnik thông tin, Hội đồng chuyên gia về pháp luật quốc tế của nước Cộng hòa Crimea tự xưng đang bắt đầu công việc biên soạn tài liệu khởi kiện các biện pháp trừng phạt Crimea, đơn khiếu nại đầu tiên sẽ được nộp tại Tòa án Công lý châu Âu vào đầu năm tới.
Thông tin này được Sputnik dẫn lời ông Alexander Molokhov, người đứng đầu Hội đồng chuyên gia trên cho hay.
Ông Molokhov nhận định, còn quá sớm để nói về tính khả thi hay kết quả của vụ kiện nhưng công việc chuẩn bị đang được thực hiện.
"Nếu không trong năm nay thì vào đầu năm tới, chúng tôi nhất định sẽ công khai vụ kiện này. Chúng tôi dự kiến khởi kiện theo 2 hướng. Hướng đầu tiên sẽ tập trung vào việc khiếu nại các biện pháp trừng phạt cá nhân trên bán đảo. Hướng thứ 2 là khiếu nại toàn bộ các biện pháp trừng phạt mà các nước đang áp đặt đối với Crimea" - ông Molokhov nói.
Ông Molokhov cho rằng, vụ kiện sắp tới phần nhiều sẽ mang tính chất chính trị.
"Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp. Cái khó ở đây là các thủ tục kiện tụng ở nước ngoài, như lên Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg, đòi hỏi những chi phí tài chính khá lớn. Vấn đề này chưa được quyết định" — vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đây là phản ứng mạnh mẽ và tự tin mà chính quyền Cộng hòa Crimea tự xưng có thể thực hiện từ khi tuyên bố tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga và bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Mới đây, mới có một nhà máy chế biến cá từ Crimea nộp đơn lên Tòa Kinh tế Kiev tuyên bố chống lại chính quyền Ukraine về thiệt hại 53 triệu rúp, phát sinh từ việc Ukraine thực hiện dự án kênh đào Bắc Crimea làm ảnh hưởng tới nguồn nước, dòng chảy và nguồn thu nhập của người dân ở Crimea.
90% lượng nước đổ sang Crimea đã bị điều hướng sang các vùng khác của Ukraine nhằm làm đầy các hồ chứa và phục vụ tưới tiêu.
Người chủ nhà máy này, ông Krasnoperekopsk đã bị thiệt hại từ năm 2014 vì mất nguồn cá. Thời điểm đó cũng là lúc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình và Ukraine đã làm dự án kênh đào Bắc Crimea.
Dự án kênh đào Bắc Crimea khiến Crimea không còn nguồn nước sử dụng.
Luật sư của người chủ nhà máy này cho biết, vụ kiện "hoàn toàn minh bạch và dễ dàng" theo quan điểm của pháp luật nhưng yếu tố chính trị có thể can thiệp vào quá trình xét xử vụ việc.
"Khả năng tình hình chính trị hiện nay, tôi cho rằng, các nhà chức trách Ukraine sẽ che đậy quá trình xét xử hoặc bỏ qua nó. Tôi không loại trừ họ sẽ sử dụng chiến thuật trì hoãn vụ kiện" - Luật sư của ông Krasnoperekopsk nói.
Vị luật sư cũng cho biết, ông không hy vọng vụ kiện tốt đẹp ở Ukraine nên dự định sẽ đưa vụ kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu.
"Hiện chúng tôi có mọi cơ hội thành công, nhưng đó là một câu chuyện dài. Đây là vụ kiện có thể phải kéo dài từ 2- 3 năm" - vị luật sư cho biết thêm.
Người dân ở bán đảo Crimea thiếu nước trầm trọng vì Ukraine.
Sau khi Ukraine thay đổi việc khai thác lượng nước thông qua kênh đào Bắc Crimea, Bộ Tài nguyên Nga đã thực hiện một dự án về sử dụng nước ngầm nhằm cấp nước thay thế cho cư dân của bán đảo này.
Tháng 9/2016, 3 công trình nước, 36 giếng khoan đã được hoàn thiện, cung cấp khả năng 195.000 m3 nước/ngày cho bán đảo Crimea.
Crimea ngày càng được cộng đồng quốc tế ủng hộ
Bán đảo Crimea dù chống chọi với các lệnh trừng phạt từ quốc tế sau cuộc trưng cầu dân ý hiện ngày càng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Mới đây, đại diện đối lập trong nghị viện Slovakia ủng hộ ý kiến công nhận việc Crimea sáp nhập với Nga là phù hợp pháp luật.
Ông Milan Ugrik, phụ trách thông tin báo chí của “Đảng nhân dân – Slovakia của chúng ta" đã đề xuất ý tưởng này.
Lãnh đạo đảng này nhấn mạnh rằng cần tôn trọng quyết định của người dân Crimea.
Hồi giữa tháng 11/2017, các chính trị gia Serbia cũng tuyên bố họ muốn công nhận Crimea là một phần của Nga.
Đảng Cấp tiến Serbia có ý định nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc thống nhất Crimea với Nga và sự tách rời Kosovo.
Trở thành một phần của Nga khiến Crimea được đầu tư lớn.
Sự độc lập của bán đảo này và tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý của những người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vào Nga được cho là những yếu tố khiến các lệnh trừng phạt được tuyên bố từ Ukraine, châu Âu và Mỹ.
Kể từ khi sáp nhập vào Nga, Crimea nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn về kinh tế.
Nước Cộng hòa Crimea tự xưng vào năm 2018 sẽ nhận được từ ngân sách liên bang 160.3 tỷ rúp theo chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của bán đảo.
Theo chương trình quốc gia phát triển kinh tế- xã hội của Cộng hòa Crimea và Sevastopol cho giai đoạn đến năm 2020 sẽ được phân bổ 437 tỷ rúp, trong đó - 160,3 tỷ rúp được cấp vào năm 2018, 151,9 tỷ rúp vào năm 2019 và lần lượt, 126,1 tỷ rúp vào năm 2020.
Số tiền này sẽ được sử dụng vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng: xây dựng các con đường mang tên Tauris và con đường dẫn đến cầu qua eo biển Kerch.
Khoản tiền trên cũng được phân bổ cho các dự án năng lượng, xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Simferopol và Sevastopol.
Theo Huy Vũ
Báo đất việt