Samsung bị "tố" lót tay để ém nhẹm một vụ cháy Galaxy Note7

(Dân trí) - Trong khi Samsung đang tích cực thu hồi Galaxy Note7 trên toàn cầu nhằm giữ hình ảnh của công ty thì nhiều khả năng nỗ lực đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, khi một người dùng tại Trung Quốc tố cáo hãng giấu diếm một vụ cháy điện thoại của người này.

Zhang Sitong, một cựu lính cứu hỏa và hiện là nhân viên bán hàng tại thành phố Phủ Thuận (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), cho biết trong khi đang sử dụng chiếc Galaxy Note7 của mình thì sản phẩm bất ngờ rung lên và bốc khói ngay trên tay.

Zhang lập tức vứt chiếc điện thoại xuống đất và nhờ một người bạn có mặt tại đó quay lại hình ảnh chiếc Galaxy Note7 bốc cháy và hư hỏng ngay trước mắt họ.

Sau vụ việc Zhang lập tức liên hệ với Samsung và ngay cùng ngày, 2 nhân viên của Samsung có mặt tại nhà Zhang, trao cho anh một chiếc Galaxy Note7 mới cùng với một khoản tiền khoảng 900 USD gọi là "tiền bồi thường" với điều kiện anh này giữ bí mật về đoạn video quay được.

Samsung lại gặp rắc rối trong nỗ lực xây dựng lại hình ảnh của công ty sau khi bị tố cáo tìm cách che giấu một vụ cháy Galaxy Note7 xảy ra tại Trung Quốc
Samsung lại gặp rắc rối trong nỗ lực xây dựng lại hình ảnh của công ty sau khi bị tố cáo tìm cách che giấu một vụ cháy Galaxy Note7 xảy ra tại Trung Quốc

Zhang cho biết anh đã rất tức giận và từ chối lời đề nghị. Zhang chia sẻ sở dĩ anh mua một chiếc Galaxy Note7 bất chấp việc Samsung đang thu hồi sản phẩm trên toàn cầu vì Samsung khẳng định Galaxy Note7 tại thị trường Trung Quốc an toàn và không bị ảnh hưởng bởi sự cố pin.

“Họ nói không có vấn đề gì với sản phẩm tại Trung Quốc, do vậy tôi đã mua một chiếc Galaxy Note7”, Zhang cho biết. “Đây là một vấn đề của sự lừa dối, họ đã lừa dối người dùng tại Trung Quốc”.

Trong đợt thu hồi Galaxy Note7 đầu tiên từ đầu tháng 9, Samsung cho biết Galaxy Note7 tại Trung Quốc sử dụng pin do công ty ALT cung cấp, thay vì pin do công ty SDI sản xuất như tại các thị trường khác, do vậy an toàn để sử dụng và không thuộc diện thu hồi.

Tuy nhiên, nhiều vụ cháy, nổ Galaxy Note7 tại thị trường Trung Quốc vẫn được ghi nhận và sau khi quyết định “khai tử” Galaxy Note7 đưa ra vào tuần trước, Samsung đã phải thu hồi cả sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.

Lời tố cáo của Zhang sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực gây dựng lại hình ảnh của Samsung sau sự cố gặp phải với Galaxy Note7, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, nơi Samsung đang cố gắng để lấy lại thị phần.

“Thương hiệu của Samsung đã bị tổn hại. Thật khó để Samsung có thể lấy lại thị phần tại Trung Quốc trong tương lai gần”, Di Jin, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC tại Trung Quốc cho biết..

Đặc biệt việc đối xử được cho là mất công bằng với người dùng Trung Quốc của các công ty nước ngoài thường chịu sự phản đối mạnh mẽ của người dùng nước này, khi chủ nghĩa dân tộc thường rất được đề cao tại Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã không ít lần chỉ trích các thương hiệu nước ngoài như McDonald’s, KFC, Apple hay Starbucks vì điều này.

“Các công ty nước ngoài có vẻ như sử dụng bất kỳ chính sách kém thuận lợi nào cho thị trường Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị đẩy vào một vũng lầy về truyền thông”, Mark Natkin, Giám đốc quản lý Marbridge Consulting, một công ty tư vấn về quan hệ công chúng có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. “Những người đã lèo lái công ty thành công tại thị trường Trung Quốc là những người hiểu rằng họ không thể giành chiến thắng trong mọi trận chiến và đôi khi để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, tốt hơn họ chỉ nên nói rằng ‘Chúng tôi xin lỗi’”.

Samsung đã từng là hãng smartphone lớn nhất tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, tuy nhiên giờ đây Samsung đã đánh mất thị phần vào các đối thủ, đặc biệt là các hãng smartphone nội địa, nổi bật với các mẫu sản phẩm giá rẻ và có cấu hình mạnh, như Huawei, Xiaomi, Oppo...

Theo IDC, hiện Samsung chỉ còn nắm giữ chưa đến 7% thị phần tại Trung Quốc tính đến hết quý II/2016 so với mức 19% mà Samsung nắm giữ trong năm 2013.

T.Thủy
Theo NYTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm