Báo Mỹ sửng sốt trước vụ tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm
(Dân trí) - Phóng viên kênh CNN của Mỹ mới đây đã có cuộc phỏng vấn các thủy thủ tàu cá DNA 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và họ đã không khỏi sửng sốt trước những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt.
Các ngư dân Việt Nam trên tàu cá DNA 90152 TS.
Thuyền trưởng con tàu, ông Đặng Văn Nhân, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 26/5 cho biết, ông và các thủy thủ của mình đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan Trung Quốc hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa khoảng 17 hải lý. Hòn đảo trên Biển Đông này đã trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Khoảng 16 giờ, thủy thủ đoàn khi đó đang làm việc trên con tàu gỗ thì họ nhìn thấy một tàu khác lao về phía mình.
“Sau đó chúng tôi bỏ chạy. Họ đâm vào phía phải rồi sau đó vào phía trái chúng tôi. Sau đó tàu của chúng tôi bị lật. Toàn bộ 10 thành viên trên tàu đều phải bơi. Chúng tôi được cứu bởi DNA 90508 (một tàu cùng đoàn). Chúng tôi đã bơi khoảng 10 phút”.
Lời kể của các ngư dân hoàn toàn khác so với thông tin từ phía Trung Quốc về vụ việc. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc, tàu Việt Nam đã “quấy rối” một tàu Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng nước gần đảo Hoàng Sa, một khu đảo hầu như không có người ở được Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa. Bài báo của Tân Hoa Xã khẳng định tàu Việt Nam bị lật sau khi “chen lấn” với một tàu cá Trung Quốc.
Ông Đặng Văn Nhân cho rằng mình còn may mắn bởi một tàu cá Việt Nam khác đánh bắt gần đó, và kịp thời giải cứu ông và các thủy thủ khác.
“Chúng tôi rất may mắn vì vụ va chạm diễn ra vào ban ngày. Chúng tôi may mắn vì một số bạn bè đã nhìn thấy chúng tôi”.
Theo ông Nhân, diễn biến vụ việc, từ cú va chạm đầu tiên tới lúc họ bỏ tàu, chỉ diễn ra trong 4 phút. Các thủy thủ thậm chí không có thời gian mặc áo phao. Hai người đã bị thương nhẹ, với những vết trầy xước ở chân, vai và ngực, cùng một vết rách ở mắt phải.
“Tàu Trung Quốc không hề tìm cách cứu các thủy thủ của chúng tôi”, vị thuyền trưởng nói. “Chúng tôi thấy rất nhiều tàu Trung Quốc – chỉ một tàu được điều tới đâm chúng tôi, nhưng có nhiều tàu xung quanh. Dù thấy tàu chìm, không có tàu Trung Quốc nào có động thái (giải cứu thủy thủ đoàn)”.
Tàu này đã đánh bắt tại vùng biển nêu trên nhiều năm trước khi những tranh cãi gần đây nổ ra, thủy thủ Nguyễn Huỳnh Bá Biên, người bị thương cho biết. Ông khẳng định các vụ việc riêng lẻ đã xảy ra với tàu của cả hai bên từ nhiều năm nay, nhưng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được hạ đặt trái phép, số vụ tấn công đã leo thang mạnh.
Thông tin từ giới chức Trung Quốc cho rằng tàu bị chìm hòan toàn do lỗi của thủy thủ Việt Nam.
“Một tàu cá Việt Nam đã cố tình xâm nhập vào vùng cảnh báo của giàn khoan 981 của Trung Quốc, và lao vào mạn trái một tàu cá của Trung Quốc tại hiện trường, và sau đó lật úp”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố trong một cuộc họp báo một ngày sau vụ việc. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ việc này là… do phía Việt Nam”.
Ông Nhân và thủy thủ đoàn đã phủ nhận thông tin này.
“Thông báo của Trung Quốc hoàn toàn sai”, ông Nhân nói. “Tàu Trung Quốc lớn hơn tàu chúng tôi tới 6 lần. Tàu của họ bằng sắt còn tàu chúng tôi bằng gỗ. Thật vô lý khi tàu của chúng tôi lại tiếp cận và tìm cách đâm một con tàu to cỡ đó”.
Ông Nhân cho biết ông ngờ rằng con tàu kia thuộc lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc, và được ngụy trang để trông như một tàu cá, bởi tàu mang vỏ sắt, thay vì vỏ gỗ như truyền thống.
Thủy thủ Biên thì cho biết: “Chúng tôi chỉ thấy một người trên tàu Trung Quốc. Ông ta ném một chai thủy tinh về phía tàu chúng tôi. Ngoài ông ta ra chúng tôi không còn thấy ai khác.
Chính phủ Trung Quốc không hề đề xuất bồi thường, bà Hoa nói. Thậm chí họ không nhận được liên lạc nào từ phía Trung Quốc. Họ không thể mua được chiếc tàu mới, bà Hoa cho biết.
Chính quyền địa phương đã đề xuất hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng, một quan chức địa phương nói với CNN, và cho biết chính quyền cũng chi trả tiền bảo hiểm cho đội tàu, với số tiền được thanh toán vào khoảng một nửa giá đóng một tàu mới.
Bất chấp mối đe dọa có thực và đang diễn ra với các tàu cá tại vùng biển này, chủ tàu Việt Nam cũng như các thủy thủ khẳng định không để mất một tấc chủ quyền lãnh thổ.
“Tất nhiên chúng tôi phải trở lại Hoàng Sa”, bà Hoa nói. “Đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Đó là vùng đánh bắt tốt duy nhất của chúng tôi”.
Thanh Tùng
Tổng hợp