Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Tuyển người là việc của bệnh viện, miễn là đừng tuyển ồ ạt khi sắp… về hưu

(Dân trí) - Nhiều Bệnh viện (BV) đã tự chủ nhưng lại chưa được toàn quyết các vấn đề, “xin” Bộ Y tế, Chính phủ cho được tự quyết tuyển dụng nhân lực theo yêu cầu, tự quyết về giá dịch vụ, được hoạt động theo đúng mô hình doanh nghiệp, không còn “công chức, viên chức” để thúc đẩy sự cố gắng của nhân viên.

Bệnh viện “mang tiếng” tự chủ vẫn chưa được tự quyết tuyển nhân sự

Tại Hội nghị diễn ra ngày 20/5 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì tại Bộ Y tế, nhiều bệnh viện đã lên tiếng xin được tự chủ nhiều vấn đề liên quan, không riêng tự chủ tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: T.D
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: T.D

Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bệnh viện tự chủ 100%, đã vay tiền ngân hàng xây dựng cơ sở 2 với 400 giường bệnh, nhưng nay thực kê đã là 800 giường vẫn quá tải, với hàng nghìn lượt bệnh nhân khám mỗi ngày.

Với số tiền đã vay thì mỗi năm BV phải trả lãi 100 tỷ, hạn cuối đến năm 2020 bệnh viện phải thanh toán toàn bộ số nợ này, trong khi nguồn thu của bệnh viện mỗi năm 400 – 450 tỷ.

Theo PGS Lương, với việc tự chủ 100%, không có nguồn kinh phí ngân sách, BV tự làm, tự ăn. Tuy nhiên thực tế còn nhiều phụ thuộc vào Bộ Y tế.

Giám đốc BV Nội tiết dẫn chứng: “BV muốn xây một khu nhà ăn, nhà lưu trú cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào vị trí khu đại thể (không thể xây như ban đầu vì chiếm diện tích lớn), BV đã xin ý kiến Bộ trưởng và đã được đồng ý, BV cũng đã chuẩn bị tiền cho xây dựng nhưng kế hoạch đã gửi từ lâu đến giờ vẫn chưa được phép. Hay như việc tuyển dụng nhân sự, BV mong muốn bệnh viện được tự chủ tuyển dụng nhân lực, dựa theo nhu cầu, theo khả năng của BV"

Trước ý kiến của PGS Lương, Phó Thủ tướng đánh giá việc tự chủ của các BV còn rất... nửa vời. “Đã tự chủ 100% rồi thì lấy bao nhiêu người làm việc là của BV, miễn là không giảm thu nhập, đừng sắp về hưu thì tuyển 1 loạt”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng có những kiến nghị liên quan đến tuyển dụng nhân sự, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, BV Bạch Mai cho biết BV là một trong những đơn vị đầu tiên tự chủ toàn bộ về kinh phí chi thường xuyên cũng “xin” để BV được tự quyết định số lao động cần tuyển dụng.

“Khi tự chủ, lãnh đạo BV tự chi trả lương, họ sẽ quyết định nhân lực làm sao để công việc tốt, không được dư thừa”, ông Quốc Anh nói.

Đồng thời ông cũng kiến nghị khi tuyển dụng lao động xin được áp dụng như luật doanh nghiệp chứ không tồn tại hình thức công chức, có thế mới thúc đẩy được sự nỗ lực, cố gắng của nhân viên y tế.

BV Bạch Mai cũng xin được tự chủ giá dịch vụ khám chữa bệnh, hoặc Bộ Y tế ban hành trần sau đó các đơn xây dựng giá phù hợp.

Nhiều ca bệnh sẽ phải “bó tay” nếu không có xã hội hoá

Chia sẻ tại hội nghị, PGS Quốc Anh cho rằng, lâu nay nhiều người cho rằng BV công phải ra công, tư ra tư.

“Điều này hoàn toàn đúng nhưng với điều kiện nhà nước lo được kinh phí. Trong khi kinh phí đầu tư chưa đủ, BV nhờ xã hội hóa mới có máy móc trang thiết bị hiện đại, cứu chữa nhiều bệnh hiểm nghèo mà trước phải bó tay vì không có trang thiết bị.

Như trước đây không có hệ thống Ecmo, không thể cứu nổi bệnh nhân viêm cơ tim. Nay bệnh hiểm này đã được cứu chữa nhờ có máy móc. Nếu không có máy móc xã hội hoá, chắc chắn nhiều bệnh nhân nặng không thể qua khỏi”, PGS Quốc Anh dẫn chứng.

Liên quan đến nghị định của Chính phủ về đội ngũ lãnh đạo BV chỉ có 1 trưởng và 3 phó, PGS Quốc Anh xin Chính phủ tùy vào BV, quy mô tổ chức đến đâu để tăng số lượng Ban giám đốc BV,

Như tại BV Bạch Mai hiện có 1 Giám đốc, 5 phó giám đốc, công việc “bở hơi tai”, nguyên đi hội chẩn bệnh nhân nặng đã tối tăm mặt mày.

