Sử dụng phần mềm bất hợp pháp, doanh nghiệp bị truy cứu hình sự

(Dân trí) - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 trong đó quy định rất rõ về việc xử lý các doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Theo đó, các doanh nghiệp không chỉ bị xử phạt về hành chính mà còn có thể bị truy cứu hình sự,

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh.

Tăng tính răn đe cho các đối tượng vi phạm bản quyền

Thưa ông, việc Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2018, lần đầu tiên qui định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về 33 tội phạm trong đó tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225. Ông đánh giá thế nào về bước tiến này đối với nạn xâm phạm bản quyền vẫn đang là vấn đề nóng tại Việt Nam?

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn.
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn: Có thể thấy rằng, việc lần đầu tiên pháp nhân thương mại được quy định phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) liên quan tới việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã thể hiện một bước tiên lớn, tích cực trong việc bảo hộ hai loại quyền này trước nạn xâm phạm bản quyền vẫn đang là vấn đề nóng hổi tại Việt Nam.

Trước đây, theo Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, cụ thể tại điều 170a thì tội phạm này chỉ có thể bị khởi tố khi người vi phạm thực hiện hành vi với quy mô thương mại. Với tư cách là một thành viên của WTO, Việt Nam cần có khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định TRIPs, đó là lý do tại sao Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, chúng ta đã đưa khái niệm “quy mô thương mại” vào Điều 170a, bởi theo Hiệp định TRIPs, việc đưa vào Luật các quy định về thủ tục tố tụng hình sự và các chế tài hình sự chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với “quy mô thương mại” là điều cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta thấy được thực tế rằng không có quy định hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại”, điều này đã gây nên nhiều khó khăn cho quy trình tố tụng, xử lý bằng biện pháp hình sự với tội danh này.

Theo quy định mới tại điều 225 thì việc lượng hóa được khái niệm “quy mô thương mại” bằng cách nêu rõ từng số tiền cụ thể, áp dụng với không chỉ cá nhân mà còn với pháp nhân, có ý nghĩa quan trọng trong việc làm tiền đề căn cứ để cơ quan chức năng có thể định khung và định hình phạt khi thực hiện đấu tranh với hành vi vi phạm này.

Trước thực trạng vi phạm bản quyền của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức khá nghiêm trọng và phức tạp thì việc sửa đổi và bổ sung quy định này vào là hợp lý, mang tính răn đe cho các đối tượng vi phạm bản quyền và cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp ước kinh tế song phương và đa phương.

Doanh nghiệp cần chủ động để tránh rủi ro

Theo ông, doanh nghiệp và doanh chủ cần chuẩn bị gì để tránh rủi ro bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi điều luật sửa đổi có hiệu lực từ năm nay?

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn: Doanh nghiệp và doanh chủ cần tiến hành những hành động sau để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi điều luật sửa đổi có hiệu lực từ năm nay:

Cần tiến hành xây dựng quy chế nội bộ cho doanh nghiệp. Trên thực tế dù không bắt buộc phải có quy chế doanh nghiệp nhưng tính pháp lý của các quy chế này vẫn được pháp luật thừa nhận, bởi vậy xây dựng tốt quy chế doanh nghiệp sẽ đảm bảo được lợi ích cho cả doanh chủ nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Việc ban hành quy chế có thể là xem một giải pháp hữu ích trong việc điều hành bộ máy doanh nghiệp bên cạnh Điều lệ công ty, kiểm soát nội bộ đối với việc sử dụng các sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tránh được những trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan từ trong nội bộ công ty, gây ra những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp và doanh chủ.

Vi phạm về bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu hình sự.
Vi phạm về bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu hình sự.

Cần tiến hành rà soát lại các bản quyền tác giả, quyền liên quan đã được pháp luật bảo hộ để tránh vi phạm bản quyền xảy ra trong việc sử dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khỏi những sự xâm phạm đối với tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng.

Vi phạm về bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu hình sự

Phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm phổ biến nhất. Như vậy, kể từ 01/1/2018, nếu doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp thì doanh chủ sẽ bị xử lý hình sự do hành vi xâm phạm của doanh nghiệp mình gây ra? Ông có thể cho biết cụ thể?

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn: Căn cứ theo điều 225 BLHS sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, thì việc doanh nghiệp sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt được quy định cụ thể trong Luật như: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng tùy theo mức độ xâm phạm, lợi nhuận thu được từ việc xâm phạm và thiệt hại gây ra, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, doanh chủ phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm tùy theo mức độ.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng xử lý các vụ xâm phạm bản quyền phần mềm hiện nay? Với điều luật sửa đổi của BLHS này, theo ông có đủ sức mạnh để giảm hiệu quả nạn xâm phạm bản quyền phần mềm ở nước ta?

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn: So với 10 năm trở lại đây thì chúng ta có thể thấy được hệ thống quy phạm pháp luật liên quan tới việc bảo hộ bản quyền và ý thức trong việc bảo vệ các tài sản trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng ở nước ta đã có chuyển biến rõ rệt và tích cực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính hiện nay vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng chương trình máy tính còn nhiều hạn chế.

Với điều luật sửa đổi của BLHS này, chưa thể khẳng định liệu nó có đủ sức mạnh để giảm hiệu quả nạn xâm phạm phần mềm ở nước ta hay không. Điều đó còn phụ thuộc nhiều vào công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên thực tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận với những thay đổi trong BLHS mới, với việc định lượng khái niệm “quy mô thương mại”, nâng cao hình phạt cho những tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính, đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ đối với nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Cục bản quyền tác giả Việt Nam vừa tiến hành gửi thư đến hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước, khuyến nghị các doanh nghiệp rà soát tình hình sử dụng chương trình máy tính tại doanh nghiệp mình, tuân thủ các quy định pháp luật về quyền tác giả, đồng thời tránh rủi ro bị tấn công mạng. Cục cũng cảnh báo về nguyên nhân chính dẫn tới các sự cố hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp là do việc sử dụng chương trình máy tính có nguồn gốc không rõ ràng, dẫn tới máy tính bị lây nhiễm mã độc.

Nguyễn Hùng (Thực hiện)