Việt Nam xếp thứ 3 tại Đông Nam Á về ứng dụng địa chỉ IPv6

(Dân trí) - Theo APNIC, tỷ lệ ứng dụng IPv6 trong khu vực đã tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm gần đây. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ IPv6 Việt Nam đạt khoảng 13%, đứng thứ 3 tại ASEAN và thứ 7 toàn châu Á.

Ngày 4/5, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức chương trình hội thảo “ngày IPv6 Việt Nam 2018” với sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel, Mobiphone,…với mục tiêu đề xuất kế hoạch nghiên cứu, xây dựng chiến lược và thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 nhằm định hướng mục tiêu, lộ trình cụ thể cho công tác triển khai IPv6 một cách an toàn, tin cậy tại Việt Nam trong năm 2019.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia nhận định, IPv6 đã không còn là công nghệ mới, IPv6 đã hiện diện ở khắp mọi nơi với số lượng người dùng ngày càng cao. Thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt trong chuyển đổi IPv6 với mức tăng trưởng đến 3000% từ năm 2012 đến cuối năm 2017. Hiện nay, tỉ lệ IPv6 toàn cầu đạt khoảng 22%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm; tại Việt Nam, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt khoảng 14%, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 7 châu Á với hơn 6 triệu người dùng.

Thứ trưởng cũng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như Internet of Things, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến số lượng các thiết bị kết nối ngày càng nhiều, đặt ra thách thức lớn về mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng mạng băng rộng để đảm bảo kết nối và định danh cho các thiết bị. “Với xu thế Internet di động ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc triển khai IPv6 trên mạng di động 4G/5G là xu hướng tất yếu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh Việt Nam đang cùng thế giới chứng kiến bước nhảy vọt trong chuyển đổi IPv6.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh Việt Nam đang cùng thế giới chứng kiến bước nhảy vọt trong chuyển đổi IPv6.

Lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho Internet Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn là Giai đoạn chuẩn bị (từ 2011 - 2012); Giai đoạn khởi động (từ 2013 - 2015); Giai đoạn chuyển đổi (từ 2016 - 2019). Theo đó trong năm nay và năm 2019 sắp tới, Bộ TT&TT sẽ cùng các đơn vị cung cấp Internet tại Việt Nam hoàn thiện mạng lưới và dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động ổn định với địa chỉ IPv6.

Với vai trò là đơn vị quản lý mạng DNS quốc gia và trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, VNNIC phối hợp các ISP thiết lập mạng IPv6 quốc gia theo lộ trình chuyển đổi IPv6, đồng thời cung cấp các dịch vụ thử nghiệm như dns, web, email, voip, tunnel ipv6/ipv4 tới người sử dụng cuối.

Lợi thế của IPv6

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Nhằm đưa ra giải pháp duy trì và cải thiện kết nối Internet, phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4.

Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bit chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.

IPv6 đóng vai trò là phiên bản nâng cấp, khắc phục các nhược điểm của IPv4 như bảo mật kết nối đầu cuối, khả năng tự động cấu hình, quản lý định tuyến và chất lượng mạng tốt hơn, tốc độ truy cập Internet hiệu quả hơn, dễ dàng thực hiện Multicast, không gian địa chỉ lớn gần như vô hạn,…

IPv6 tại Việt Nam tăng trưởng tốt, sẽ được triển khai hàng loạt từ năm 2018

Theo đo đạc của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ ứng dụng IPv6 trong khu vực đã tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm gần đây. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ IPv6 Việt Nam đạt khoảng 13%, đứng thứ 3 tại ASEAN và thứ 7 toàn châu Á. Trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel,… đều đã chuẩn bị cho mình những giải pháp chuyển đổi IPv6 và bước đầu ghi nhận thành công tại thị trường trong nước.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Tiến Huy, đại diện cho VNPT cho biết tổng số thuê bao Vinaphone được kích hoạt IPv6 trên toàn lãnh thổ Việt Nam tính đến tháng 2/2018 đã đạt con số 134 nghìn. Ông cũng cho rằng con số này thực tế có thể cao hơn, do nhiều máy điện thoại Android hiện vẫn ưu tiên địa chỉ IPv4, khiến người dùng phải tự chuyển đổi sang IPv6 thì mới có thể sử dụng địa chỉ này.

