1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chương trình tên lửa Triều Tiên: Con bài mặc cả với Mỹ?

Ngoài những nguyên nhân về chính trị, giới phân tích đang tìm hiểu xem đằng sau việc Bình Nhưỡng trình diễn tên lửa là nhằm mục đích gì.

Triều Tiên lộ chương trình phát triển ICBM

Tại cuộc diễu hành quân sự trong buổi lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) vào ngày 15/4 vừa qua, Bình Nhưỡng đã giới thiệu một số chương trình tên lửa mới của nước này, khiến giới phân tích đặc biệt lưu ý.

Chuyên gia phân tích quân sự Nga Vasily Kashin đã có bài bình luận cho Sputnik để bàn về chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên, trong đó có hai bệ phóng tự hành tên lửa đạn đạo liên lục địa kiểu mới.

Xe chở/phóng thứ nhất rất giống bệ phóng của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn DF-31 (Đông Phong 31) Trung Quốc. Bệ phóng thứ hai trông không khác gì bệ phóng của tên lửa đạn đạo RT-2PM2 “Topol-M” của Nga.

Hiện nay, các chuyên gia chỉ biết về hai loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của Triều Tiên, đó là tên lửa đạn đạo Pukguksong-1 (KN-11) có thể phóng từ tàu ngầm và tên lửa Pukguksong-2 (KN-15) phóng từ các bệ phóng cơ động trên mặt đất.

Theo chương trình dự kiến, tên lửa hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn Pukguksong-1 sẽ có tầm bắn 2.000 km, sánh được với tên lửa Trung Quốc JL-1 và DF-21A. Các vụ phóng thử nghiệm hành trình bay của Pukguksong-1 đã bắt đầu vào năm 2015 và hiện vẫn đang tiếp tục.

Có lẽ vào cuối thập kỷ này, Triều Tiên sẽ có khả năng triển khai các đạn đạo loại này trên các tàu ngầm loại cải tiến của họ. Sau khi sở hữu KN-11, Bình Nhưỡng sẽ có khả năng tấn công vào toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng chúng không thể bắn tới Mỹ.

Việc phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 (“Quang Minh Tinh” 3, tức “Sao sáng” 3) với tên lửa đẩy Unha-3 tháng 12/2012 và sau đó là vệ tinh Kwangmyongsong-4 (tháng 2/2016) là một thành tựu rất lớn của Bình Nhưỡng, mở đường cho việc nước này phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng, nhiên liệu rắn trên nền tảng của Unha-3.

Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình phát triển hạt nhân và ICBM
Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình phát triển hạt nhân và ICBM

Những thành tựu của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa tạo cơ sở để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của Bình Nhưỡng còn rất dài, với nhiều nút thắt về công nghệ (yếu tố chủ quan) và cả yếu tố khách quan mà nước này khó có thể vượt qua trong thời gian ngắn.

Những khó khăn khó vượt qua của Triều Tiên

Để chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) hoặc tầm xa (LRBM) nói chung (và tên lửa nhiên liệu rắn nói riêng) là điều không khó nhưng với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), ngoài những bước tiến vượt bậc trong công nghệ tên lửa, còn phải có một bước nhảy vọt trong sự phát triển cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng để thực hiện các cuộc thử nghiệm.

Triều Tiên phải nắm vững công nghệ sản xuất động cơ nhiên liệu rắn đường kính lớn, phải thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm với các loại nhiên liệu rắn, được nén với hiệu suất cao và khả năng quá tải của vỏ của tên lửa. Ngoài ra, khả năng dẫn đường và điều khiển đa hướng của nó cũng là một thách thức lớn, ngay cả với một cường quốc như Trung Quốc.

Việc đang phải chịu những biện pháp trừng phạt và cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã khiến Bình Nhưỡng không thể tiếp cận công nghệ quân sự đỉnh cao và mua các loại thiết bị cần thiết hoặc chế tạo những thiết bị mới (hạn chế khả năng sử dụng các thành phần nước ngoài).

Thậm chí nếu Triều Tiên tạo ra tên lửa đạn đạo mới thì trong các vụ phóng thử nghiệm tên lửa chắc chắn sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản theo hướng Nam vùng Thái Bình Dương.

Để đánh giá kết quả cuộc thử nghiệm cần phải có các tàu đo đạc, đánh giá kỹ thuật phóng tên lửa và vệ tinh trên biển, với thiết bị đo đạc phức tạp, cùng với các tàu chiến hiện đại để bảo vệ chúng, nhưng đây là điều mà Triều Tiên đang không thể có được.

Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm có thể vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía Washington và Tokyo, họ sẽ cố gắng đánh chặn tên lửa đang phóng (nếu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Nhật Bản trên quần đảo Nhật Bản sẵn sàng cho việc này), hoặc sẽ gây nhiễu có hại cho thiết bị đo đạc đặt trên các tàu chiến của Triều Tiên.

Vì sao bây giờ Triều Tiên muốn phô trương các loại vũ khí mà nước này có thể triển khai, thậm chí theo kịch bản lạc quan nhất, vào nửa cuối thập niên 2030, trong khi khả năng thực tiễn của nó là rất khó khăn?

Bình Nhưỡng đang muốn "mặc cả" với Mỹ?

Theo giới chuyên gia, các vụ phóng thử nghiệm tên lửa liên tiếp và những vụ thử nghiệm hạt nhân với cấp độ ngày càng cao là cơ hội để Bình Nhưỡng phô trương sức mạnh quân sự của họ, biểu đạt việc nước này hoàn toàn có thể hủy diệt các đồng minh của Mỹ, nếu Washington manh động.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên sẵn sàng hy sinh những "tên lửa có khả năng sẽ thành công" để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Do đó, các vụ phóng tên lửa có thể là dấu hiệu Triều Tiên gửi lời mời đàm phán đến Mỹ-Nhật-Hàn, mà Kim Jong-un hy vọng thương lượng trên thế mạnh.

ICBM của Triều Tiên có thể được phát triển trên nền tảng tên lửa đẩy Unha-3
ICBM của Triều Tiên có thể được phát triển trên nền tảng tên lửa đẩy Unha-3

Hiện nay, nền an ninh của Bình Nhưỡng được đảm bảo bởi khả năng gây ra (trong trường hợp bùng phát chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên) thiệt hại không thể bù đắp được cho 2 quốc gia láng giềng, đồng thời là các đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở 2 quốc gia này và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều nằm trong tầm phóng của tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên. Nếu đòn đánh của Mỹ chỉ nửa vời hoặc không thể triệt phá toàn bộ thực lực quân sự của Triều Tiên trong loạt đạn đầu, hậu quả đến với Washington và đồng minh sẽ rất thảm khốc.

Do đó, Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân và các tên lửa tầm trung, nhưng có thể đồng ý từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa để đổi lấy những nhượng bộ trong các vấn đề kinh tế và chính trị.

Việc được dỡ bỏ lệnh trừng phạt để yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh là phương án có lợi nhất cho Bình Nhưỡng, còn việc “giải giáp” được chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên sẽ là một thắng lợi ngoại giao và địa-chính trị to lớn của Mỹ.

Do đó, việc hai bên sẽ ngồi lại với nhau là một kịch bản dễ xảy ra nhất và giới quan sát đang chờ đợi những động thái “xích lại gần nhau” của Bình Nhưỡng và Washington.

Theo Nhật Nam

Đất Việt