1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước Thái Bình Dương "oằn mình" trong gánh nặng nợ nần từ Trung Quốc

(Dân trí) - Các quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương đang phải đối diện với những khoản nợ lớn so với quy mô nền kinh tế quốc gia từ chủ nợ Trung Quốc. Các chuyên gia đã cảnh báo những hệ lụy có thể xảy ra từ việc không thể trả những khoản nợ này.


Cung điện Hoàng gia Tonga - công trình do Trung Quốc cho hòn đảo vay tiền xây dựng (Ảnh: Newsroom)

Cung điện Hoàng gia Tonga - công trình do Trung Quốc cho hòn đảo vay tiền xây dựng (Ảnh: Newsroom)

Hơn 10 năm trước, những cuộc bạo loạn ở thủ đô Nuku’alofa của Tonga, quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương đã tàn phá công việc kinh doanh và cơ sở vật chất tại đây. Sau khi bạo loạn chấm dứt, từ đống đổ nát, chính phủ quốc đảo bắt đầu xây dựng lại thành phố, bao gồm dự án xây dựng bến tàu du lịch mới, và tái thiết cung điện Hoàng gia. Trung Quốc khi đó đã cho Tonga vay 65 triệu USD.

Đến nay, khoản vay trên đã vượt ngưỡng 115 triệu USD, gần bằng một 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này, và Tonga lại tiếp tục vay khoản thứ 2 cho dự án xây đường xá trên đảo.

Tonga chỉ là một ví dụ về tình hình hiện tại của các nước nhỏ Thái Bình Dương đang gánh chịu những khoản nợ lớn so với quy mô nền kinh tế. Các chuyên gia nhận xét rằng với tình hình hiện tại các nước ở khu vực sẽ càng thêm “đau đầu” về vấn đề tài chính và có thể sẽ bị ảnh hưởng trong các quyết sách bởi chủ nợ Trung Quốc.

Theo thống kê của Reuters, chương trình cho vay của Trung Quốc tại 11 quốc gia Nam Thái Bình Dương đã tăng vọt từ 0 lên 1,3 tỷ USD trong 10 năm trở lại đây. Dù Australia vẫn là nhà tài trợ chính tại khu vực, nhưng Trung Quốc đã trở thành chủ nợ song phương lớn nhất Nam Thái Bình Dương tính tới thời điểm hiện tại.

Những khoản vay từ Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng tiền vay nước ngoài của Tonga, 50% nợ nước ngoài của Vanuatu. Xét về con số cụ thể, Papua New Guinea là nước nợ Trung Quốc nhiều nhất, với gần 590 triệu USD, chiếm 25% tổng nợ nước ngoài của quốc gia này.

Giám đốc khu vực Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (World Bank) Michel Kerf đánh giá rằng sự tổn thương của nền kinh tế, sự thiếu hụt các nguồn thu ngân sách của các quốc đảo Thái Bình Dương có thể khiến họ có nguy cơ cao rơi vào trạng thái “nợ đau khổ”, ám chỉ tình trạng khó khăn chồng chất, khó có thể giải quyết vì nợ nần quá lớn.

Các chuyên gia tin rằng việc Trung Quốc cho các nước Thái Bình Dương vay nợ là cách để Trung Quốc xây dựng quan hệ với các quốc gia nước ngoài khi kinh tế của họ tăng trưởng. Các gói cho vay tài chính cũng đồng thời trao cơ hội cho các doanh nghiệp quốc doanh của Bắc Kinh tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì những khoản nợ thiếu tình bền vững như hiện tại.

“Chúng tôi đáp ứng theo mong muốn của các nước, hỗ trợ tài chính trong khả năng tốt nhất có thể và nhận được sự công nhận cũng như chào mừng của các nước này”, bà Hoa nói, nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc-Tonga hiện vẫn rất tốt.


Cảng Hambantota của Sri Lanka là công trình Colombo đã cho Bắc Kinh thuê 99 năm để trang trải khoản nợ lên tới 6 tỷ USD khó có khả năng chi trả. (Ảnh: SCMP)

Cảng Hambantota của Sri Lanka là công trình Colombo đã cho Bắc Kinh thuê 99 năm để trang trải khoản nợ lên tới 6 tỷ USD khó có khả năng chi trả. (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, nhìn từ việc Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota 99 năm vì Colombo không thể trả được khoản nợ 6 tỷ USD vay của Bắc Kinh, các chuyên gia lo ngại rằng kịch bản Trung Quốc sử dụng các khoản nợ như công cụ chiến lược gia tăng tầm ảnh hưởng có thể lại xảy ra với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Chuyên gia địa chính trị Sam Parker (Mỹ) cho rằng sự việc Hambantota chính là lời cảnh báo tới các quốc đảo Thái Bình Dương rằng họ có thể sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

Theo Reuters, 1/3 các quốc đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Chính vì vậy, đây có thể là lý do khiến Trung Quốc đẩy mạnh tài trợ tại đây, nhằm lôi kéo các nước “làm bạn” với Bắc Kinh.

Cả Đài Loan và Trung Quốc đều sử dụng phương pháp cho vay và các gói tài trợ để duy trì mối quan hệ đồng minh ngoại giao với các nước trong khu vực. Vì vậy, căng thẳng ở eo biển Đài Loan vì chính sách “Một Trung Quốc” dường như đã khiến cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của 2 bên quyết liệt hơn.

Hầu hết các chỉ trích về các khoản vay của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều về loại dự án mà họ đổ tiền vào và các điều kiện đi kèm khoản nợ.

Đảo Cook là một ví dụ. Chính quyền quốc đảo này bị chỉ trích do vay tiền Trung Quốc xây dựng các công trình công cộng như tòa án và sở cảnh sát, cũng như xây sân vận động và phải chấp nhận điều kiện sử dụng nhân công và vật liệu Trung Quốc.

Sau 10 năm, các công trình có dấu hiệu xuống cấp vì quá trình xây dựng không đạt chuẩn, theo cựu Bộ trưởng Tư pháp đảo Cook Mark Short.

Phó Thủ tướng quốc đảo này Mark Brown cũng thừa nhận rằng có một số vấn đề về việc chọn vật liệu và chất lượng thi công các công trình này.

Theo giới chuyên gia, điểm mạnh của Trung Quốc là họ sẵn sàng chi tiền cho vay một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nước cho vay. Trong khi đó, các nước Mỹ, Australia, New Zealand có xu hướng chi tiền cho những khoản vay nhằm đầu tư vào các hạng mục mang tính phát triển bền vững hơn Trung Quốc, vì vậy tốc độ chi tiền sẽ chậm hơn Bắc Kinh.

Hiện thời, gánh nặng nợ nần đang đè nặng lên chính phủ một số quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó có Tonga. Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ bỏ qua các khoản nợ của nước này. Họ từng từ chối yêu cầu xóa nợ của Tonga hồi năm 2013, dù Tonga đã dừng trả nợ trong 5 năm liên tiếp trước đó.

Đức Hoàng

Tổng hợp