1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông tiếp tục là nguy cơ bất ổn

Báo The Australian (Úc) đưa tin phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ ở Canberra hôm 27-8 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ quân sự từ Trung Quốc.

Ông thông báo Sách trắng quốc phòng Úc sắp công bố sẽ nêu tình hình bất ổn tiếp tục ở biển Đông và các nơi khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng các mối đe dọa đối với Úc.

Ông nhận xét cường quốc kinh tế và quân sự đang tiếp tục chuyển dịch đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng trưởng ở khu vực không bình đẳng và cuộc cạnh tranh ảnh hưởng có thể dẫn đến bất ổn.

Ông ghi nhận tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên trên biển Đông sẽ tiếp tục là nguyên nhân gây căng thẳng. Nếu phối hợp với tình hình tăng cường năng lực quân sự, nguy cơ gây bất ổn sẽ gia tăng ảnh hưởng đến lợi ích của Úc.

Ông cho biết Sách trắng quốc phòng Úc (có hiệu lực trong hai thập niên) sẽ bao gồm kế hoạch trang bị cho quân đội Úc máy bay không người lái quân sự hoặc thiết bị bay không người lái như loại Reaper của Mỹ.

Biển Đông tiếp tục là nguy cơ bất ổn - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews

Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews cho biết Úc sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ về bố trí hải quân luân phiên tại Darwin, gia tăng hợp tác với không lực Mỹ, tiến hành nhiều biện pháp cải thiện hợp tác hải quân. Ông nói các tàu ngầm và tàu nổi của Mỹ có thể hoạt động tại căn cứ hải quân Stirling của Úc.

Trong khi đó, AFP đưa tin tại Philippines hôm 27-8, người phát ngôn quân đội thông báo Philippines đã đề nghị Mỹ giúp đỡ bảo vệ việc tiếp tế và chuyển quân luân phiên của Philippines ở biển Đông.

Đề nghị này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nêu ra trong cuộc hội đàm với Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.

Người phát ngôn cho biết phía Mỹ chưa đưa ra cam kết nào. Tuy nhiên, AP đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết Đô đốc Harry Harris đã bảo đảm sẵn sàng giúp Philippines.

Reuters dẫn nguồn tin quân sự cho biết Đô đốc Harry Harris đã thảo luận với tướng Hernando Iriberri, người đồng cấp Philippines, về chiến lược an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hai bên đã nhất trí sẽ gia tăng quy mô, tần suất và mức độ của các cuộc tập trận chung trong khu vực.

Biển Đông tiếp tục là nguy cơ bất ổn - 2

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đón Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: MANILA TIMES)

Đô đốc Harry Harris đã đến thăm bộ chỉ huy quân sự của Philippines trên đảo Palawan hôm 27-8. Quân đội Philippines thông báo chuyến thăm của Đô đốc Harry Harris nhằm làm quen với tình hình thực địa.

Giai đoạn hai của cuộc tập trận Nga-Trung mang tên “Hợp tác hàng hải 2015” bắt đầu từ ngày 23-8 trên vịnh Peter Đại đế đã kết thúc. Ngày 28-8, người phát ngôn quân khu miền Đông (Nga) thông báo như trên.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), 22 tàu chiến và tàu tiếp vận, 20 máy bay và trực thăng cùng với hơn 500 binh sĩ và 40 đơn vị kỹ thuật phối hợp trong các hạng mục trên biển, trên không và trên bộ.

Đây là giai đoạn cuối của cuộc tập trận Nga-Trung. Giai đoạn một diễn ra hồi tháng 5 trên Địa Trung Hải với các hạng mục bắn pháo, chống tàu ngầm và chống hải tặc.

Song song theo đó, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin ngày 27-8, hải quân Trung Quốc đã tiến hành bắn đạn thật trên biển Hoa Đông. Hơn 100 tàu chiến, hàng chục máy bay và các tiểu đoàn tên lửa tham gia.

Đây là lần thứ ba Trung Quốc tập trận trên quy mô lớn trong hai tháng nay. Hai cuộc tập trận trước diễn ra ở Hoàng Hải và biển Đông.

Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin ngày 28-8, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bảo đảm với vai trò nước điều phối quốc gia về quan hệ ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2010-2015, Thái Lan sẽ tiếp tục giám sát việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.

____________________________________

2% GDP là mức tăng ngân sách quốc phòng của Úc từ nay đến năm 2023-2024. Mức tăng ngân sách này được nêu trong Sách trắng quốc phòng Úc. Úc cũng đã mời Nhật, Đức và Pháp tham gia hợp đồng sản xuất tàu ngầm mới.

Theo Dạ Thảo

Pháp luật TPHCM

Biển Đông tiếp tục là nguy cơ bất ổn - 3