Ba Lan tập trận cùng NATO: Lời răn đe chiến tranh?
Việc Ba Lan tập trận cùng NATO đang khiến vòng vây quanh Nga được khép chặt và làm bùng nổ nguy cơ chiến tranh trong khu vực.
Ba Lan tập trận lớn nhất với NATO
Ngày 6/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu triển khai cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ba Lan.
Cuộc tập trận mang tên Anaconda-16, kéo dài đến ngày 16/6, có sự tham gia của khoảng 31.000 binh lính đến từ 24 quốc gia khác nhau, trong đó có 12.000 lính Ba Lan, 10.000 lính Mỹ, khoảng 1.000 lính Anh, cùng binh lính của các nước đối tác khác.
Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên toàn bộ các thao trường của Ba Lan với 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, bao gồm xe tăng, xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại và 12 tàu chiến.
Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm kiểm tra khả năng hợp tác giữa các bộ tư lệnh và binh sỹ các nước đồng minh trong việc đối phó với những mối đe dọa quân sự, hóa học và an ninh mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nêu rõ, những cuộc diễn tập nhằm “kiểm tra khả năng sẵn sàng bảo vệ sườn phía đông”.
“Đây là lần đầu tiên lực lượng bán quân sự Ba Lan cũng tham gia tập trận, là một phần trong chiến lược nhằm đối phó với chiến tranh hỗn hợp”, ông Antoni Macierewicz nhấn mạnh.
Trước động thái trên của Ba Lan và NATO, điện Kremlin đã kịch liệt phản đối các cuộc tập trận lớn chưa từng có giữa các lực lượng này tại Ba Lan và khu vực biển Baltic.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 24, Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định, Nga không thể là mối đe dọa khiến NATO tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới của nước này, cũng như leo thang quân sự tại khu vực.
“Tất cả các chính khách nghiêm túc và thành thật đều hiểu rất rõ rằng Nga sẽ không bao giờ xâm lược bất cứ nước thành viên NATO nào”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Theo ông Lavrov, trước hành động làm leo thang căng thẳng của NATO, Nga sẵn sàng sử dụng những biện pháp thích đáng để đáp trả các mối đe dọa.
Trong khi đó, ông Alexandr Grushko, đại diện thường trực của Nga tại NATO cho rằng các cuộc tập trận mà tổ chức quân sự này đang tiến hành tại Ba Lan và biển Baltic là nhằm cụ thể hóa âm mưu tăng cường các lực lượng quân sự áp sát biên giới Nga và đây là điển hình của chính sách thù địch mà tổ chức này tiến hành đối với Nga thời gian gần đây.
Ông Grushko khẳng định Nga có đủ lực và các biện pháp để đảm bảo an ninh của mình một cách hiệu quả.
Lời răn đe chiến tranh Nga – NATO?
Kế hoạch tập trận giữa Ba Lan và NATO lần này tiếp tục nằm trong những nỗ lực ngăn chặn, cô lập và kìm hãm Moskva của tổ chức quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Thực tế, việc Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3/2014 cũng như sự trỗi dậy của lực lượng nổi dậy thân Nga tại miền đông Ukraine đã khiến nhiều quốc gia thành viên NATO lo ngại. Vì thế các mũi xung kích đang bao vây Moskva từ nhiều phía.
Hôm 3/6, trang tin N-TV của Đức dẫn lời Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo từ tháng 9/2016, nước này sẽ triển khai xây dựng một lực lượng bán quân sự mới để bảo vệ đất nước với quy mô khoảng 35.000 quân.
Theo ông Antoni Macierewicz, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, lực lượng này sẽ chủ yếu gồm những người tham gia tình nguyện và được huấn luyện các kỹ năng chiến đấu.
Dự kiến, 35.000 lính của lực lượng này sẽ được chia thành các lữ đoàn đóng tại 16 tỉnh của Ba Lan. Riêng tỉnh Masovien ở trung tâm của đất nước, vùng đông dân nhất và có diện tích lớn nhất, sẽ có 2 lữ đoàn.
Việc Ba Lan tập trận cùng NATO đang khiến vòng vây quanh Nga được khép chặt và làm bùng nổ nguy cơ chiến tranh trong khu vực
Lý do thành lập lực lượng bán quân sự quy mô lớn này được Bộ Quốc phòng Ba Lan giải thích là nhằm đối phó với nguy cơ về một cuộc “chiến tranh lai” mới từ Nga, trong đó Ba Lan muốn đề phòng trường hợp các chiến binh Nga thâm nhập vào lãnh thổ phía Đông Ba Lan giống như những gì xảy ra ở miền Đông Ukraine.
Ngoài việc Ba Lan tuyên bố lập lực lượng bán quân sự, NATO cũng đang có kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng vệ cho nước này.
Theo đó, một tiểu đoàn của NATO sẽ được điều tới Ba Lan và ba quốc gia khác trong vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania. Tổng số binh sĩ điều động dự kiến vào khoảng 4.000 người và hoạt động theo cơ chế điều động luân phiên.
Sắp tới đây, ngày 8 và 9/7, một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Warsaw sẽ đi đến những kết luận chi tiết cuối cùng của kế hoạch điều quân này.
Nhiều nước trong số 28 quốc gia thành viên NATO cũng sẽ điều quân đội tới nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực phía đông, gần biên giới Nga.
Mới đây, Anh đã công bố kế hoạch triển khai 1000 binh sĩ và 4 phi cơ chiến đấu đa năng Typhoon tham gia vào Lực lượng phản ứng nhanh tại Đông Âu.
“Đây chính là hành động đáp trả cho những gì mà Nga đã làm trong một thời gian dài, và điều này cũng chính là nghĩa vụ quốc tế mà chúng tôi phải thực thi”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber tuyên bố trước báo giới.
Không chỉ bị các nước áp sát, NATO cũng liên tiếp đưa ra các lời răn đe chiến tranh với Moskva.
Hôm 4/5, trong bài phát biểu đầu tiên của mình khi nhậm chức Tư lệnh NATO, vị tướng người Mỹ Curtis M. Scaparotti nhấn mạnh rằng NATO cần một lực lượng quân đội cơ động, có thể “sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức” để đối phó với Nga.
Trước đó trong bài phát biểu tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 21/4, Tướng Scaparrotti tuyên bố ông nhất trí với các lãnh đạo quân sự khác về việc Nga là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và Washingston cần kiên quyết khẳng định các quyền lợi của mình.
Ông Scaparrotti cũng cho rằng Washington cần cung cấp cho Ukraine các vũ khí cần thiết để tự vệ trước lực lượng được Nga hậu thuẫn, trong đó có tên lửa chống tăng như Javelin.
Ngoài cuộc tập trận trong vòng 2 tuần tại Georgia, tại thành phố Jacksonville, bang Florida (Mỹ), quân đội nước này cũng đã tham gia vào cuộc diễn tập đổ bộ SEDRE đầu tiên trong vòng 15 năm qua.
Rõ ràng các mũi tên xung kích của NATO và các nước thành viên tổ chức quân sự này đang tiếp tục được chĩa thẳng vào Moskva. Với sự cương quyết, cứng rắn của Nga, một kịch bản chiến tranh NATO-Nga đang dần nhen nhóm và trở thành mối lo của các nước trong khu vực.
Theo Trung Dũng (Tổng hợp)
Đất Việt