Câu chuyện cảm động sau bức ảnh ông Biden tại lễ trao giải Oscar
(Dân trí) - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rất chia sẻ và cảm thông với những tâm tư của một cô gái 22 tuổi - một nạn nhân của tấn công tình dục xuất hiện trong lễ trao giải Oscars diễn ra cuối tháng 2 vừa qua.
Sofie Karasek vẫn nhớ rất rõ những gì diễn ra trong suy nghĩ của cô khi cô cùng với 51 nạn nhân bị tấn công tình dục khác chờ bên trong cánh gà khi ca sỹ Lady Gaga biểu diễn trên sân khấu của Lễ trao giải Oscars hôm 28/2.
Những ý nghĩ cứ nhảy múa trong tâm trí cô trong khoảnh khắc im lặng đó trước khi tấm rèm được kéo lên và cô bước ra sân khấu, đứng cạnh chiếc đàn piano màu trắng của lady Gaga, trước khi nữ diễn viên đạt giải Oscars Brie Larson ôm chầm lấy cô và những nạn nhân khác.
Và khi tất cả im lặng trở lại, Karasek đã chia sẻ những suy nghĩ này với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã đợi ở phía sau cánh gà để gặp gỡ họ.
Karesek, 22 tuổi, nói với Phó Tổng thống Biden rằng trước khi cô bước lên sân khấu, cô đã nghĩ về tất cả những người phụ nữ và những người đàn ông không thể có mặt tại buổi lễ này bởi họ đã tự lấy đi sinh mạng của mình sau khi bị tấn công tình dục.
Karasek bắt đầu bật khóc, cô cúi gằm xuống khi nói với ông Biden rằng cô hy vọng buổi trình diễn sẽ khiến các nạn nhân khác cảm thấy bớt cô đơn và có thể cứu vãn dù chỉ một mạng sống.
Đó cũng là khi ông Biden nắm lấy tay cô và áp trán của ông vào trán của Karasek. Ông nói với cô gái trẻ này rằng đó là lý do tại sao sự dũng cảm của cô đêm đó là rất quan trọng.
“Ông đã có một cử chỉ thực sự xúc động. Tôi cũng cảm thấy bất ngờ”, Karasek nói.
Karasek hiện sống ở NewYork. Cô là một trong số những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục và là nhân vật được thể hiện trong bộ phim tài liệu “The Hunting Ground” nói về nạn tấn công tình dục tại các trường học. Bài hát mà Lady Gaga trình diễn tại lễ trao giải Oscars cũng chính là bài hát trong phim.
Tháng 2/2012, Karasek là một sinh viên mới tại Đại học California tại thành phố Berkeley. Trong một dịp sinh hoạt cuối tuần với một câu lạc bộ, một nam sinh lớn tuổi hơn đã tấn công tình dục lúc cô đang ngủ. Vào ngày hôm sau, cô bỏ nhóm và lặng lẽ khóc trong phòng tắm. Kẻ tấn công tình dục cô là thủ lĩnh của nhóm, vậy liệu ai sẽ tin câu chuyện của cô lúc đó?
Nhưng cuối cùng, chủ tịch của công lạc bộ đã tìm đến Karasek và nói với cô rằng nam sinh đó từng tấn công tình dục những cô gái khác. Cô và 3 cô gái khác bị tấn công tình dục đã tới gặp ban quản lý của trường và Karasek viết bản tường trình kể lại toàn bộ câu chuyện đã xảy ra với cô. Nhưng không ai đứng về phía cô.
8 tháng sau đó, mọi người nói cho cô biết rằng, vụ việc đã được dàn xếp từ lâu. Kẻ tấn công cô đã tốt nghiệp đại học. Cô gây sức ép để có thêm thông tin, và phải cho tới tháng 9/2013, cô mới được biết là kẻ tấn công cô chịu án treo.
Thay mặt cho hơn 30 sinh viên, Karasek đã đệ đơn kiện thành phố Berkeley lên Bộ Giáo dục. Sau đó, cô và hai người khác kiện nhà trường lên tòa án liên bang vì đã không giải quyết thích đáng đơn thư của họ về các vụ tấn công tình dục.
Với Karasek, tổn thương do vụ tấn công tình dục gây ra càng trầm trọng hơn bởi sự trở mặt của chính quyền thành phố Berkeley, và ngôi trường mà cô từng yêu mến cũng khiến cô thất vọng. Và giữa lúc cô đấu tranh, cô lại nhận được thông tin rằng, Jahar Tsarnaev - bạn học thời phổ thông của cô ở Cambridge - đã kích nổ quả bom tại hội thi marathon Boston. “Tôi cảm giác như không thể tin tưởng ai được nữa”, Karasek nói.
Karasek hiện là giám đốc giáo dục cho quỹ phi lợi nhuận ở Washington mang tên “Chấm dứt Cưỡng bức tại trường học”. Ở cương vị này, cô giúp các học sinh làm các đơn thư khiếu nại, buộc nhà trường phải giải quyết các đơn thư liên quan đến bạo lực tình dục. Tính đến hiện tại, tổng cộng 167 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ bị điều tra do vi phạm.
Theo một kết quả khảo sát năm ngoái của Washington Post, tại Mỹ, cứ 5 phụ nữ lại có 1 người bị tấn công tình dục khi học đại học.
Minh Phương
Theo Washington Post