Châu Âu định đe dọa Nga bằng những vũ khí gì?
Trước “mối đe dọa từ Nga”, các nước châu Âu thuộc khối NATO đã chi hàng trăm tỷ USD để mua sắm vũ khí trang bị mới.
Báo Thụy Điển Svenska Dagbladet vừa có bài viết cho rằng, các quốc gia châu Âu chi tổng số tiền đến con số hàng tỷ cho việc hiện đại hóa vũ khí nhằm thách thức những loại vũ khí Nga, mà đối thủ hàng đầu của họ là những siêu tăng và xe bọc thép của Nga như T14 hay T15 Armata.
Tờ báo đã dày công tìm hiểu "các cường quốc quân sự của lục địa” như Pháp, Đức, Anh… - đồng thời là những “nước láng giềng hung hăng nhất của Nga” đã đầu tư vào những việc loại vũ khí-trang bị nào để làm đối trọng với Nga.
Quân đội Đức (Bundeswehr) mới đây đã dành gần 800 triệu euro cho việc hiện đại hàng trăm xe tăng loại Leopard-2, còn hai tập đoàn Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegman nhận đơn đặt hàng sản xuất 131 xe bọc thép Boxer thế hệ mới trị giá gần 1,5 tỷ euro.
Ngoài ra, Hải quân Đức cũng đã giành hơn 4,5 tỷ euro cho việc chế tạo 4 tàu hộ vệ thế hệ mới MKS 180, thuộc lớp Saxony, dự kiến sẽ hoàn tất trong giai đoạn từ năm 2023-2015.
Hiện tại, có 3 nhà thầu đang cạnh tranh cho hợp đồng khủng này là hãng Lürssen, hợp tác với ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS); Blohm + Voss hợp tác với các xưởng đóng tàu của Tập đoàn Hà Lan Damen; và Hải quân Đức muốn bắt tay cùng với BAE Systems.
Sau khi nhận kết quả cay đắng từ việc tham chiến của xe tăng Leopard 2 ở Syria, Đức-Pháp đã ký hợp đồng sản xuất vũ khí lớn nhất ở châu Âu. Theo đó, hai nước sẽ hợp tác phát triển xe tăng MGCS (Main Ground Combat System), được thiết kế để trở thành đối thủ cạnh tranh của T-14 Armata Nga.
Tuy nhiên, không nên chờ đợi loại siêu tăng của châu Âu sẽ ra đời trong thời gian ngắn tới, bởi việc phát triển một xe tăng thế hệ mới sẽ cần tới hàng chục năm. Do đó, các chuyên gia dự kiến rằng, phải đến năm 2030, loại xe tăng này mới được ra mắt.
Đối với Quân đội Pháp, chương trình hiện đại hóa lực lượng lục quân mang tên "Scorpion" được đầu tư số tiền kỷ lục lên đến 5 tỷ Euro, dự kiến sẽ mua sắm tới 1.668 xe bọc thép Griffon và 248 bọc thép Jaguar, nhằm đối phó với hàng loạt loại xe thiết giáp siêu hiện đại do Nga phát triển trên khung gầm Armata.
Pháp còn có một thương vụ cũng khá tốn kém là hợp đồng đóng 5 tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới lớp Belharra của hãng DCNS, với ngân sách lên tới 3,8 tỷ euro. Bên cạnh đó, quân đội Pháp tiếp tục đặt thêm số lượng nhỏ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Rafale.
Một trong 3 cường quốc quân sự của Anh cũng dự định chi ngân sách siêu khủng để chế tạo vũ khí-trang bị. Theo đó, Hải quân Anh sẽ tiêu tốn hơn 6 tỷ USD để đóng mới một tàu sân bay lớp Queen Elizabeth. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh nhất cũng cần tới 5 năm.
Bên cạnh đó là khoản đầu tư chịu chơi không kém để thay thế 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược loại Vanguard của hãng BAE Systems Submarine Solutions, mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Trident II D5 do Mỹ chế tạo. Ngân sách cho kế hoạch này được ước tính vào khoảng 29 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng cần không dưới 10 năm để hoàn thành.
Trong số các nước Đông Âu, Ba Lan là nước đầu tư nhiều nhất vào việc hiện đại hóa vũ khí. Đất nước này đang tiến hành đàm phán mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Hoa Kỳ, phát triển bảo mật mạng và có kế hoạch mua thêm tàu chiến mới với nguồn kinh phí vài tỷ USD.
Giới phân tích nhận xét rằng, có lẽ đây là đợt mua sắm mạnh tay nhất của các "ông lớn" quân sự châu Âu, trong bối cảnh Mỹ thúc giục các đồng minh NATO thuộc EU phải tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời gánh chịu một phần chi phí hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở châu Âu.
Lí do Mỹ đưa ra là những thách thức nghiêm trọng từ lực lượng quân sự hùng mạnh và “dã tâm xâm lược châu Âu” của Moscow, do đó, nếu các nước châu Âu không mạnh tay mua sắm thì họ sẽ dễ dàng bị đánh bại trong cuộc chiến tiềm năng trước Nga.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tuyên bố rằng, mặc dù ngân sách quốc phòng Nga kém 11 lần so với Mỹ và ít hơn nhiều so với tổng chi tiêu quân sự của các nước NATO nhưng Nga đã tạo ra đối trọng đủ mạnh để buộc những cái đầu nóng phải dè chừng.
Theo Nhật Nam
Đất Việt