Về công tác triển khai, nhân rộng địa chỉ IPv6 trên các thuê bao di động Vinaphone, cũng như mạng lưới Internet băng rộng, ông Huy khẳng định: “Nếu quản lý không tốt thì các chính sách ưu tiên sẽ gặp phức tạp, gây trở ngại cho việc triển khai. Do đó, nên đặt ra vấn đề quy hoạch địa chỉ IPv6 ngay từ đầu, vì nếu quy hoạch tốt thì sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề sau này, điển hình như công việc quản trị mạng lưới.”

Đại diện của Vinaphone cũng cho biết VNPT đang triển khai nhiều phương án, giải pháp chuyển đổi cho mạng lưới Internet băng rộng theo chuẩn IPv6, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2018.

Đại diện của Vinaphone thử nghiệm chuyển đổi IPv6 trên mạng 4G của điện thoại Android và Windows Phone.
Đại diện của Vinaphone thử nghiệm chuyển đổi IPv6 trên mạng 4G của điện thoại Android và Windows Phone.

Nhà mạng Viettel cho biết đã tiến hành thử nghiệm địa chỉ IPv6 ngay từ năm 2015. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Viettel sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ IPv6 cho 1,5 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định và 1 triệu thuê bao di động.

“Sau khi đã triển khai về cơ bản mạng 4G LTE trên toàn quốc vào năm 2017, thì năm 2018 tiếp tục là một năm quan trọng với chúng tôi. Viettel đặt mục tiêu vào tháng 10/2018 sẽ có 85% khách hàng đầu cuối sử dụng Internet băng rộng được kích hoạt IPv6”, ông Hà Minh Tuấn - Phó TGĐ Viettel Net, Tập đoàn Viettel cho biết.

Đối với mạng di động, Viettel đặt ra mục tiêu làm việc với 3 nhà cung cấp di động chiếm tỷ trọng người dùng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Apple, Samsung, OPPO, để mang địa chỉ IPv6 đến với ước tính 1 triệu người dùng thông qua các bản cập nhật phần mềm, và khách hàng sẽ không cần thực hiện bất kỳ thao tác nào.

Ông Hà Minh Tuấn - Phó TGĐ Viettel Net, cho biết Viettel sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ IPv6 cho 1,5 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định và 1 triệu thuê bao di động.
Ông Hà Minh Tuấn - Phó TGĐ Viettel Net, cho biết Viettel sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ IPv6 cho 1,5 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định và 1 triệu thuê bao di động.

Theo ông Hà Minh Tuấn, Viettel cũng sẽ đặt mục tiêu trong tháng 7 sẽ kích hoạt 100% lõi mạng lưới băng rộng và mạng di động trên toàn quốc, theo đó sẵn sàng cho các dự án chuyển đổi được thực hiện tiếp sau. Tuy nhiên theo ông, Viettel nói riêng và các nhà cung cấp Internet tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đạt được thoả thuận với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối trong việc triển khai và kích hoạt IPv6.

“Không giống như mạng cố định băng rộng khi gần như tất cả thiết bị đầu cuối đều cung cấp ra khách hàng, mạng di động là một thị trường tự do”, ông Tuấn nói. “Bởi vậy, Bộ TT&TT nên có một quyết định yêu cầu đối với tất cả các thiết bị đầu cuối trong năm 2018 phải đưa ra được bản cập nhật để “bật” IPv6 lên.”

“Nếu chúng ta đưa được các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối vào cuộc, thì việc triển khai IPv6 đối với các nhà cung cấp dịch vụ giống như FPT, VNPT, Viettel đều sẽ rất thuận lợi, và thúc đẩy quá trình nhanh hơn rất nhiều”, đại diện của Viettel khẳng định.

Nguyễn Nguyễn