Xúc động cô bé nhiễm HIV truyền cảm hứng cho các bác sỹ
Nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS- 1.12, một bác sỹ tại Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ một câu chuyện tình cờ nhưng cũng hết sức xúc động.
Đúng ngày hôm nay, 1.12, các bác sỹ BV Nhi Trung ương đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhi nhiễm HIV. Căn bệnh quái ác khác đã suýt đoạt đi mạng sống của em khi đang ở độ tuổi hồn nhiên và mơ mộng nhất- tuổi 13.
Quá trình hội chẩn để can thiệp điều trị loạn nhịp cho em, các bác sĩ thật ái ngại vì những dấu hiệu của suy tim nặng: tim nhanh nhĩ dai dẳng, thất trái giãn rất to, chức năng co bóp thất trái giảm rất nặng. Nếu không can thiệp thì đột tử và tử vong gần như chắc chắn. Nếu can thiệp thì nguy cơ tử vong trong khi can thiệp cũng là rất cao. Dẫu vậy, các bác sỹ vẫn quyết tâm phải giữ cho cô bé sống để thực hiện những giấc mơ của mình như bao nhiêu người bình thường khác. Họ đã thầm nhủ: “Bác cháu mình sẽ cùng đồng hành nhé...”
Phong thái và tinh thần của cô bé trước khi vào phòng can thiệp đã khiến cho các bác sỹ hết sức khâm phục. Vị bác sỹ kể lại: “Con tự tin, ung dung bước vào phòng can thiệp mà không hề cảm nhận bất kì mối nguy hiểm thảm khốc đang rình rập, giống như bước vào studio để chụp ảnh vậy... Ánh mắt mở to nhìn các máy móc một cách thích thú, miệng mỉm cười hồn nhiên khi nghe các cô vừa làm vừa hỏi chuyện và pha trò... rồi ánh mắt lơ mơ.... bờ mi khép lại dưới “pháp thuật diệu kỳ” của 2 cô bác sỹ và kỹ thuật viên gây mê...”
“Chỉ 10 phút sau, tiếng kêu " cấp cứu... ngừng tim" cùng với tiếng báo động khẩn cấp của máy theo dõi.... tim rời rạc 80.. 60... 30.... Ép tim, bóp bóng, cấp cứu ngừng tim phổi... cả ekip thuần thục nhẹ nhàng mau lẹ như không có chuyện gì xảy ra.... Chỉ cách đó vài mét thôi, bố mẹ, ông bà, người thân của con biết bao nhiêu người.... không hề cảm nhận được bất kì dấu hiệu nguy hiểm chết người nào đang xảy ra với con”- vị bác sỹ kể tiếp.
Chỉ 5 phút sau, tim của cô bé lại đập trở lại nhưng các cơn tim nhanh xuất hiện liện tục và nối tiếp nhau hành hạ cô bé một cách không thương tiếc. Ngay lập tức, một catheter được đưa vào động mạch để giám sát huyết áp. Thế nhưng “thật tai hại khi cơn tim nhanh huyết áp chỉ 60/40 mmHg... Làm thế nào đây? Chẳng lẽ bó tay sao!”- những câu hỏi liên tiếp xoáy vào tâm can các bác sỹ.
Thế rồi, một quyết định táo báo được thông qua, thuốc vận mạch được đưa vào nhằm duy trì huyết áp ở mức chấp nhận, 4 catheter nhanh chóng được đưa vào buồng tim. Quá trình lập bản đồ nội mạc cũng nhanh chóng xác định vị trí ổ gây tim nhanh. Quá trình đốt triệt cũng diễn ra hết sức khẩn trương và thuần thục.
“Chỉ sau 3 lần bật máy đốt, thủ phạm gây bệnh đã được triệt hạ. Cả ekip đồng thanh thở phào rồi thốt lên " thật không thể tin nổi", "sao lại có thể dễ dàng đến vậy", “thật là may mắn quá”…- vị bác sỹ xúc động kể.
Viết tiếp những dòng cảm động, vị bác sỹ mang đến một tin vui: “Giờ này con đã tự mở mắt nhìn lại cuộc đời và mỉm cười nhìn bố mẹ ông bà”. Sau đó, bác sỹ cũng gửi gắm đến cô bé những tia sáng hy vọng, mong cô bé bước tiếp trên con đường chông gai của đời mình: “Hy vọng con đủ lớn để hiểu về những điều kì diệu luôn có ở bên mình để không bao giờ mặc cảm về căn bệnh mình đã mang trong mình. Hãy sống luôn vui vẻ ở giây phút hiện tại để xây thắp những ước mơ và luôn mỉm cười hạnh phúc khi nghĩ về tương lai”.
Vị bác sỹ ấy đã viết: “Cảm ơn con và gia đình đã cho bác và các đồng nghiệp của mình một trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn thế được. Những dòng này gửi tặng các bạn và các con không may mang trong mình thứ không ai muốn có HIV/AIDS”.
Câu chuyện trên xảy ra thật tình cờ, vào đúng ngày toàn thế giới kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS lần thứ 20, đã khiến cho nhiều người xúc động. Những em bé ngay khi sinh ra đã thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa, mang trong mình căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS nhưng các em vẫn là nguồn vui, ngọn lửa tinh thần của bố mẹ, ông bà nội ngoại và bao nhiêu người, mà theo lời vị bác sỹ nói thì: "Con vẫn là một cô bé vĩ đại nhất”.
Theo Thùy Linh
Lao động