Thị trường tài chính tiêu dùng: “Miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi chỉ trong vòng một năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến sự gia nhập của các tên tuổi lớn.
“Miếng bánh” hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Với dân số trẻ, thu nhập đang tăng theo tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống và khả năng tiếp cận với các khoản vay ngày một dễ dàng hơn, thị trường tài chính tiêu dùng đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua.
Riêng trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng vẫn là điểm sáng khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 65%, vượt qua mức tăng trưởng 50,2% của năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung khoảng 19%/năm.
Không chỉ các định chế tài chính trong nước, cho vay tiêu dùng của Việt Nam cũng đang vô cùng hấp dẫn với các dòng vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến sự gia nhập của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này.
Có thể kể đến việc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại Techcom Finance trong một thương vụ M&A trị giá 1.700 tỉ đồng vào tháng 10/2017. Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 cũng đã mua lại 49% vốn công ty tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng quân đội (MB). Shinhan Bank hiện cũng đang mở rộng mảng bán lẻ thông qua việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam.
Hay như FE Credit,của VP Bank, đã huy động được 200 triệu USD từ các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới như Credit Suisse, Deutsche Bank… trong năm qua. FE Credit hiện nắm giữ hơn một nửa thị phần trong nước với khoảng 11.000 điểm bán hàng.
“Đất lành chim đậu”
Theo giới chuyên gia tài chính, mặc dù tăng trưởng không ngừng trong những năm vừa qua nhưng trên thực tế dung lượng thị trường vẫn còn rất lớn, lượng khách hàng hiện các công ty tài chính khai thác chưa thấm vào đâu so với 95 triệu dân số hiện nay. Chính điều đó đã tạo được sự hấp dẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài luôn khao khát được bước chân vào thị trường Việt nam.
Ví dụ như FE Credit trong mấy năm qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ cho thấy sức hút của các công ty tài chính tại Việt Nam bởi có nhiều cơ hội phát triển bền vững trong tương lai mà đây còn là vùng đất rất an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt niềm tin.
Là một trong những công ty tài chính có sức hút bậc nhất với đối tác ngoại, ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE Credit từng lý giải: Sự hợp tác với đối tác ngoại tiếp tục khẳng định kết quả hoạt động kinh doanh của FE Credit đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Đồng thời, cũng thể hiện sự tin tưởng của các đối tác vào định hướng phát triển và khả năng tăng trưởng bền vững của FE Credit.
Thực tế, sự sôi động của thị trường vốn dành cho các công ty tài chính tiêu dùng năm 2017 đã được dự báo từ giữa năm ngoái khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 1/7/2016.
Cụ thể, thông tư 06 yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn một nửa, từ 200% xuống 100%, giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và chỉ còn 80% vào đầu năm 2018 nhằm đảm bảo sự an toàn vốn. Yêu cầu này buộc các công ty tài chính phải tăng cường huy động nguồn vốn trung, dài hạn hơn mà việc vay vốn từ các tổ chức nước ngoài là một trong những sự lựa chọn hàng đầu
Một điểm cũng đáng lưu ý, việc vay vốn của các tổ chức nước ngoài sẽ buộc các công ty tài chính phải hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn hơn. Điều này, cùng với các lợi thế như dân số vàng, thói quen chi tiêu đang thay đổi theo hướng hiện đại hơn, mức thu nhập trung bình tăng, hành lang pháp lý được hoàn thiện,… khiến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang trở nên hấp dẫn các đối tác vốn ngoại hơn bao giờ hết.
Vẫn đang trong thời điểm vàng phát triển
Theo số liệu của Stoxplus, tổng quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng năm 2016 đạt mức 960.000 tỷ đồng, trong đó nhóm công ty tài chính tiêu dùng, dù quy mô mới chỉ đạt 74.000 tỷ đồng, nhưng là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm trở lại đây.
Trước đó, tại Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng hiện vẫn đang trong thời điểm vàng để phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao ở Việt Nam, sự tham gia của các đối tác ngoại vào thị trường tài chính tiêu dùng sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho công ty tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển kinh doanh, củng cố vị thế dẫn đầu thị trường TCTD và vai trò cộng sự hỗ trợ tài chính đáng tin cậy cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Hà Anh