“Một ngày BV Bạch Mai khám 7.000 bệnh nhân ngoại trú, 4.000 bệnh nhân nội trú. Con số này bệnh viện nước ngoài nghe thấy khiếp kinh”, TS Quốc Anh nói.

Chính vì thế, TS Quốc Anh cho rằng, với khối lượng công việc khổng lồ, nếu theo Nghị định chỉ có 3 phó giám đốc sẽ rất lúng túng.

Bộ trưởng Tiến cho biết, có những bệnh viện đặc thù các vị trí này cũng cần nhiều hơn. Như tại BV K có 6 phó giám đốc. Tuy nhiên Bộ trưởng nhấn mạnh, BV nhất định phải có phó Giám đốc phụ trách về tài chính có năng lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Phó Thủ tướng về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tổ chức hệ thống y tế các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: T.D
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Phó Thủ tướng về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tổ chức hệ thống y tế các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: T.D

Trước kiến nghị này, Phó Thủ tướng khẳng định: “BV đã tự chủ về tài chính thì cũng tự chủ luôn về bộ máy, nhân sự, tuyển mấy phó giám đốc cũng được. Cũng như một bác sĩ có bao nhiêu điều dưỡng cũng được, nhưng nguyên tắc là không giảm thu nhập và có cơ chế kiểm soát”.

Đầu tư, “hút” bệnh nhân về y tế cơ sở

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng quan tâm đến số lượng đơn vị sự nghiệp y tế công ở các tuyến còn nhiều, đặc biệt hệ thống y tế dự phòng quá chồng chéo, quá đông.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có đến hơn 13.000 cơ sở y tế, trung ương 83, 913 ở cấp tỉnh, gần 1.200 ở huyện, hơn 11.700 ở cấp xã. Hệ thống y tế hiện có quá nhiều đầu mối vì thế ngành đang tiến hành sáp nhập các trung tâm y tế thành Trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Cả nước hiện có 700 trung tâm, hiện mới sáp nhập được một nửa. Bước đầu giúp giảm được 300 đầu mối và giảm được 1.200 cán bộ quản lý.

Phó Thủ tướng chỉ đạo phải làm đột phá. “Nếu sắp xếp gộp lại ước giảm tới 450 đầu mối trên toàn quốc, giúp giảm khoảng 1.800 cán bộ quản lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tình trạng quá tải của BV tuyến cuối, Phó Thủ tướng cho rằng bệnh viện mà dân tin thì 2-3 người một giường vẫn nằm, chỗ không nằm ghép thì dân không tin. Vì thế các BV tuyến cuối phải đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, đào tạo giỏi bác sĩ tuyến dưới. Như BV Nội tiết, phải khẩn trương làm việc với Đại học Y Hà Nội để mở đào tạo bác sĩ nội tiết.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết 70% nhu cầu chăm sóc ban đầu có thể giải quyết được tại y tế cơ sở. Tuyến dưới hiện nay yếu, cần được nâng cao chất lượng, quan tâm xây dựng đầu tư. “Nếu quyết tâm làm, đầu tư cho tuyến dưới thì sau này sẽ tiết kiệm rất nhiều. Nếu tiếp tục đầu tư vào bệnh viện thì bệnh nhân tiếp tục hút về bệnh viện, có trường hợp không cần thiết cũng về”.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa; thực hiện cơ chế kết hợp công tư về nhân lực; thống nhất trong cả nước việc quản lý theo ngành ở địa phương, theo đó Sở Y tế quản lý thống nhất trên địa bàn cả chuyên môn, nhân lực và tài chính.

Bộ Y tế cũng đề nghị có cơ chế đặc thù về số lượng lãnh đạo đối với một số đơn vị có nhiều cơ sở, đối với các đơn vị do sáp nhập các đơn vị trong quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy. Đối với các đơn vị theo yêu cầu phải tăng số giường bệnh, được quyết định số lượng hợp đồng đối với cả người làm chuyên môn y tế.

Cho phép thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội nhiều mức đóng theo lương, có mức cơ bản, có mức nâng cao để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia BHYT. Nhà nước mua và hỗ trợ cho một số đối tượng theo mức BHYT cơ bản, được hưởng gói quyền lợi cơ bản. Các đối tượng có nhu cầu, có khả năng tài chính có thể tham gia và hưởng các dịch vụ ngoài gói cơ bản.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng kiến nghị sửa đổi luật BHYT theo hướng có lộ trình bổ sung một số dịch vụ y tế dự phòng và khám, sàng lọc một số bệnh do bảo hiểm y tế chi trả theo nguyên tắc mức hưởng phù hợp với mức đóng.

Hồng Hải