3 năm sau vụ sáp nhập Crimea: Nga phục hồi vị thế của một siêu cường?
(Dân trí) - Vào năm 2014, tỷ lệ ủng hộ Vladimir Putin đã sụt giảm 20%, khi ông công bố kế hoạch trở lại điện Kremlin sau 4 năm đảm nhiệm cương vị thủ tướng. Giờ đây, 3 năm sau vụ sáp nhập Crimea, tỷ lệ ủng hộ ông lên mức cao chưa từng có - 80%.
Tại thủ đô Moscow, các buổi biểu tình lớn nhất kể từ những năm 1990 đã nổ ra trên đường phố vào năm 2004. Ông Putin đã thành công trong việc chấm dứt biểu tình, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông vẫn dao động ở mức 60% - mức thấp kỷ lục.
Vì sao như vậy? Lý do đơn giản là một bộ phận không nhỏ của công chúng Nga giận dữ với sự trở lại của ông Putin. Họ tin rằng nước Nga hiện đại đã từ bỏ việc ý niệm về một nhà lãnh đạo lâu năm. Và họ cảm thấy thất vọng ghê gớm.
Tổng thống Putin biết ông phải hành động. Nhưng vào tháng 4/2014, kế hoạch sáp nhập Crimea diễn ra một cách bất ngờ. Nếu Ukraine không lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych thì điều đó có thể không bao giờ xảy ra. Không ai có thể mường tượng hay hình dung ra cuộc sáp nhập chỉ vào tháng trước đó.
Về mặt chính trị, việc sáp nhập Crimea là một rủi ro lớn. Nó đã dẫn tới sự cô lập của Nga trên trường quốc tế và khiến Tổng thống Putin bị rơi vào thế đơn độc. Nga đã bị loại khỏi khối G8. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nền kinh tế Nga bị thiệt hại và hầu hết các quốc gia từ chối công nhận Crimea là một phần của Nga. Trên toàn cầu, các hành động của Nga bị xem là gây hấn, bị cáo buộc là vụ chiếm đất đầu tiên tại châu Âu kể từ cuối Thế chiến II.
Nhưng Tổng thống Nga có bản năng sinh tồn. Việc sáp nhập Crimea đã giải quyết vấn đề niềm tin mà ông đã tạo dựng với người dân Nga kể từ năm 2011. Tỷ lệ ủng hộ ông đã lên mức cao nhất mọi thời đại và kể từ mùa xuân năm 2014 - trên 80%.
Nhưng ông Putin đã đạt được nhiều hơn chứ không chỉ là đảm bảo quyền lực. Sự sáp nhập Crimea đã chạm tới gốc rễ sâu xa trong sự nhận thức quốc gia. Việc “trả lại Crimea” giờ đây được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của Nga, chỉ sau chiến thắng của Liên Xô trước Phát xít, theo Trung tâm Levada, một hãng thăm dò độc lập.
“Sự đồng thuận về Crimea” đã vượt xa các lợi ích có lý. Sau vụ sáp nhập Crimea, người Nga ý thức được rằng họ đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng họ cũng sẵn sàng thắt lung buộc bụng. Ba năm sau vụ sáp nhập Crimea, người Nga tin tưởng hơn bao giờ hết rằng nước này hưởng lợi từ việc trả lại Crimea, theo hãng thăm dò VTSIOM. Sự phản đối chỉ được nhận thấy tại các khu vực trung tâm đô thị của Moscow và St. Petersburg, nơi khoảng 20% người dân phản đối vụ sáp nhập.
Có các lý do để công chúng Nga ủng hộ việc sáp nhập Crimea. Nó đánh dấu một mốc lịch sử: chấm dứt sự chuyển mình kéo dài và khó khăn thời kỳ hậu Xô Viết. Việc sáp nhập đã hoàn thành dự án về một nước Nga dân chủ, được Tổng thống Boris Yeltsin khởi động năm 1991.
Phục hồi vị thế của một siêu cường
Giờ đây, điều đó càng được chứng minh so với trước kia. Với người Nga, việc sáp nhập Crimea không phải là bằng chứng đơn thuần rằng “Crimea là của chúng ta”, chuyên gia Alexei Levinson từ Trung tâm Levada giải thích. “Rõ ràng có thể nhận thấy là Nga đã phục hồi vị thế của một siêu cường”. Vấn đề Crimea giờ đây chứng tỏ Nga một lần nữa là người đóng vai trò toàn cầu so với Mỹ, giống Liên Xô 30 năm trước.
Nếu ý niệm về sự phục hồi sức mạnh coi lịch sử chính trị 25 năm qua của Nga là một căn bệnh thì có thể nói giờ đây căn bệnh này đã được điều trị xong.
“Đối với người Nga, việc sáp nhập Crimea đã hàn gắn tổn thương về sự tan rã của đế chế Xô Viết, mà ông Putin miêu tả là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”. Giờ đây, trật tự thế giới đã trở lại bình thường. Trong mắt người Nga, trật tự thế giới này giống thời Chiến tranh Lạnh: 2 siêu cường thế giới định hình thế giới”, ông Levinson nói.
Nhưng niềm tự hào quốc gia được phục hồi không chỉ dựa vào những thành tựu biểu tượng của lịch sử gần đây. Khi Nga trở lại vị thế siêu cường thế giới, giờ đây nước này cũng phải hành động trên trường quốc tế.
Không chỉ "canh bạc Crimea" được đền đáp mà vị thế siêu cường của Nga đã được xác nhận bởi chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Với một nhà lãnh đạo cùng khuynh hướng tại Nhà Trắng, ông Putin giờ đây cảm thấy ông là “ở vị thế lãnh đạo một nửa thế giới, và cuộc tái tranh cử vào tháng 3/2018 có ảnh hưởng toàn cầu”, theo nhà phân tích chính trị Gleb Pavlovsky. Tiếng nói của Nga về các vấn đề quốc tế giờ đây có sức nặng hơn nhiều so với trước kia.
Với ông Putin và nước Nga mới của ông, thời gian cho sự phiêu lưu chính trị đã qua. Nhưng thời gian cho sự mở rộng chính trị và quân sự chỉ mới bắt đầu. Giờ đây, Nga phải nghĩ mình là sự “lột xác" của chính mình từ quá khứ. Và Nga phải hành động phù hợp với vị thế mới đó.
An Bình
Theo Moscow Times